Giai đoạn 2008 - 2009, dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) được triển khai xây dựng.
Sự ra đời của đường Tố Hữu đã hình thành nên trục phát triển kết nối phía bắc Hà Đông với đường Khuất Duy Tiến, kết nối với vành đai 2 thông qua đường Lê Văn Lương; góp phần giảm tải giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung (quận Hà Đông).
Năm 2011, Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung với định hướng mở rộng phát triển về phía tây, đường Tố Hữu từ đó đã phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều cao ốc, khu đô thị.
Hiện nay, trên đường Tố Hữu còn một số khu đất có thể xây công trình cao tầng, trong đó có khu vực giao với đường Khuất Duy Tiến. Trong bản đồ quy hoạch phân khu H2-2 của TP Hà Nội, nằm tại khu vực này có hai khu đất được quy hoạch là đất hỗn hợp. Hai khu đất nằm đối diện nhau và có một phần diện tích tiếp giáp đường Tố Hữu, thuộc địa phận phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
Khu đất đầu tiên ở phía tây bắc đường Tố Hữu, có diện tích khoảng 1,3 ha, thuộc Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy. Phía đông bắc tiếp giáp phố Vũ Hữu; phía tây nam giáp ngõ 6 Vũ Hữu; một đoạn mặt tiền khoảng 6 m phía đông nam giáp đường Tố Hữu. Theo ghi nhận, hiện trạng khu đất này là các công trình thuộc Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy, cụ thể là ký túc xá của trường.
Khu đất thứ hai ở phía đông nam đường Tố Hữu. Khu đất này có diện tích hơn 1,5 ha, mặt tiền phía tây bắc kéo dài khoảng 80 m trên đường Tố Hữu; phía tây nam giáp phố Vũ Hữu. Về hiện trạng, một phần phía bắc khu đất đoạn giáp Tố Hữu đang là bãi giữ xe, đoạn tiếp giáp phố Vũ Hữu có nhiều nhà dân đang sinh sống, diện tích còn lại chủ yếu là cây xanh và đất trống.
Theo hồ sơ quy hoạch quận Thanh Xuân 2021 - 2030 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở TN&MT Hà Nội, khu đất hơn 1,5 ha này được bố trí cho Xí nghiệp Cơ khí Điện tử - Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện trạng đây đang là đất sản xuất kinh doanh, dự kiến được chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ.
Theo qui hoạch phân khu H2-2, đất hỗn hợp trong phân khu này được phép bố trí nhà ở với yêu cầu đảm bảo các điều kiện tốt nhất về môi trường sống cho người dân. Các công trình hỗn hợp nằm trên trục đường lớn, giao các trục giao thông chính đô thị trong phân khu, được định hướng xây dựng hiện đại, mật độ cao, cao tầng...
Như vậy, hai khu đất nêu trên thuộc nhóm có thể được xây công trình cao tầng.
Đặc biệt, theo quy hoạch phân khu H2-2, toàn bộ diện tích của Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy hiện nay (trong đó khu đất khoảng 1,3 ha đang là ký túc xá của trường), nằm trong khu trung tâm của phân khu (dọc hai bên Vành đai 3, đoạn từ đường Dương Đình Nghệ đến Lê Văn Lương) - trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại. Khu trung tâm này có thể được xây dựng các công trình điểm nhấn cao tầng với không gian rộng, kiến trúc đặc sắc.
Trước đó, tháng 7/2016, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Tố Hữu. Theo quy hoạch này, đường Tố Hữu được khuyến khích xây dựng cao tầng với các công trình cao 15 - 45 tầng, tầng cao phổ biến trên mặt đường là 25 tầng, các khối đế dịch vụ - thương mại có tầng cao 3 - 7 tầng. Trong đó, tại nút giao Tố Hữu - Khuất Duy Tiến sẽ có cụm công trình cao 30 tầng tạo điểm nhấn.
Cũng theo quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Tố Hữu, Trường Đại học Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy sẽ được di dời.
Dưới đây là một số hình ảnh về khu đất thuộc Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy hiện nay:
Một số hình ảnh về khu đất thuộc Xí nghiệp Cơ khí Điện tử - Đài Tiếng nói Việt Nam:
Video: Hoàng Huy.