Đó không chỉ là chuyện đổi ngôi của các vì sao trên bầu trời, mà còn là câu chuyện của không ít ngôi sao trong làng giải trí. Họ là những quán quân của các gameshow truyền hình thực tế, chiến thắng trong niềm vui và nước mắt, trở thành tâm điểm sáng nhất trên tất cả các mặt báo sau đêm chung kết gay cấn và đầy xúc cảm, sau đó lại chìm nghỉm như chưa hề có cuộc đăng quang.
Số phận của những vì sao
Quán quân của các gameshow truyền hình, từ trái qua: Vũ Thảo My (The Voice), Bạch Công Khanh (Gương mặt thân quen), Thanh Tùng (Học viện ngôi sao), Yasuy (Việt Nam Idol) |
Năm 2013, Vũ Thảo My giành giải quán quân The Voice khi chỉ mới 16 tuổi. Ai cũng nghĩ cô gái trẻ này sẽ nắm lấy cơ hội để làm mưa làm gió trong giới giải trí. Tuy nhiên, Thảo My lại im hơi lặng tiếng liền 4 năm sau đó. Chỉ mãi tới gần đây, Thảo My mới quay trở lại với ca khúc Call you an Angel.
Tương tự, quán quân Ngôi sao Việt mùa đầu tiên – Thanh Tùng vẫn chưa tạo được sự thu hút đối với công chúng. 3 năm kể từ ngày đó, trong khi Sobin Hoàng Sơn nhận được sự mến mộ của giới trẻ thì cái tên Thanh Tùng dường như vẫn còn rất lạ lẫm với nhiều khán giả.
Trong số các quán quân cuộc thi truyền hình thực tế, đặc biệt phải kể đến Yasuy – quán quân Vietnam Idol 2012. Vượt qua đối thủ được đánh giá cao hơn là Hoàng Quyên, Yasuy lên ngôi nhờ sự yêu mến của khán giả. Kết quả của chương trình năm đó cũng gây ra những phản ứng trái chiều, nhiều người nghi ngờ vào tài năng âm nhạc thực sự của chàng trai người dân tộc Churu này. Sau đó, Yasuy gần như biến mất khỏi thị trường âm nhạc do không có hoạt động gì nổi bật, có chăng anh chàng chỉ được xướng tên trong những vụ scandal.
Giọng ca điển trai Bạch Công Khanh, quán quân của Gương mặt thân quen 2016 cũng không cho ra mắt sản phẩm âm nhạc nào nổi bật. Năm 2017, anh mới thật sự đầu tư cho single mới Là vì em với hình ảnh trưởng thành, lịch lãm. Tuy vậy, nếu sản phẩm này được ra mắt sớm hơn có thể sẽ tạo thành công vang dội hơn thay vì trở lại sau một năm vắng bóng.
Những ngôi sao kể trên đã từng được kì vọng sẽ trở thành thần tượng mới của thế hệ trẻ, nhưng cuối cùng họ lại không vượt qua được cái bóng của chính mình, thậm chí chỉ sáng được khoảnh khắc lúc đăng quang rồi lụi tàn.
Không tận dụng được thời điểm tỏa sáng
Uyên Linh đã tận dụng được thời điểm và cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc ấn tượng. |
Sau khi đăng quang là thời điểm rất thuận lợi cho các quán quân tận dụng được sự nổi tiếng của mình để tạo đà cho những bước đi tiếp theo. Các ca sĩ như Uyên Linh, Văn Mai Hương (Vietnam Idol), Hương Tràm, Bảo Anh (The Voice) … đã biết cách tận dụng thời điểm này để tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình lớn hay ra mắt khán giả những sản phẩm âm nhạc mới. Ngược lại, Vũ Thảo My, Thanh Tùng hay Yasuy đều không có hoạt động gì nổi trội vào thời điểm thuận lợi này.
Có thể ví hiện tượng này giống như hiệu ứng của sóng nước, việc lên ngôi quán quân giống như một giọt nước nhỏ xuống mặt hồ phẳng lặng, giọt nước đó tạo ra những con sóng loang rộng dần. Nếu nhiều giọt nước được nhỏ xuống, các con sóng sẽ cộng hưởng để ngày càng lan rộng lan xa. Tuy nhiên, nếu lâu sau đó không có thêm giọt nước nào rơi xuống thì mặt hồ sẽ lặng yên trở lại. Tương tự, các ca sỹ không ra mắt thêm các sản phẩm mới thì tên tuổi của họ sẽ cứ thế chìm dần đến khi lặng hẳn. Họ đã để tuột mất cơ hội để xây dựng hình ảnh của mình trong lòng người hâm mộ.
Lỗi tại truyền thông?
Quyền quyết định ngôi vị quán quân trong các gameshow âm nhạc hiện nay hầu như nằm trong tay khán giả. |
Với tính chất giải trí, quyền quyết định ngôi vị quán quân trong các gameshow âm nhạc hiện nay hầu như nằm trong tay khán giả. Nhiều khi, kết quả bình chọn của khán giả cũng phải khiến ban giám khảo hay các vị huấn luyện viên tiếc nuối ngậm ngùi.
Năm 2012, Yasuy chiến thắng Vietnam Idol bằng sự chân thật, hồn nhiên mà anh mang đến cho giới giải trí. Khán giả chọn anh không phải vì kĩ thuật điêu luyện hay giọng hát xuất thần, họ vote cho anh chỉ vì sự thật thà dễ thương của chàng trai này.
Một gameshow ca nhạc khác là The Voice cũng khiến không ít người phải đặt câu hỏi về sự đăng quang của Vũ Thảo My, bởi vì cô bé quá xuất sắc hay chỉ vì cô là học trò của Mr. Đàm đông đảo fan hâm mộ? Khán giả vote cho một thí sinh không đơn thuần vì tài năng hay phong cách, có cả trăm lý do không liên quan đến chuyên môn để họ thích người này và không thích người kia.
Biết rằng để phục vụ mục đích giải trí, tính chuyên môn đôi khi bị coi nhẹ, nhưng với những nhà sản xuất, họ chỉ cần nhiều người xem.
Chưa kể yếu tố kịch bản trong truyền hình thực tế cũng góp phần định hướng khán giả yêu hay ghét các thí sinh cụ thể. Những nghi án về việc dàn xếp kết quả hay ban giám khảo loại thí sinh theo kịch bản vẫn luôn tồn tại.
Khi đặt nặng yếu tố lợi nhuận hơn nghệ thuật thì các chương trình rất có thể nhào nặn ra những quán quân đáp ứng thị hiếu của khán giả trong một thời gian nhất định, nhưng sẽ khó ở lại trong lòng công chúng lâu dài. Đó cũng là lý do khiến ngôi sao truyền hình thực tế chỉ giống như sao đổi ngôi trên bầu trời, ngôi sao này vụt sáng, ngôi sao kia lại tắt đi.