Những gì Vũ Hán đang trải qua khi thành phố đã được dỡ lệnh phong tỏa?

Chỉ ba tháng trước, ông Wang vừa mới trả lương, tiền thưởng Tết Nguyên đán cho nhân viên và kỉ niệm năm thứ ba hoạt động của nhà hàng của ông ở Vũ Hán.

Đến nay, sau hơn 2 tháng Vũ Hán bị phong tỏa do dịch virus corona bùng phát, ông Wang đã bị kiệt quệ cả về tinh thần và tài chính. Cửa hàng của ông gần như đối mặt với tình trạng phá sản.

Ngày 8/4, Vũ Hán được dỡ bỏ phong tỏa nhưng 2 tuần sau đó nhà hàng của ông Wang vẫn chưa được phép mở cửa trở lại do những biện pháp hạn chế trong lĩnh vực ẩm thực nhà hàng.

Mặc dù không có hoạt động kinh doanh, ông Wang vẫn phải trả tiền thuê nhà trong 3 tháng qua với số tiền gần 8,500 USD (khoảng 60.000 NDT). Khi những lo ngại về khả năng bùng phát đợt dịch bệnh lần thứ 2 đang gia tăng ở Trung Quốc, ông Wang cho biết, ông không còn con đường lựa chọn nào khác ngoài việc phải đóng cửa hàng.

"Ở Vũ Hán, có nhiều người như chúng tôi, đã không còn có thể quay lại cuộc sống bình thường giống như trước khi dịch bệnh bùng phát", ông nói.

Ông Wang chỉ là một trong số nhiều chủ doanh nghiệp ở Vũ Hán đang phải vật lộn để hồi phục các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế chung rất khó khăn. Trong quí I năm 2020, GDP của tỉnh Hồ Bắc trong đó Vũ Hán là thủ phủ đã giảm 40%, theo Tân Hoa Xã.

Đó là chưa kể những tổn thất về tinh thần do việc phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài cùng với nỗi sợ hãi về sự bùng phát của dịch bệnh và đau buồn trước sự ra đi của những người thân yêu và bạn bè.

Ông Wang cho biết, ba người thân của ông đã bị nhiễm virus corona trong đợt dịch Covid-19, một trong số họ đã qua đời vì căn bệnh này. Gia đình ông thậm chí không thể tổ chức đám tang theo truyền thống.

"Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi thực sự rất kinh hoàng, thực sự kinh hoàng", ông nói.

Những gì Vũ Hán đang trải qua kể cả khi thành phố đã được dỡ lệnh phong tỏa? - Ảnh 1.

Người dân vẫn tiếp tục đeo khẩu trang sau khi thành phố được dỡ phong tỏa (Ảnh: CNN).

Một thành phố bị bỏ lại bên rìa?

Thành phố rộng lớn với 11 triệu dân, Vũ Hán là một trong những trung tâm công nghiệp và giao thông lớn nhất của Trung Quốc nằm bên bờ sông Dương Tử, từ lâu được coi là trung tâm kinh tế của đất nước.

Đây là thành phố đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus, bắt đầu nghiêm cấm các phương tiện giao thông công cộng ra khỏi thành phố từ ngày 23/1.

Nhưng những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh đã thất bại. Dịch Covid-19 đã lan rộng trên toàn thế giới khiến 2,7 triệu người nhiễm virus. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Vũ Hán như cách li tại nhà và đóng cửa các hoạt động kinh doanh công cộng, hiện là điều bình thường đối với hàng triệu người trên toàn thế giới.

Tỉnh Hồ Bắc đã ghi nhận tổng cộng 68,128 trường hợp nhiễm Covid-19 trong đó có 4,512 người thiệt mạng. Lệnh phong tỏa Vũ Hán chính thức kết thúc vào ngày 8/4. Mọi người dân được phép ra khỏi nhà. Một số cửa hàng mở cửa trở lại. Các không gian công cộng như công viên, sở thú cũng bắt đầu đón du khách thăm quan.

Nhưng những gì mà Vũ Hán đang trải qua cho thấy, việc phong tỏa kéo dài đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân và con đường trở lại bình thường còn rất nhiều khó khăn.

Những gì Vũ Hán đang trải qua kể cả khi thành phố đã được dỡ lệnh phong tỏa? - Ảnh 2.

Công nhân xây dựng đeo khẩu trang trên công trình. (Ảnh: CNN).

Ông He là chủ sở hữu một doanh nghiệp cung cấp các thiết bị điện tử và cơ khí cho các công trường xây dựng trên khắp Vũ Hán.

Công việc kinh doanh của ông đã bị tạm ngừng ngay cả khi Vũ Hán đã "mở cửa" trở lại được 2 tuần. Các phương tiện giao thông như ô tô vẫn bị cấm di chuyển vào nơi đặt kho của ông. Và như vậy ông sẽ không có khách hàng vì họ không thể đến lấy hàng hóa.

"Ngay cả khi chúng tôi có khách hàng, họ vẫn bị chặn bên ngoài cổng vì ô tô không được phép vào bên trong. Vì vậy, một số khách hàng đã bỏ đi", ông nói.

Đồng thời, ông vẫn trả tiền thuê kho bãi hàng năm 170.000 nhân dân tệ (khoảng 24.000 USD). Những người khác làm việc với ông rất sợ hãi và tức giận, nhưng họ không có cách nào để nói lên sự bất bình của mình.

"Tôi vẫn còn các khoản vay ngân hàng phải trả. Tôi có vợ và một đứa con 14 tuổi dựa vào tôi. Áp lực để sống sót được ở Vũ Hán thực sự rất nặng nề", ông nói.

"Không có lựa chọn nào khác"

Mặc dù thành phố đã chính thức mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa và hầu hết mọi người đi bộ trên đường đều mặc một số loại đồ bảo hộ, từ khẩu trang cho quần áo bảo vệ.

Một số người nghĩ rằng một đợt dịch bệnh thứ hai là điều không thể tránh khỏi. Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để ngăn chặn các ca nhiễm mới từ nước ngoài với sự gia tăng các trường hợp nhập khẩu - đặc biệt là từ Nga - dẫn đến số ca nhiễm mới cao nhất nước này trong nhiều tuần.

Theo chủ nhà hàng Wang, chưa có đủ hỗ trợ từ chính phủ để giúp ông trả tiền thuê nhà hoặc duy trì hoạt động kinh doanh. Và mặc dù ông tin tiền trợ cấp cuối cùng sẽ đến nhưng không thể đủ và nhanh được. Ngay cả khi nhà hàng ông được phép nhận khách hàng, ông cũng sẽ buộc phải đóng cửa nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Trong khi tìm kiếm công việc mới cho bản thân và vợ, Wang thỉnh thoảng đến thăm mộ của người thân đã chết trong đại dịch.

Khi một người thân sắp ra đi, ông cũng không thể gặp họ lần cuối - hoặc tổ chức một buổi lễ sau khi người thân qua đời. "Đó là một sự hối tiếc lớn trong lòng chúng tôi", ông nói.

Wang cho biết, thành phố gần như không có việc làm khi nền kinh tế mới đang bắt đầu phục hồi. Nhưng ông biết mình không có quyền lựa chọn. Gia đình ông sẽ buộc phải làm bất kì việc gì để có thể thanh toán được những hóa đơn.

"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Miễn là có được một công việc có thể giúp được cho gia đình. Chúng tôi sẽ cảm thấy dễ thở hơn. Và miễn là chúng tôi có khả năng làm được công việc đó, chúng tôi sẽ làm", ông nói.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.