Ban An toàn giao thông TP Nha Trang cho biết toàn thành phố đang có 412 tuyến đường nội thị, chủ yếu là đường nhỏ hẹp, 2 làn xe hỗn hợp và 28 tuyến ngoài đô thị với tổng chiều dài gần 400km.
Du lịch tăng khiến giao thông TP Nha Trang thường xuyên ùn ứ. (Ảnh: Khải An).
TP Nha Trang có đến hơn 25.000 ô tô các loại đang lưu hành. Chỉ trong tháng 6/2019, số lượng đăng kí mới, chuyển đến với hơn 2.500 xe trong đó ô tô 654; mô tô gần 1.900 chiếc tăng hơn 20% so với cùng kì.
Ngoài ra, còn có khoảng 2.000 ô tô ngoại tỉnh chở khách du lịch đang hoạt động trên địa bàn. Mỗi ngày TP đón khoảng 60.000 lượt khách, ít nhất cần đến 1.200 xe trên 45 chỗ để chuyên chở.
Mật độ xe cao nhưng khu vực trung tâm TP Nha Trang không có bãi đỗ xe quy mô lớn. Chủ yếu vẫn tồn tại các bãi giữ xe tạm thời với 17 bãi nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu số lượng xe lớn như hiện nay.
Bên cạnh đó, các khách sạn, nhà hàng lớn tại trung tâm TP Nha Trang gần như không có bãi đỗ ô tô. Thậm chí các khách sạn xây mới cũng không có hạng mục này.
Cụ thể trong nghiên cứu của Ban An toàn giao thông TP Nha Trang đối 21 cơ sở nhà hàng tiệc cưới thuộc 3 phường trung tâm, kết quả kiểm tra quy mô bãi đỗ xe thì 21/21 cơ sở quy mô bãi xe đủ dành cho xe mô tô và xe máy; riêng các ô tô dự tiệc cưới đều chiếm dụng vỉa hè và lòng đường làm nơi đỗ xe.
Cụ thể những khách sạn 4- 5 sao trong khảo sát như Nha Trang Center, Sheraton Trần Phú, Havana, Lodge Hotel, Mường Thanh… đều thiếu bãi ô tô.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua lượng khách đến Nha Trang tăng cao, các phương tiện đưa đón khách trên 16 tăng đột biến và chỗ chủ yếu tập trung dọc tuyến đường ven biển, các tuyến đường trung tâm thành phố.
Người dân và du khách đến Nha Trang thường xuyên đối mặt với tình trạng giao thông ùn ứ trên đường Trần Phú. (Ảnh: Khải An).
Dù phương tiện giao thông tăng cao nhưng hầu hết các tuyến đường ở Nha Trang được đầu tư từ lâu, mặt đường nhỏ, nên dễ gây ùn tắc giao thông. Đây là vấn đề gây bức xúc đối với người dân và khách du lịch trong nhiều năm qua.
"Việc ùn tắc có nhiều lí do như hạ tầng giao thông không đảm bảo, các khách sạn không bố trí được bãi xe, việc chấp hành của người tham gia giao thông kém, việc tuần tra xử lí của cơ quan chức năng…", ông Dần nhận định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho rằng, ùn tắc giao thông, kẹt xe là vấn đề "đau đầu" của Nha Trang. Hiện có nhiều giải pháp được đưa ra như phân luồng lại, tổ chức chức lại giao thông, đã cấm xe khách trên 29 chỗ trên một số tuyến đường trung tâm, cấm đậu đỗ tại đường biển Trần Phú… Tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để.
Theo Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hòa, Ban sẽ tiếp tục chỉ đạo TP Nha Trang và các sở, ngành liên quan phải có giải pháp đầu tư như thông các nút giao ở sân bay Nha Trang, triển khai xây dựng các bãi đỗ xe… Đây là những giải pháp lâu dài nên triển khai từng bước một.
Trong tương tai, Nha Trang sẽ hướng đến giao thông công cộng và cấm các xe từ 29 chỗ vào trung tâm TP. (Ảnh: Khải An)
Trước mắt, Ban ATGT yêu cầu Sở GTVT, Công an tỉnh và các địa phương ra quân, trong chức năng của mình xử lí các trường hợp vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, đậu đỗ sai quy định. Để tình trạng ùn tắc giai thông thì phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Dần – Phó Ban thường trực Ban ATGT Khánh Hòa cho rằng, việc tăng trưởng du lịch quá nóng đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Do đó, cần phải nghiên cứu vấn đề về chiến lược phát triển du lịch, kéo dãn ra các vùng vệ tinh Nha Trang.
"Về các giải pháp cưỡng bức thì phải tổ chức giao thông công cộng, Sở đang đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa thuê đơn vị lập đề án nghiên cứu tổ chức giao thông công cộng trên địa bàn TP… tiến tới cấm hẳn các xe có trọng tải lớn, xe khách trên 29 chỗ vào TP vì hạ tầng cơ sở hiện này không đáp ứng được cho các loại phương tiện này", ông Dần cho biết.
Nút giao kết nối sân bay Nha Trang nhằm giải quyết vấn đề ách tắc nhưng hiện chỉ đạt khoảng 20% khối lượng công trình. (Ảnh: Khải An)
Để giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kí 3 hợp đồng BT với Công ty CP Phúc Sơn để làm các nút giao kết nối sân bay Nha Trang, đường Vành đai 2 chạy dọc các khu đô thị và nút giao thông Ngọc Hội để làm cầu vượt tránh đường sắt. Tổng giá trị 3 dự án này hơn 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, 3 dự án này đang bị tắc.
"Các nút giao thông đấu nối với sân bay Nha Trang cần Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất để tỉnh Khánh Hòa có mặt bằng giao nhà đầu tư mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Có như vậy TP mới sớm giải tỏa bớt việc ùn tắc, kẹt xe", ông Dần đề nghị.
Ông Ngô Khắc Thinh - Phó phòng Quản lí đô thị TP Nha Trang cho biết TP vừa ban hành quyết định phê duyệt "Phương án tổ chức giao thông trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Phương án tối ưu cho bài toán kẹt xe là tăng khả năng kết nối với trục sân bay Nha Trang, thông các tuyến đường chính, thêm các bãi xe.
Theo Phương án tổ chức giao thông trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được UBND TP Nha Trang phê duyệt, để giải bài toán kẹt xe thì việc cấm các ô tô trên 29 chỗ vào khu vực trung tâm TP là điều cốt lõi.
Cụ thể, Phương án đưa ra sẽ cấm toàn bộ ôtô khách trên 29 chỗ chạy trên đường Trần Phú (cả hai hướng trên đoạn từ ngã ba Trần Phú - đường Xóm Cồn đến đoạn giáp đường Hoàng Diệu, vào các giờ cao điểm (từ 6 giờ 30 đến 8 giờ và từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30).
Đối với ôtô khách từ 16 chỗ đến 29 chỗ, vào các giờ cao điểm trên, các xe chạy trên đường Trần Phú theo hướng lưu thông từ nam cầu Trần Phú về cảng Nha Trang, buộc rẽ phải vào đường Lê Thánh Tôn để đi theo các đường bên trong xuống hướng đường Hoàng Diệu.