Sương mù bao phủ Sài Gòn: Do cháy rừng từ Indonesia hay ô nhiễm không khí?

Hiện tượng TP HCM bị bao phủ bởi màn sương nhiều ngày qua khiến nhiều người dân lo ngại ảnh hưởng sức khỏe vì không biết đó là ô nhiễm môi trường hay khói từ cháy rừng ở Indonesia bay sang?. Các chuyên gia cũng có quan điểm khác nhau về tình trạng này.

Nhiều nơi ô nhiễm không khí đột biến

Những ngày qua, bầu trời TP HCM luôn trong tình trạng bị bao phủ bởi màn sương trắng đục, nhiều khu vực – đặc biệt là các tòa nhà cao tầng bị che khuất, tầm nhìn bị hạn chế. Một số người tham gia giao thông cho biết họ có cảm giác bị cay mắt khi chạy xe trên đường.

onhiem3

Trung tâm quận 1 đang có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất TP HCM. (Ảnh: Trường Nguyên).

Cũng thời gian này, chất lượng không khí ở TP đang được báo động là ô nhiễm, có thể gây hại đến sức khỏe người dân. Cụ thể, trang chỉ số không khí mà trang web Aqicn.org (của Mỹ) đo được trên đường Lê Duẩn (quận 1) vào ngày 21/9 ở mức 160 - mức có thể ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và người già, hạn chế ra ngoài. Chỉ số đo vào chiều 23/9 đã giảm xuống còn 102 – mức không tốt cho sức khỏe, cần hạn chế thời gian ở ngoài.

Còn trên số liệu trên AirVisual (ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí, được cung cấp số liệu bởi Aqicn.org) đo vào chiều 23/9 ở TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ thể hiện mức độ ảnh hưởng sức khỏe tuy đã có giảm nhưng vẫn ở trong mức độ gây hại, cao nhất là ở TP Long Xuyên – mức 135. TP HCM có 2 khu vực có chỉ số chất lượng không khí đang ở mức kém là khu vực Đại học Bách khoa TP HCM (108) và Quận 1 (102).

Đáng chú ý, cũng trong thời điểm này, hàng trăm địa điểm tại Indonesia – nước xảy ra cháy rừng vào ngày 18/9 có chỉ số ảnh hưởng sức khỏe rất cao, từ 180 – gần 300, cá biệt khu vực TP Pekanbaru (thủ phủ tỉnh Riau nằm trên hòn đảo Sumatra) có chỉ số lên đến 453.

Screenshot_2019-09-23-17-30-14-94_7db526209a7dc3d03bfb36494e588d16

Nhiều tỉnh thành của Indonesia có chỉ số ô nhiễm không khí rất cao. (Ảnh: AirVisual)

Một số khu vực thuộc các nước quanh khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore cũng đang có chất lượng không khí kém như TP HCM. Do vậy, nhiều người cho rằng tình trạng cháy rừng ở Indonesia là nguyên nhân khiến không khí tại các nước lân cận, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng.

Do cháy rừng hay ô nhiễm đô thị?

Theo tiến sĩ Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu - Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM, hiện trạng ô nhiễm không khí ở TP HCM và nhiều tỉnh thành miền Nam chính là do vụ cháy rừng ở Indonesia góp phần gây ra.

Trung tâm đã chạy mô hình truy tìm nguồn gốc nguyên nhân ô nhiễm. Ngày 18/9, tại Indonesia xảy ra cháy rừng trên diện rộng gây khói nghiêm trọng. Theo dõi theo hướng gió – vận tốc gió thì khói ô nhiễm mất khoảng 2-3 ngày để tới TP HCM và nhiều nơi khác.

Ngày 18/9, vụ cháy rừng xảy ra tại Kalimantan (thuộc đảo Borneo), đến nay đã lan ra với diện tích hơn 3.300 km2. Chính phủ Indonesia đã huy động gần 30.000 nhân sự và 50 trực thăng tham gia chữa cháy.

Nhiều tỉnh thành của Indonesia bị màn khói cháy rừng bao phủ và ảnh hưởng sức khỏe người dân. Theo Trung tâm Ứng phó Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế nước này, đến nay gần 900.000 trường hợp người dân gặp vấn đề sức khỏe vì cháy rừng.

Do vậy, vụ cháy xảy ra ngày 18/9, đến ngày 20 - 22/9 thì tình trạng ô nhiễm không khí ở TP HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ bất ngờ tăng đột biến, chỉ số phần lớn đều trên 150, đặc biệt nơi không khí ô nhiễm nhất là Côn Đảo với chỉ số 177. Đến ngày 23/9, chỉ số ở tất cả các khu vực đều đã giảm rõ rệt, chỉ còn một vài nơi trên mức 100.

Cũng theo ông Bằng, thời điểm từ 20-22/9 rơi vào các ngày cuối tuần, lượng phương tiện giao thông cũng như nhà máy, xí nghiệp hoạt động ít nên dù độ ẩm cao, sương mù thì cũng khó khiến tình trạng ô nhiễm không khí đột biến như vậy.

Đồng tình với Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, ông Hồ Long Phi – (nguyên Giám đốc Trung tâm Quản Nước và Biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP HCM) cũng cho rằng ô nhiễm không khí hiện nay bị ảnh hưởng bởi cháy rừng là có cơ sở khoa học.

onhiem4

Tòa nhà cao nhất Việt Nam - Landmark 81 chìm khuất trong màn sương mù. (Ảnh: Trường Nguyên).

Theo ông, Trung tâm nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu đã cho chạy mô hình mô phỏng kĩ càng mới thấy được tác động của nó như thế nào.

Và cho dù hiện tượng sương mù do ảnh hưởng cháy rừng hay vì ô nhiễm không khí thì đợt sương mù này có khả năng gây hại sức khỏe, người dân nếu không có việc cần thiết thì tránh ra ngoài hoặc mang khẩu trang và mắt kính để bảo vệ sức khỏe của mình khi tham gia giao thông.

Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, nguyên nhân hiện tượng sương mù như vừa qua là ô nhiễm từ các nguồn phát thải của hoạt động giao thông, nhà máy – xí nghiệp kết hợp với độ ẩm cao trong không khí vì TP HCM có mưa liên tục.

onhiem10

Người dân TP HCM cần hạn chế ra đường trong thời gian này. Nên trang bị khẩu trang và mắt kính nếu phải tham gia giao thông. 9Ảnh: Trường Nguyên).

Bà cũng đánh giá tình trạng cháy rừng ở Indonesia khó ảnh hưởng đến chất lượng không khí của TP HCM và các tỉnh thành khác vì thời điểm cháy rừng (18/9) có gió Tây Nam đưa khói vào khu vực này thì ngày 21/9 có gió Đông Bắc thổi ngược ngược khói ra biển nên khó là nguyên nhân.

Vị chuyên gia cũng cảnh báo, màn sương ở TP HCM mang nhiều khói bụi độc hại, bụi mịn… nên gây ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt nhóm đối tượng nhạy cảm là người già và trẻ em cần hạn chế ra đường.

Ông Trần Đình Quyết Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, những ngày qua TP HCM có mưa nhiều, độ ẩm không khí cao kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào gây nên hiện tượng sương mù. Hiện tượng này khác với hiện tượng được gọi là mù khô (từng xảy ra ở TP HCM do cháy rừng ở Indonesia vào năm 2015).

Theo ông Quyết, nếu bị ảnh hưởng vì cháy rừng thì sẽ xảy ra hiện tượng mù khô, tuy nhiên những ngày qua các trạm quan trắc ở Côn Đảo, Phú Quốc… chưa ghi nhận được hiện tượng này.

Còn việc ô nhiễm không khí hay không thì cần phải có thêm các chỉ số từ trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường TP để khẳng định.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.