Ấn Độ đã chứng kiến một loạt các vụ đám đông “xử tử” người vô tội gây chấn động trong vài năm qua. Nhưng trong những tuần gần đây, tình hình này ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Kể từ tháng 5 đến nay, đã có ít nhất 20 người ở quốc gia này bị giết chết. Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân bất đắc dĩ khi bị đồn là những kẻ bắt cóc trẻ em.
Câu chuyện bắt đầu từ cách đây vài tháng trước, khi một tin đồn nổi lên nhanh chóng ở thành phố Bengaluru đã cảnh báo các bậc cha mẹ phải áp dụng các biện pháp an toàn dành cho trẻ em trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Theo đó, thông điệp lan truyền rộng rãi trên Whatsapp này cho biết, hiện có tới 500 kẻ bắt cóc để đánh cắp nội tạng trẻ em đã xuất hiện tại bang Karnataka và các thành phố Chennai, Hyderabad.
Ứng dụng có khá nhiều người dùng tại Ấn Độ. |
Ngay lập tức, thông tin không được kiểm chứng này lan truyền như một cơn sốt và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân Ấn Độ, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa.
Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối tháng 6 vừa qua, khi các trang mạng xã hội Ấn Độ bắt lan truyền đoạn phim về 2 người đàn ông bị đám đông đánh đập cho đến chết vì bị tưởng nhầm là những kẻ bắt cóc nói trên.
Hai nạn nhân được xác định danh tính là Nilotpal Das, nhạc sĩ 29 tuổi, và Abhijeet Nath, doanh nhân 30 tuổi, đến từ Guwahati, thủ phủ bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ.
Theo AFP, hai người này đang dừng xe nghỉ chân bên suối ở gần một ngôi làng thì bị dân làng chặn lại và hai bên đã xảy ra cãi vã.
Hai người vội vàng lên xe ôtô bỏ đi nhưng dân làng vẫn cương quyết giữ họ ở lại, đồng thời cảnh báo cho người dân làng lân cận về hai người đàn ông mà họ gọi là "những kẻ bắt cóc trẻ con”.
Cha mẹ của nhạc sĩ 29 tuổi Nilotpal Das - nạn nhân bị đánh đến chết vì tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. (Ảnh: AFP) |
Bất chấp việc cả hai cố gắng giải thích, đám đông vẫn vây quanh chiếc xe và bắt đầu cầm gậy, dao phay và đá tấn công tới tấp hai người đàn ông một cách dã man và sau đó đăng video về vụ việc lên mạng xã hội như một lời cảnh tỉnh.
Trên thực tế, cả hai nạn nhân đều không hề biết tin tức bịa đặt về những kẻ buôn bán trẻ em đang lan truyền trên mạng xã hội WhatsApp ở khu vực mình ghé qua.
Cũng trong hôm 15/7 vừa qua, cảnh sát Ấn Độ vừa bắt giữ 32 người liên quan đến hành vi “xử tử” một nhân viên của Google có tên là Mohammad Azam vì cáo buộc người này là kẻ bắt cóc trẻ em theo những tin đồn trên WhatsApp.
Cảnh sát cho biết, vụ việc xảy ra khi Azam và những người bạn của mình đang trên đường về nhà ở thành phố Hyderabad sau khi thăm một người bạn ở Bidar, thuộc bang Karnataka.
Trên đường về, họ dừng lại dọc đường để tặng sô cô la cho các em học sinh địa phương.
Tuy nhiên, một trong số những đứa trẻ bỗng nhiên bật khóc khiến người dân ở đó ngay lập cáo buộc những thanh niên tốt bụng này là là kẻ bắt cóc trẻ em giống tin đồn trên mạng xã hội.
Azam cùng hai người bạn đã cố gắng trốn thoát trước khi tình huống xấu xảy ra, nhưng họ bị một đám đông lên tới 2.000 người - nối đuôi nhau dài tới cả cây số - đuổi theo, trong đó có cả người từ các thôn làng lân cận cũng nhận được tin cảnh báo trên WhatsApp.
Xe của họ bị lật sau khi đâm phải một hàng rào chắn được dựng lên bởi đám đông giận dữ trước khi bị lôi ra khỏi xe và bị đánh đập liên tục bằng gậy, đá cho đến khi tử vong.
Theo thống kê, WhatsApp hiện là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Ấn Độ, với hơn 200 triệu người dùng, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp coi đây là công cụ chính trong giao tiếp công việc.
Hãng thông tấn Reuters nhận định, tin đồn trên WhatsApp về trộm cắp nội tạng hay bắt cóc trẻ em ở Ấn Độ chỉ là “đỉnh của tảng băng trôi”.
Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc quốc gia Nam Á này chưa thể làm tốt được công tác truyền thông về y tế đến người dân ở các vùng sâu vùng xa.
WhatsApp cũng đề nghị người dùng nên kiểm tra chéo thông tin đối với các nguồn tin tức tin cậy và không chia sẻ thông điệp đi xa hơn nếu họ nghi ngờ tính xác thực của nó.
Trong động thái mới nhất, hãng sẽ sớm ra mắt một tính năng mới trên nền tảng của mình ở Ấn Độ, trong đó cho phép người dùng xác định tin nhắn mà họ nhận được là thông điệp được chuyển tiếp hàng loạt hay được viết bởi người dùng.
Các quan chức Ấn Độ nhấn mạnh, công ty không thể "né tránh trách nhiệm” và cần có biện pháp cụ thể hơn trước khi các nhà chức trách đưa ra biện pháp hạn chế hoạt động của WhatsApp.
Đất nước đầu tiên cấm cửa Facebook vì tin tức giả mạo
Papua New Guinea trở thành đất nước đầu tiên chặn Facebook tới một tháng để điều tra vấn nạn tin giả và người dùng giả ... |
Facebook đặt niềm tin vào người dùng trong cuộc chiến chống nạn tin giả mạo
Facebook sẽ thực hiện một thay đổi đặc biệt chưa từng có, đó là dựa chính vào lượng người dùng thường xuyên lên tới 2 ... |