Vây bắt thành công
Trực tiếp có mặt tại TP.HCM để chỉ đạo công tác theo dõi, tổ chức lực lượng vây bắt các đối tượng tình nghi, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cùng ban chuyên án xác định, nếu không có những phản ứng kịp thời rất có thể nhóm của Lê Anh Kiệt sẽ tiếp tục gây án và chúng sẽ ra tay ngay trong ngày 8/10/2011.
Bám theo Kiệt, các trinh sát đi đến quán café có tên Thu Hồng nằm trên đường Lê Văn Lương. Khi đến Kiệt chỉ có một mình, không có bạn. Lúc này, lãnh đạo ban chuyên án nhận định, rất có thể Kiệt đến trước, chờ đến khi hai đối tượng kia đến rồi sẽ cùng đi gây án.
Buổi chiều ngày 8/10/2011, TP HCM mưa rất to, nghiên cứu lại toàn bộ diễn biến các vụ cướp đã xảy ra, lãnh đạo Ban chuyên án nhận định, với thời tiết như thế này càng có cơ sở nhận định nhóm cướp sẽ ra tay trong ngày hôm nay.
Theo phán đoán nghiệp vụ thì rất có thể chúng chọn thời điểm mưa to, gió lớn, người dân ít ra đường để tiện đường gây án cũng như tẩu thoát… Từ những cơ sở trên, Ban chuyên án đã quyết định nếu có cơ hội sẽ tiến hành bắt giữ các đối tượng nghi vấn.
Băng cướp do Lê Anh Kiệt cầm đầu đã bị bắt ngay khi sắp gây án. |
Ban chuyên án chỉ đạo, các mũi trinh sát bám theo từng đối tượng phải đảm bảo cự ly an toàn, tuyệt đối không được để mất dấu đối tượng, khi có thời cơ thuận lợi sẽ áp sát khống chế bắt giữ.
Tổ trinh sát nhận thấy sau khi Tiếm cùng với Nhãn đã chuẩn bị súng ống và đi xe máy rất nhanh hướng về khu vực đường Lê Văn Lương, nhận định lúc này chúng sẽ gặp nhau rồi đi gây án.
Lúc này, toàn bộ liên lạc giữa lãnh đạo ban chuyên án cùng các trinh sát đều thông suốt từng giây. Sau khi các lãnh đạo cấp cao nghiên cứu kỹ lưỡng đã đưa ra quyết định sẽ tiến hành bắt giữ cả ba đối tượng Kiệt, Tiếm, Nhãn ngay tại quán café Thu Hồng…
Yêu cầu đặt ra là công tác bắt giữ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người xung quanh, tuyệt đối không để có điều gì bất trắc cho các cán bộ chiến sĩ. 8 trinh sát dày dặn kinh nghiệm, nghiệp vụ cao đã được điền tên vào những người sẽ trực tiếp bắt giữ ba đối tượng kia…
Lúc này, những trinh sát giả trang ngồi phục kích trong quán café Thu Hồng đã sẵn sàng tư thế chiến đấu. Một nhóm tiếp theo đi vào. Cả 8 trinh sát tạo thế vòng vây khép kín không còn một lối thoát cho 3 kẻ nghi vấn. Chỉ trong tích tắc chớp nhoáng Kiệt, Tiếm, Nhãn đã bị khống chế dù chúng phản kháng rất quyết liệt. Công việc bắt giữ chỉ diễn ra trong vài phút đồng hồ và toàn bộ 3 tên cướp đều được áp giải lên xe để đưa về cơ quan điều tra.
Huỳnh Văn Tiếm lúc bị bắt giữ |
Kết quả bắt giữ 3 tên cướp nhanh chóng được báo cáo về lãnh đạo ban chuyên án. Lúc này, Ban chuyên án 108C quyết định ra lệnh bắt giữ Tưởng đang ở Tây Ninh. Một mũi trinh sát cầm theo lệnh bắt giữ của Cơ quan điều tra đã tìm lên huyện Châu Thành (Tây Ninh) ngay trong đêm để thực hiện nhiệm vụ.
Không một sai sót, Tưởng bị bắt giữ một cách bất ngờ nên gã không kịp chống đối. Những người dân sống xung quanh nhà Tưởng lúc này mới bàng hoàng nhận ra bấy lâu này mình sống cạnh một đối tượng phạm tội nguy hiểm, một tên cướp máu lạnh.
Lời khai ban đầu
Không giống như Kiệt, Nhãn, Tiếm, ngay khi bị bắt Tưởng đã cúi đầu nhận tội. Tuy nhiên, dù các đối tượng có ra sức chối tội nhưng với những bằng chứng có trong tay, Ban chuyên án vẫn khiến chúng cúi đầu nhận tội.
Những trinh sát tham gia điều tra chuyên án này cho biết, sau khi bắt giữ, các đối tượng đều được nhanh chóng đưa về trại giam của Bộ để tiến hành chia tách không cho chúng có cơ hội thông cung với nhau. Những công tác nghiệp vụ như khám xét nơi ở, lấy chứng cứ từ nhân chứng cũng được triển khai một cách hết sức đồng bộ.
Phan Văn Tưởng sau khi bị bắt |
Sau này, khi đã thừa nhận việc đã gây ra hàng loạt các vụ cướp, Kiệt cho biết về nguyên nhân Tưởng không có mặt ở quán café Thu Hồng là vì không được tham gia vào kế hoạch đi cướp. Thực tế thì, trước đó, Kiệt đã đưa cho Tưởng 50 triệu để đi mua súng về gây ra. Tuy nhiên, khi sang đất Camphuchia, Tưởng mải chơi cờ bạc ở casino nên đã tiêu hết tiền của mình và cả tiền của nhóm nên không mua được súng theo đúng hẹn.
Hơn nữa, trước khi rủ nhau đi cướp vào tháng 8/2011, Tưởng đã một vài lần nói về việc sẽ “rửa tay gác kiếm”, không đi cướp nữa. Có thể là xuất phát từ việc cuộc sống hiện tại của Tưởng đã khá sung túc nên gã không phải đi cướp để kiếm tiền tiêu nữa hoặc cũng có thể sợ đến thời khắc phải đến tội.
Về phần Kiệt, sau khi Tưởng không làm tròn nhiệm vụ, gã tiếp tục đưa tiền cho Tiếm và Nhãn để chuẩn bị “hàng nóng”. Theo kế hoạch thì vụ cướp sẽ chỉ có 3 người tham gia. Phương thức thủ đoạn thì vẫn vậy, con mồi đã được xác định, chúng sẽ chọn vào thời điểm mà các chủ tiệm vàng di chuyển từ cửa hàng về nhà rồi sẽ ra tay.
Theo lời khai của Kiệt thì việc mang súng là để đề phòng trường hợp nạn nhân hoặc người dân xung quanh chống đối, chứ lúc đầu chúng sẽ dùng gậy sắt đánh nạn nhân cho bất tỉnh từ đó mới tiến hành cướp.
Sau khi cả bốn tên Kiệt, Tưởng, Tiếm, Nhãn đều bị bắt giữ chúng đã khai ra hàng loạt các vụ cướp ở nhiều nơi. Theo đó, từ năm 2001 đến năm 2011, chúng đã gây ra tổng cộng 8 vụ cướp, tổng số tài sản chúng lấy từ các nạn nhân lên tới gần 1.000 lượng vàng. Các vụ cướp này xảy ra ở bốn địa phương gồm: An Giang, Tây Ninh, Long An và thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo lời khai của các đối tượng thì mỗi năm chúng chỉ gây ra một vụ sau đó sẽ tản nhau đi mỗi người một nơi, khi nào hết tiền thì năm sau sẽ tập trung lại để gây án. Về tang vật sau khi cướp được, Tưởng và Tiếm dùng để làm ăn, Nhãn dùng để ăn chơi chích hút. Riêng Kiệt, dù là kẻ cầm đầu, luôn được phần hơn nhưng hắn lại không dùng tiền vào những việc cụ thể, cuộc sống của gia đình vẫn dựa vào quầy bán rau ngoài chợ.
Bài tới: Nghĩ mưu lập băng cướp trong nhà tù Tống Lê Chân