Nha Trang: Người dân bất chấp nguy hiểm xây nhà tại vùng sạt lở

Hàng trăm hộ dân tại TP Nha Trang sinh sống trên và dưới các sườn núi đang đối mặt với nguy cơ sạt lở trước mùa mưa lũ trong khi nhiều công trình thoát lũ, tái định cư chưa hoàn thiện…

Cứ mưa là 'đưa nhau đi trốn'

Nha Trang những ngày qua đã xuất hiện những cơn mưa lớn. Thành phố ven biển này sẽ kéo dài đến khoảng cuối năm 2019, đầu năm 2020.

sat lo Nha Trang  4

Nhiều công trình thoát lũ tại TP Nha Trang đang triển khai khi đã vào mùa mưa. (Ảnh: Khải An)

Cách đây gần 1 năm, cơn mưa lớn ngày 18/11/2018 làm hàng loạt khu dân cư bị ngập lụt, nhiều ngôi nhà bị xóa sổ và có đến 22 người chết, 33 người bị thương. Trong đó khu dân cư tự phát ở xóm Núi, xã Phước Đồng đã có 14 người chết, khu vực phường Vĩnh Hòa có 4 người chết.

Những ngày qua, xóm Núi toang hoang sau trận mưa lũ lịch sử năm rồi có thêm chút không khí tất bật nhưng đáng báo động – người dân xây nhà trên nền đất đã bị mưa lũ cuốn trôi năm nào.

Từ Chùa Lâm Tỳ Ni đi lên lưng chừng xóm Núi là những ngôi nhà chấp vá nằm cạnh những đóng đổ nát và đá tảng. Phía hai bên, một số hộ đang xây lại những ngôi nhà trên nền đất cũ.

"Từ sau trận mưa lũ cuốn trôi nhà, các mạnh thường quân có giúp đỡ người dân nơi đây nhưng nhiều tháng qua, chúng tôi đi ở trọ nên  không còn đồng nào, giờ buộc phải dựng tạm lại căn nhà để ở khi chính quyền chưa có động thái nào", ông Lê Văn Sửu - người dân xóm Núi cho biết.

Ông Sửu cho biết, cách đây gần năm nhà ông và con trai bị nước cuốn mất. Giờ con đi làm, ông phải tự dựng nhà  để có chỗ chui ra chui vào. "Chính quyền có đến khuyên can không xây dựng trên nền cũ nhưng không đưa ra phương án để chúng tôi di dời cũng như không có hỗ trợ nào nên chúng tôi phải dựng cái nhà để ở. Nếu trời mưa là chúng tôi đi ngay và sẽ lên ủy ban xã tá túc vì biết ở đâu giờ", ông Sửu nói.

sat lo Nha Trang

Biết nguy hiểm cận kề nhưng không còn cách nào khác ông Sửu vẫn xây nhà trên nền đất bị lũ cuốn. (Ảnh: Khải An)

Cùng hoàn cảnh với ông Tân, nhiều hộ dân nơi đây chắt chiu từng đồng để dựng lại căn nhà vì đã hết tiền ở trọ dù biết rằng nguy hiểm cận kề. "Chúng tôi canh chính quyền để dựng tạm lại cái nhà, còn chính quyền canh dân không cho xây dựng, biết là không nên nhưng hết cách rồi", một người dân chia sẻ.

Ngược về phường Vĩnh Hòa, khu vực sạt lỡ khiến 9 ngôi nhà bị xóa sổ dưới chân dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú, một vài ngôi nhà cũng được xây mới trên nền cũ. Người dân nơi đây cho biết, gần 1 năm nhưng chưa có kết luận vụ sạt lở nên chưa có bồi thường, họ cũng không thể sống trong cảnh nhà thuê hay ở nhờ nên đã xây lại nhà tạm trên nền cũ.

"Còn cách gì đâu nên đành xây tạm để ở, chúng tôi có kiến nghị công ty Hoàng Phú xây bờ kè chắn phía trên để không xảy ra tình trạng tương tự như vừa rồi. Trước mắt cứ thấy mưa là chúng tôi bỏ nhà ra nhà trọ ngủ cho an toàn", ông Nguyễn Văn Tân một người dân bị sạt lở mất nhà tại Vĩnh Hòa cho biết.

Chưa có phương án nên mưa là di dời

Ông Trần Văn Đông – Chủ tịch phường Vĩnh Hòa xác nhận đã có một số hộ dân trở về xây nhà trên nền cũ, việc này rất nguy hiểm vì mùa mưa đã cận kề nhưng bờ kè phía trên dự án chưa được xây dựng.

du an hoang phu 8

Một số ngôi nhà đã xây lại dưới chân dự án Hoàng Phú bị sạt lở cách đây gần 1 năm khiến 9 ngôi nhà bị xóa sổ và 4 người chết. (Ảnh: Khải An)

"Do cần giữ nguyên hiện trường để điều tra nên chủ đầu tư chưa làm bờ kè, chúng tôi đã có kiến nghị làm bờ kè để đảm bảo an toàn cho những hộ dân bên dưới. Qua nhiều lần hợp với dân, người dân mong muốn được tái định cư tại chỗ hoặc được xây dựng lại trên nền cũ với điều kiện công ty Hoàng Phú phải làm bờ kè bên trên. Đặc biệt, người dân mong muốn công bố kết luận điều tra để được nhận bồi thường", ông Đông cho biết.

Ông Bùi Cao Pháp - Phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết qua thống kê khu dân cư tự phát ở xóm Núi, thôn Thành Phát có gần 350 hộ dân sinh sống sát triền núi ngay họng suối nhưng chưa có phương án di dời.

Hiện nay xã Phước Đồng đã cắm bảng cấm xây dựng, khai thác đất đá trái phép, cảnh báo người dân về nguy cơ sạt lở. Qua thống kê, trong số gần 350 hộ dân thì có 50 hộ từng được tái định cư nhưng bán phần đất của mình và lên đây sinh sống; số còn còn đa số là người dân biển các xã phường khác lên mua đất rừng giá rẻ tự xây dựng nhà cửa…

sat lo Nha Trang  14

Do chưa có phương án tái định cư nên người dân bất chấp nguy hiểm xây nhà tại vùng sạt lở. (Ảnh: Khải An)

Ngoài ra, ông Pháp cũng cho biết, TP Nha Trang đã cử nhiều đoàn khảo sát và đề xuất 2 phương án: một là di dời toàn bộ người dân đến khu tái định cư Phước Hạ theo hình thức xây chung cư nhà ở xã hội 5 tầng, phương án này nếu thực hiện sẽ triển khai ở cả khu vực xóm Mũi (xã Phước Đồng) và khu vực dọc núi Chụt, phường Vĩnh Trường với tổng số hộ khoảng 800 hộ.

Kinh phí xây dựng chung cư ước khoảng 400 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ cho các hộ này thuê lại. Phương án thứ 2 là kiện toàn lại khu vực cũ đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, cả 2 phương án đều chưa được UBND tỉnh thông qua.

"Năm nay, khu vực này con suối này chảy tràn ra không theo dòng nữa. Lãnh đạo TP đã chỉ đạo rà soát các hộ dọc dòng chảy này để di dời trước nhưng chắc chắn không kịp trong mùa mưa này. Do đó, trước mắt là phải theo dõi chặt, thấy mưa là yêu cầu dân di dời ngay để đảm bảo tính mạng", ông Pháp cho biết.

Tag:
chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.