Ngày 18/5, tỉnh Shizuoka, địa phương được giao quản lí 3/4 tuyến đường chính lên đỉnh cao nhất của núi Phú Sĩ, đã thông báo sẽ không mở bất kì con đường nào cho mùa leo núi chính thức trong năm nay, cụ thể là từ ngày 10/7 đến 10/9/2020. Tuyên bố này như một biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, tỉnh Yamanashi, địa phương quản lí đường mòn Yoshida, tuyến đường thứ 4 lên đỉnh núi Phú Sĩ, cũng đưa ra thông báo tương tự. Đường mòn Yoshida là đường lên đỉnh núi phổ biến nhất, được 60% số người leo núi lựa chọn.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1960, cả 4 tuyến đường chính dẫn lên đỉnh núi Phú Sĩ bị đóng cửa trong mùa leo núi thường niên. Các điểm dừng chân dọc theo tuyến đường để phục vụ các nhà leo núi nghỉ ngơi cũng vẫn đóng cửa.
Núi Phú Sĩ là một di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, địa điểm này đã thu hút 236.000 lượt người tìm đến trong mùa leo núi năm 2019.
Núi Phú Sĩ được biết đến là đỉnh núi cao nhất ở Nhật Bản, nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 80 km về phía tây nam. Trong văn hóa của người Nhật Bản, núi Phú Sĩ được coi là “ngọn núi thiêng” và trở thành một trong những biểu tượng quốc gia của Nhật Bản.
Đặc biệt, núi Phú Sĩ còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 6/2013. Nơi đây là điểm đến yêu thích, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, địa điểm này đã thu hút 236.000 du khách trong mùa leo núi năm 2019.
Tính đến sáng 18/5, Nhật Bản đã ghi nhận 17.049 ca mắc Covid-19, gồm 712 ca trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ở cảng Yokohama, giáp thủ đô Tokyo. Trong số các ca mắc Covid-19, có 769 ca tử vong.
Trước đó, chiều 14/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định bãi bỏ tình trạng khẩn cấp tại 39/47 tỉnh thành. Thủ đô Tokyo vẫn nằm trong khu vực cần phải tiếp tục áp dụng tình trạng khẩn cấp.