Tết xưa - Tết nay: Người Việt đã thay đổi cách sắm Tết như thế nào trong hai thập kỉ qua?

Hơn hai thập kỉ kể từ thời kì đổi mới, cách người Việt chuẩn bị cho Tết chắc chắn đã thay đổi đi rất nhiều, nhưng những giá trị văn hóa của Tết thì vẫn nguyên vẹn.

“Bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ”, tháng năm vật đổi sao dời nhưng giá trị ngày Tết luôn vẹn tròn

Dù thời gian hay xu hướng toàn cầu hóa có thể bào mòn đi những giá trị văn hóa độc đáo của một dân tộc, nhưng Tết - trong văn hóa Việt Nam có lẽ là một dòng chảy đặc biệt, chảy xuyên suốt không gian và thời gian theo lịch sử của cộng đồng dân tộc Việt.

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua
Tết trong tâm khảm người Việt luôn là một nghi lễ thiêng liêng. (Ảnh minh họa).

Trong một thế giới quá phẳng, thế hệ người Việt trẻ đôi khi hoảng hốt khi không thể nhận biết được bản thể của mình. Nhưng, với Tết thì khác. Như một sợi dây nối dài từ quá khứ đến hiện tại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhắc nhớ chúng ta về nguồn cội dân tộc, về bản sắc dân tộc.

Tết trong tâm khảm người Việt luôn là một nghi lễ thiêng liêng.

23 Tết

Tết bắt đầu từ 23tháng Chạp, ngày tiễn ông Táo về trời. Những ban thờ bắt đầu đỏ lửa nhang đèn, cá chép vàng, mũ cánh chuồn, mâm cơm cúng… dù theo cách nào đó, cũng không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam.

Ngày nay, mâm cơm cúng có thể đủ đầy hơn, mũ cánh chuồn có thể cầu kì hơn, cá chép vàng có thể đẹp hơn, nhưng so với cung cách người Việt sắm sửa cho ngày Tết ông Công ông Táo xưa thì vẫn không hề thay đổi.

Hoa Tết

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki quatet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua
Hoa Tết xưa-nay. (Ảnh minh hoạ).

Một cành đào phai Nhật Tân trong nhà, một nhánh mai vàng góc bàn thờ gia tiên, một chậu quất sai trĩu quả trước mái hiên – đó là cách người xưa thưởng hoa ngày Tết. Không trọng sự cầu kì, độc đáo, chỉ cốt cái thanh cao, tao nhã, hoa Tết ngày trước giản đơn, mộc mạc mà vẫn đẹp.

Ngày nay, người ta chuộng đào mốc, đào rừng, đào thất thốn từ trên đất rừng Mộc Châu, Sơn La chuyển về; mai vàng, mai trắng từ Sài Gòn chuyển ra… với đủ loại màu sắc, muôn hình vạn trạng sao cho càng độc đáo, càng lạ mắt càng tốt. Hoa Tết nay có thể được người dân săn lùng cả tháng trời, lao công khổ tứ lặn lội nơi “rừng thiêng nước độc” mới chọn được chậu hoa Tết ưng ý.

Với những chậu hoa Tết hiện đại, hơn cả sự tượng trưng cho không khí ngày Tết, nó còn gửi gắm ước vọng năm mới và biểu đạt sự thành công của gia chủ trong năm vừa qua.

Vài hào lá mùi thơm tắm tất niên, chùm bồ kết khô gác bếp gội đầu

Đó là những kí ức ngọt ngào và thơm lừng của thế hệ 8X, 9X. Nồi nước tắm tất niên của mẹ có mùi ngò, hương nhu, lá sả, khúc tần… cùng hàng trăm thứ lá khác thơm lừng. Hơn cả một truyền thống, nó là một nghi lễ.

Nghi lễ gột rửa những thứ bụi bặm, cũ kĩ của năm cũ để chào đón năm mới. Để có được nồi nước tắm tất niên với đủ loại thảo mộc đó, những người bà, người mẹ đã phải chuẩn bị từ mấy phiên chợ trước. Nhưng chỉ bằng vài hào lẻ, những người phụ nữ đã dựng nên một trong những kí ức đẹp nhất về Tết cho con trẻ.

Tết nay đủ đầy hơn, tiện lợi hơn với hàng trăm loại sữa tắm, hàng trăm loại tinh dầu, tuy nhiên mùi thơm nồng nồng ngai ngái từ nồi nước tắm của mẹ có lẽ là cái mất nhiều nhất đối với thế hệ trẻ bây giờ.

Quần áo Tết

“Cái áo cánh chúc bâu/ Đi qua nghe sột soạt” đó là những kí ức không chỉ của nữ sĩ Xuân Quỳnh, mà nó còn là kí ức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam những năm 80, 90 của thế kỉ trước.

Manh áo mới ngày Tết, hay đôi dép mới, đôi găng tay mới cũng trở thành một niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi thơ. Để có được những món quà vào ngày Tết, các bà, các mẹ đã phải gom nhặt, đặt may trước Tết cả hàng tháng trời.

Louis Vuitton, Chanel, Gucci…những thương hiệu thời trang nổi tiếng ngày nay ai ai cũng biết, những đợt giảm giá xả hàng “sập sàn” cuối năm… chưa bao giờ người ta lại dễ dàng mua được quần áo mới mọi lúc mọi nơi đến thế. Con trẻ được mua quần áo mới trong suốt cả năm, vì thế những háo hức mong chờ và ý nghĩa của bộ quần áo mới khi Tết đến xuân về đã giảm rất nhiều.

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”

Dịp cuối năm, theo cách này hay cách khác nhà nhà đều được thay một lớp áo mới, những góc phố, hàng cây, những con đường như bừng lên trong màu vôi mới sau một mùa đông ảm đạm kéo dài.

Trong mùi nồng nồng của vôi trắng, người ta cảm nhận rõ hơn cái Tết đang đến rất gần. Người nhà quê còn có tục vẽ cung tên bằng vôi trắng trước cổng nhà. Người ta tin rằng cung tên sẽ xua đuổi ma quỷ cùng những điều không hay trong năm cũ để chào đón năm mới, với nhiều may mắn hơn.

Ngày nay, ở phố cũng như quê, màu vôi trắng đang dần đươc thay thế bởi những màu sơn nhân tạo với đủ màu sắc, chủng loại, giá thành. Phố xá cũng rực rỡ hơn, nhà cửa cũng tươi vui hơn. Người ta chỉ mua một ít vôi như giữ một phong tục lâu đời chứ không còn mua nhiều như trước nữa. Nhưng ít nhất, nét đẹp truyền thống vẫn đang được thế hệ con cháu nâng niu giữ gìn.

Bánh kẹo ngày Tết

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki quatet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua
Bánh kẹo Tết xưa-nay. (Ảnh minh họa).

Tết xưa dân dã, giản dị với những hộp mứt Tết đơn giản, không quá cầu kỳ. Hộp mứt Tết được làm từ những mảnh bìa các tông gói gém đơn sơ, bên trong có chút ít mứt bí, mứt dừa, mứt lạc hay quả táo tàu. Người xưa trân quý và dành dụm những bánh kẹo Tết như thế để thiết đãi anh em, bạn bè hoặc làm quà biếu. Đối với những gia đình nghèo hơn, có hộp mứt Tết để trên bàn thờ đã là có Tết rồi.

Ngày nay, với hàng nghìn loại bánh kẹo màu sắc, hương vị bắt mắt, mứt Tết đã lui về vị trí khiêm nhường của mình trên các sạp hàng. Những giỏ quà gói sẵn sang trọng, những chai rượu ngoại đắt tiền đã thay thế mứt Tết xưa kia.

Thời gian đã thay đổi, bánh kẹo lúc nào cũng sẵn và mứt Tết đã không còn là một thứ hàng hóa quá xa xỉ. Tuy nhiên, trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình mỗi dịp xuân về vẫn không thể thiếu hộp mứt Tết hình lục giác bọc trong giấy đỏ, không thể thay đổi.

“Đói quanh năm, no ba ngày Tết”

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua
Siêu thị, chợ búa mọc mở cửa ngay trong Tết khiến việc mua sắm thực phẩm ngày Tết không còn vất vả như xưa. (Ảnh minh họa).

Có lẽ, câu nói đó chỉ đúng với Tết xưa. Những "đùm túm", gói gém của bà của mẹ từ trước Tết mấy tháng được đựng trong chum trong vò. Nào cân miếng dong, nào lạng mộc nhĩ, nào bơ gạo nếp, yến gạo ngon, cân măng khô…tất cả đều được cẩn thận tỉ mỉ bọc trong nhiều lớp giấy lá để dành cho Tết. Tết là phải đủ đầy, là phải ăn uống no say thì cả năm mới may mắn được. Giá trị văn hóa phồn thực này gắn bó với người Việt trong suốt hàng ngàn năm lịch sử.

Đến nay, tuy có những biến chuyển về thời cuộc, siêu thị, chợ búa mọc lên khắp nơi, việc mua sắm, tích trữ cho Tết không còn như xưa, nhưng tâm lí trữ đồ ăn thức uống thì vẫn còn ở nhiều gia đình. Tuy nhiên, khác với Tết xưa, những bà nội trợ ngày nay chỉ cần một ngày đi chợ là có thể sắm sang những bữa cỗ Tết đủ đầy.

Pháo Tết

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua
Tết xưa nhà nào cũng có tràng pháo đỏ treo trước cửa nhà. (Ảnh minh họa).

Nếu như Tết xưa nhà nào cũng có tràng pháo đỏ treo trước cửa nhà thì nay pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa. Vẫn những tiếng nổ ấy, vẫn báo hiệu niềm vui năm mới, tuy cách thức có khác nhau nhưng ý nghĩa thì không hề thay đổi.

Bánh chưng Tết

Sự mất mát lớn nhất của thế hệ này có lẽ là bánh chưng Tết. Người ta hăm hở trong cuộc đua công nghiệp hóa và rồi cũng hăm hở công nghiệp hóa cả bánh chưng xanh.

Tết xưa là tiếng lợn kêu khắp cả xóm làng, là mùi thơm ngậy của đỗ rang, là màu xanh ngắt của lá dong phơi trước thềm và buổi tối cuối năm sum họp bên ánh lửa đỏ trông nồi bánh chưng xanh. Tết nay, chỉ vài chục nghìn người ta dễ dàng mua được bánh chưng. Tất nhiên nó vẫn là Tết, vẫn tươm tất, vẫn đủ đầy, tuy nhiên không khí và mùi vị Tết thì đã giảm đi phần nào.

Thời gian có đổi thay, cuộc sống có hiện đại, tuy nhiên những giá trị ngày Tết sẽ vẫn trường tồn, như một sợi dây vô hình kết nối những người con Việt trên khắp năm châu. Những giá trị văn hóa dù có bị lu mờ trong cuộc đua hội nhập thì Tết cổ truyền vẫn sẽ mãi là một nghi lễ thiêng liêng của người Việt. Ngày Tết, thắp một nén hương thơm trên bàn thờ gia tiên, người ta chung tâm lí gạt bỏ đi những bon chen thường ngày, những bức xúc năm cũ, mong một năm mới đủ đầy, may mắn, chan hòa yêu thương.

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua Những câu đối chúc Tết thầy cô cho ngày 'mùng Ba tết thầy'

Những câu đối chúc Tết thầy cô giáo ý nghĩa nhằm tri ân công lao dạy dỗ trong dịp xuân về.

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua Những lưu ý khi làm lễ hóa vàng ngày Tết để không mạo phạm thần linh

Thông thường, từ ngày mùng 3 Tết trở đi, người dân lại soạn lễ để cúng tiễn tổ tiên về âm cảnh. Lễ cúng đó thường ...

tet xua tet nay nguoi viet da thay doi cach sam tet nhu the nao trong hai thap ki qua Những việc nên làm vào dịp Tết Nguyên đán để được may mắn quanh năm

Tết Nguyên đán 2019 là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để cùng đón năm mới Kỷ Hợi. Theo quan ...

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.