Ông Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, cựu tổng giám đốc SCB), bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 84 bị cáo bị TAND TP HCM xét xử về hàng loạt tội danh, ngày 5/3.
Trong các bị cáo có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, 5 bị cáo là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt.
Ông Văn bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Lan rút hàng trăm nghìn tỷ đồng trái luật khỏi SCB, bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Tham ô tài sản. Riêng hành vi trực tiếp mang 5,2 triệu USD đi hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục II - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) để "bịt sai phạm", bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo cáo trạng dài 160 trang được VKS công bố tại tòa, ông Văn được Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch HĐQT SCB, đang bỏ trốn) tuyển vào làm việc tại ngân hàng từ tháng 7/2013. Mỗi khi cần tiền, bà Trương Mỹ Lan gọi điện thoại trao đổi với Văn về việc rút từ SCB thông qua khoản vay đã có chủ trương trước đó, chỉ đạo giải ngân để bà này sử dụng.
Từ 2013 đến 2017, ông Văn đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 60.000 tỷ đồng. Từ 2018 đến 2020 (trước khi nghỉ việc), Văn đã ký hợp thức hóa hồ sơ cho 348 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 101.000 tỷ đồng lãi phát sinh.
Võ Tấn Hoàng Văn biết tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên những cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để trả nợ cũ tại SCB, trả khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, sử dụng vào các mục đích khác (việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn) nhưng vẫn ký duyệt cho vay.
Ngoài ra, để tránh sự kiểm tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Văn ký tờ trình đề xuất để Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB giai đoạn 2013-2020, đang bị truy nã) ký quyết định thành lập các đơn vị mới, chuyên thực hiện các hồ sơ vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Những cuộc gặp 'mở đường'
VKS xác định, tháng 7/2017, Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành biết bà Đỗ Thị Nhàn làm Trưởng đoàn sẽ thanh tra SCB nên báo cho bà Lan biết.
Quá trình thanh tra, Văn và Thành đã tìm cách kết nối với Cục trưởng Nhàn, thiết kế cuộc gặp cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước và lần hai tại khách sạn Daewoo, Hà Nội.
Tại các cuộc gặp, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nhờ bà Nhàn cố gắng sớm kết luận, "tìm cách làm mờ" sai phạm của SCB để ngân hàng hoạt động ổn định và các đối tác nước ngoài đầu tư vào (lúc này bà Lan được cho là đang thỏa thuận bán cổ phần SCB cho các nhà đầu tư Nhật, Singapore).
Theo lời khai của Văn, bà Nhàn đã trao đổi về các vi phạm trong hồ sơ cấp tín dụng cho các dự án tại SCB, phương án tái cơ cấu và cho vay nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Bà Nhàn nói "SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và muốn gặp bà Lan để yêu cầu làm rõ".
Văn đã báo cáo lại với bà Lan, sau đó sắp xếp để gặp Cục trưởng Nhàn tại tòa nhà Sherwood 127 Pasteur vào cuối tháng 10/2017. Bà Nhàn thông báo cho bà Lan về việc đoàn thanh tra phát hiện ra thực trạng tài chính của SCB, những sai phạm nghiêm trọng liên quan hồ sơ tín dụng.
Sau cuộc gặp, Văn nghe bà Lan nói lại "bà Nhàn yêu cầu phải bán bớt tài sản để trả nợ cho SCB tại các phương án, dự án tái cơ cấu có sai phạm và chủ động tất toán", "dọn sạch dư nợ nhóm 71 khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai" thì đoàn thanh tra sẽ không xem xét vi phạm các khoản vay, chỉ xử lý hành chính.
Bà Lan sau đó giao nhiệm vụ cho Văn dẫn đoàn SCB ra Hà Nội gặp bà Nhàn để giải trình và bàn cách tháo gỡ những vi phạm của SCB. Sau cuộc gặp gỡ, bà Nhàn báo lại với Văn về việc đồng ý giúp.
5 triệu USD hối lộ đựng trong 3 thùng xốp
Thực hiện theo chỉ đạo của bà Lan, Văn cùng lái xe riêng của mình nhiều lần dùng ôtô chở tiền đến hối lộ bà Nhàn, tổng cộng 5,2 triệu USD, tại phòng làm việc trong trụ sở Ngân hàng Nhà nước và nhà riêng. Trong đó có ba lần đưa 5 triệu USD được chất đầy 3 thùng xốp đựng hoa quả do Văn chở đến. Sau mỗi lần đưa tiền cho Nhàn, Văn đều thông báo cho bà Lan biết.
Cụ thể, ngày 22/3/2018, Văn đưa cho bà Nhàn 200.000 USD tại phòng làm việc. Đầu tháng 10/2018, Văn cùng Nguyễn Năm Tuấn lái xe đến nhà riêng của Nhàn tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, đưa 2 triệu USD. Mấy ngày sau, Văn tiếp tục đến nhà bà Nhàn đưa 2 triệu USD. Cuối năm 2018, Văn cùng Tuấn tiếp tục đến nhà Nhàn đưa thêm một triệu USD.
Về nguồn tiền đưa hối lộ, cựu tổng giám đốc SCB khai do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng lấy nguồn riêng, được chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy để rút ra, đổi thành USD và đưa cho Văn và tài xế.
Ngoài việc đưa tiền hối lộ cho bà Nhàn, Võ Tấn Hoàng Văn còn khai nhận là người trực tiếp đưa tổng cộng 390.000 USD cho Nguyễn Văn Hưng (khi đó là Phó chánh thanh tra Cơ quan TTGSNH) vào các dịp lễ Tết và các lần ra Hà Nội công tác năm 2018. Văn còn trực tiếp và chỉ đạo nhân viên dưới quyền tại SCB đưa tiền, quà bồi dưỡng cho thành viên đoàn thanh tra từ vài chục triệu đến vài nghìn USD.
Vì sao CEO SCB thoát tội Đưa hối lộ?
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Văn đã có đơn tố giác tội phạm về hành vi nhận tiền của bà Đỗ Thị Nhàn trước khi vụ án được khởi tố. Cơ quan điều tra xác định Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho bà Nhàn và các cá nhân khác, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Văn.
Còn Nguyễn Nam Tuấn được xác định không biết các thùng xốp đựng tiền và không biết nội dung thỏa thuận, làm việc giữa Văn và Nhàn, nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Đối với bà Nhàn, cơ quan điều tra xác định, sau khi nhận 5,2 triệu USD để "bao che, bưng bít sai phạm" của SCB, bà này đã gửi các báo cáo với nội dung "không trung thực, sai lệch kết quả thanh tra" theo hướng giảm nhẹ sai phạm để tạo điều kiện giúp cho SCB tiếp tục được tái cơ cấu. Việc làm của bà Nhàn bị cho là khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Lan và đồng phạm.
Quá trình điều tra, bà Nhàn được ghi nhận thành khẩn khai báo, đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ và phối hợp cùng cảnh sát làm rõ vụ án.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng. Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Bà Lan bị xác định là người chủ mưu cầm đầu trong vụ án, bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Dự kiến đến trưa 6/3 VKS hoàn thành công bố cáo trạng. Phiên tòa sẽ kéo dài đến cuối tháng 4.