Đêm ngày 3, sáng 4/11, bão số 12 (tên quốc tế là Damrey - Con voi) với sức gió cấp 12, giật cấp 15 đổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa khiến hàng chục người chết, nhà tốc mái, cây xanh gãy đổ khắp nơi.
10h ngày 4/11, tôi đi trên chiếc taxi từ phía Cam Ranh hướng về thành phố Nha Trang. Giữa đường một thanh niên chặn xe xin đi nhờ. "Tôi được tin nhà ở Đồng Muối bị tốc mái nên phải cấp tốc về ngay", anh nói.
Do đi làm xa, đêm trước anh chủ quan không nghĩ là bão lớn và ngủ lại công trường. Trên đường, thanh niên này liên tục phải nhảy xuống kéo cành cây gọn lại để taxi lưu thông. Dọc đường từ Bãi Dài tới thành phố Nha Trang ngập cây đổ.
Xe vượt qua cầu Bình Tân để vào trung tâm, cảnh tượng thành phố ngổn ngang sớm hiện lên. Các loại cây xanh nằm la liệt trên vỉa hè, chắn ngang đường. Hàng loạt mái tôn bị bẽ gãy, cột điện đổ gục, biển quảng cáo cỡ lớn bung ra đổ xuống khắp nơi. Riêng trên đường Lê Hồng Phong, ít nhất hai trạm thu phát sóng viễn thông bị đổ sập vào mái nhà dân. Càng tiến sâu vào trong trung tâm, cảnh tượng này càng nhiều
"37 năm ở thành phố này, chưa bao giờ bão lớn như thế ập tới", anh Việt, chủ một khách sạn trên đường Biệt Thự. "Nó mạnh quá sức tưởng tượng. Trước đây Nha Trang chỉ bị ngập sâu vì mưa lớn và lũ. Cảnh cây xanh đổ gục hàng loạt, mái tôn bay tứ tung như thế này tôi chưa từng thấy bao giờ", người đàn ông từ Bắc vào lập nghiệp nói.
Không chỉ Việt, nhiều người Nha Trang cũng cho rằng họ tưởng rằng bão không lớn và không cần phải đề phòng nhiều. Nhiều cư dân ở các vùng ven biển không chịu di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Thời điểm gần trưa 4/11 khi bão vừa đi qua, nhiều người dân vội vã ra đường. Các loại cây đổ gục ra đường.
Nhiều tuyến đường không thể lưu thông từ sáng 4/11 đến chiều khi công nhân chưa kịp tới dọn dẹp.
Người thanh niên đi nhờ chiếc taxi từ Bãi Dài về thành phố Nha Trang liên tục xuống kéo cành cây gọn vào để xe lưu thông.
Hai chiếc taxi đỗ qua đêm trước cổng trường Tiểu học Phước Thịnh bị tường đổ, bê tông rơi đè bẹp.
Nhà của ông Nguyễn Sĩ Quế và các ông Trương Diên, Đậu Xuân Thành đều ở đường Trần Khát Chân, thuộc Tổ 13, Đường Đệ cùng lúc bị gió hất văng mái tôn đi cách xa hàng chục mét vào thời điểm 7h ngày 4/11. "Gió rít ghê lắm, mái nhà cứ phập phồng rồi lật tung cuốn đi. Tôi và vợ chỉ kịp chạy vào trong nhà tắm. Trước khi bão tới, tôi không nghĩ nhà sẽ bị tốc mái bởi khi xây dựng bắt ốc vít chắc chắn".
Trên đường Trần Khát Chân, phường Vĩnh Hòa, hàng chục ngôi nhà bị tốc mái. Nặng nhất trong đó là gia đình anh Nguyễn Cường, chị Hồ Thị Nhung, bị một cây xoài cổ thụ thân có đường kính hơn 50 cm đổ ập gây sập nhà. Rất may cây đổ ngang gian nhà trước là nơi để vật liệu xây dựng. Lúc này hai vợ chồng anh đang ở gian nhà sau.
Mái nhà bị cuốn, trẻ em tạm trú trong xe tải cho khỏi ướt.
Nhà của anh Trương Diên ở đường Trần Khát Chân. Anh kể cả ba ngôi nhà bị tốc mái và sập cùng thời điểm 7h ngày 4/11. "Đó là lúc gió mạnh nhất. Cả gia đình đang ở trong nhà, tôi nghe tiếng rầm rầm, gió rít rất kinh khủng rồi ào một cái mái nhà bay đi. Mọi người vội vã kéo nhau lên ngọn đồi cao gần đó", anh Diên nói.
Rất nhiều trường học tả tơi trong đó có Đại học Khánh Hòa và Tiểu học Phước Thịnh.
Cột thu phát sóng viễn thông đổ sập. Nhà bà Lê Thị Hồng ở số 784 Lê Hồng Phong bị tốc mái lợp, dù căn nhà nằm ngay trung tâm thành phố, cách xa biển vài km.
Tàu bị lật nghiêng, đắm một nửa trên sông Hà Ra, phía bắc trung tâm thành phố Nha Trang.
"Chiến lợi phẩm" của một số thanh niên thu lượm được.
Anh Huỳnh Văn Nam kể nhà có hai vợ chồng, cô con gái duy nhất đi làm ở TP.HCM. Hai ngày vợ chồng anh không biết ăn gì đành bóc túi mì tôm ăn sống. Khu vực nhà anh không có hàng quán nào mở phục vụ. Khu phố Tây nhiều quán ăn nhưng chỉ lác đác vài hàng kinh doanh tối 4/11.
"Nhà thắp nến, tôi thui. Tắm không được tắm, ăn không được ăn, không làm được việc gì hết, chỉ có ngồi nhìn nhau mà bụng đói meo", anh Nam nói.
Tương tự như gia đình anh Nam, nhiều hộ khác cũng chung cảnh khổ sở, chưa kể nhà bị tốc mái, hết mưa đến nắng dội vào, xung quanh cây cối đổ ngổn ngang, sàn nhà nhe nhép bẩn, muốn đi cũng không có chỗ mà đi.
Toàn thành phố bị mất điện ít nhất hai ngày một đêm. Cuộc sống đảo lộn ngay từ khi bão số 12 - Damrey ập tới.
Anh Việt (áo xanh), chủ khách sạn trên đường Biệt Thự kéo dây điện giúp ôtô đi qua trong đêm tối.
Anh Đức ở đường Biệt Thự pha trà ngồi bán hàng. Anh cho biết ngày hôm nay bán mì tôm và đồ ăn nhẹ rất đắt hàng do khách du lịch khó khăn tìm quán ăn.
Ngoài ra người dân quanh vùng cũng phải tới siêu thị mua đồ ăn sẵn về dùng vì không có điện nấu cơm.
Ít cửa hàng hoạt động, taxi cũng nghỉ không phục vụ khách vì lưu thông khó khăn.
"Ngày thường giếng có người dùng nhưng rất vắng vẻ", chị Lê Thị Tuyết nói.
Sáng 5/11, một ngày sau trận bão lịch sử của thành phố biển, nhiều du khách vội vã ra biển tắm. Trên các tuyến đường ngổn ngang cây đổ, một số bạn trẻ tỏ ra thích thú cầm điện thoại quay phim chụp ảnh. Có du khách Việt còn gọi điện thấy hình để khoe với bạn bè mình đang ở Nha Trang và đi du lịch đúng lúc bão.
Xung quanh, nhiều người dân chỉ biết ngồi trước cửa ngóng mà không biết mình đợi ai. Họ mong sao thành phố sớm trở lại với đời thường trong khung cảnh yên bình.
Nhiều người lại tỏ ra thích thú chụp ảnh, quay video những đống đổ nát trên đường phố. Cũng có nhiều bạn trẻ lên cầu Trần Phú ngắm khung cảnh tan hoang này.
Dân tranh thủ hái quả me ở cây bị đổ. Họ còn dùng xe tải để trèo lên bứt.
Du khách nước ngoài có một chuyến du lịch đặc biệt sáng 4 và 5/11. Một chiếc nhà bè bị bão đẩy về bờ biển, nước ngập lênh láng ở đường Trần Phú.
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, bão số 12 - Damrey đã cướp đi sinh mạng của 44 người chết. Trong đó, Khánh Hòa hứng chịu nặng nề nhất với 27 người chết; hàng chục nghìn nhà bị sập đổ, tốc mái.
Hai ngày sau bão, điện lưới tại địa phương này vẫn chưa được khôi phục, hàng trăm nghìn học sinh nghỉ học, mọi sinh hoạt của người dân đảo lộn.
UBND tỉnh Khánh Hòa thống kê thiệt hại do cơn bão gây ra là 7.000 tỷ đồng và đề nghị Chính phủ hỗ trợ 2.855 tỷ đồng, 25.000 tấn gạo cùng nhiều thuốc men để khắc phục hậu quả.