Dùng sai miếng dán... tưởng bị ma ám |
![]() |
Miếng dán chống say tàu xe được sử dụng rất phổ biến hiện nay. (Ảnh: phunuonline) |
Say tàu xe là nỗi ám ảnh lớn của rất nhiều người. Ngoài việc uống thuốc chống nôn hya các biện pháp "truyền miệng" như ngửi bánh mì, vỏ cam quýt, ngậm chanh, ăn no trước khi lên xe… thì sử dụng miếng dán là cách mà nhiều người đang áp dụng để tránh bị say tàu xe.
Tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ
Khác với những miếng dán thông thường chỉ có tác dụng ngay tại vị trí dán, miếng dán chống say tàu xe sẽ có tác dụng toàn thân. Vì thế, nó còn có tên gọi khác là băng dán xuyên da và có tác dụng như khi bạn uống các loại thuốc chống nôn. Vị trí để dán miếng chống say tàu xe là ở vùng da khô ngay sau tai. Sau đó, các thành phần thuốc trong cao dán sẽ thẩm thấu qua da, vào máu và bắt đầu phát huy tác dụng.
Thành phần chính trong những miếng dán chống say xe là scopolamine. Đây là chất có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích và hóa giải chứng buồn nôn do say tàu, xe...
![]() |
Miếng dán chống say tàu xe có thể gây nên nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. (Ảnh: thanhnien.vn) |
Miếng dán chống say tàu xe được ưa chuộng hơn các loại thuốc uống là bởi người sử dụng chỉ cần dán một lần, không phải uống nhiều lần như thuốc. Các dược liệu có trong miếng dán sẽ được cung cấp liên tục, không có sự biến đổi hấp thụ và cũng không bị chuyển hóa bởi gan như khi uống thuốc. Đến khi ngưng điều trị, người sử dụng tháo bỏ miếng dán là xong.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì miếng dán chống say tàu xe còn có rất nhiều tác dụng phụ mà người sử dụng phải lưu ý. Cụ thể, do có chứa chất scopolamine nên người sử dụng có thể gặp phải các tình trạng như liệt đối phó giao cảm, nhức đầu, không tỉnh táo, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt...
Chống chỉ định với trẻ dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trẻ bị ngộ độc hoạt chất scopolamine có trong miếng dán chống say xe. Phần lớn trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê, mất kiểm soát về hành động và lời nói. Vì thế, ở một số bệnh viện địa phương, do phụ huynh đã tháo miếng dán ra nên nhiều bác sĩ kết luận nhầm với bệnh viêm não.
![]() |
Mỗi năm có khoảng 10 trẻ em nhập viện vì tác dụng phụ của miếng dán chống say xe. (Ảnh: sggp.org) |
Bác sĩ Khanh cho biết, tuy trên bao bì miếng dán chống say tàu xe có ghi chống chỉ định với trẻ em dưới 8 tuổi, nhưng thực chất những trẻ dưới 12 tuổi cũng không nên sử dụng. Bởi không ít trẻ từ 9 – 10 tuổi đã phải nhập viện vì tác dụng phụ của miếng dán. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau khi dùng miếng dán thì cần cho nhập viện ngay. Đồng thời nói với bác sĩ là trước đó có dùng miếng dán chống say xe để không chẩn đoán nhầm bệnh.
Với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi thì tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ một loại thuốc hay miếng dán chống say tàu, xe nào. Tốt nhất, các trường hợp này chỉ nên sử dụng các biện pháp dân gian như ngậm chanh, ngửi bánh mì, ngửi vỏ cam, quýt…
Những lưu ý khi sử dụng miếng dán chống say tàu xe
Để đạt hiệu quả cao trong sử dụng, bạn cần phải dán miếng chống say tàu xe lên vùng da khô ở sau tai từ 4 – 6 giờ trước khi lên xe. Vì như vậy thì các dược chất trong miếng dán mới có đủ thời gian ngấm vào da và máu. Tuyệt đối không được dán ở những nơi da nhạy cảm, bị trầy xước vì các dược chất sẽ thẩm thấu nhanh và có thể gây ngộ độc.
![]() |
Nên dán từ 4 - 6 tiếng trước khi lên xe để hiệu quả sử dụng cao hơn. (Ảnh: conservate) |
Nhiều người cho rằng dán càng nhiều thì hiệu quả chống say xe, buồn nôn càng cao nên cùng một lúc dán 2 – 3 miếng dán, hoặc vừa dán vừa uống thuốc. Đây là suy nghĩ sai lầm, phản khoa học thậm chí sẽ gây nên những phản ứng mạnh, sốc thuốc. Vì thuốc sẽ ngấm vào da với liều lượng nhiều, làm cho thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối, dễ dẫn đến hiện tượng tai biến.
Không sử dụng miếng dán cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi. Với trẻ em trên 12 tuổi và người già thì chỉ nên dùng nửa miếng dán. Ngay khi có dấu hiệu mờ mắt, mệt mỏi, mất kiểm soát thì cần phải tháo ngay miếng dán ra.
![]() |
Trẻ em dưới 12 tuổi tuyệt đối không được sử dụng miếng dán chống say xe. (Ảnh: tapchigiaothong.vn) |
Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn về cách dùng được ghi trên bao bì về thời điểm dán, dán trong bao lâu, khoảng cách giữa hai lần dán… để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể gặp phải.
Tips phòng chống say tàu xe đơn giản - Không để bụng đói hoặc ăn quá no khi đi tàu, xe. Vì khi xe di chuyển, dạ dày sẽ bị co thắt, dễ dẫn đến tình trạng ói, mửa, bụng cồn cào. - Khi có các dấu hiệu say xe thì nên ngửi và ăn bánh mì. Bởi vì khi ăn bánh mì, tuyến tụy sẽ tiết ra chất trypsin, trao đổi với các axit amin và giúp trấn tĩnh thần kinh. - Theo Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hiệp hội Dược liệu TP.HCM, những người say tàu xe nên uống một tách trà gừng trước khi lên xe khoảng 30 phút. Trong suốt hành trình đi xe, nên ngậm một lát gừng tươi. Với trẻ em thì có thể cho ăn kẹo gừng, uống trà gừng pha đường. |