Nồi cơm điện Sunhouse xuất xứ Trung Quốc có logo Hàng Việt Nam chất lượng cao, công ty Shark Phú nói do hiểu nhầm?

Sunhouse cho rằng đã có sự hiểu nhầm về chiếc nồi cơm điện ghi xuất xứ Trung Quốc nhưng được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao. Công ty của Shark Phú nói điểm bán có sự nhầm lẫn khi đặt chiếc nồi cơm điện này vào mã tem phụ của sản phẩm khác.

Giữa nghi vấn Asanzo là nhập hàng Trung Quốc về "phù phép" thành hàng Việt và được công nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), vài ngày trở lại đây, trên mạng xã hội cũng lan truyền với tốc độ chóng mặt một sản phẩm điện gia dụng của thương hiệu Sunhouse đang vướng nghi vấn về xuất xứ.

64840661_10219535073993314_7518414876704768000_n

Hình ảnh được lan truyền trên mạng khi chiếc nồi cơm điện này có xuất xứ Trung Quốc nhưng được công nhận HVNCLC. (Ảnh chụp màn hình).

Cụ thể, bức ảnh gây tranh cãi là một chiếc nồi cơm điện thương hiệu Sunhouse đang bày bán tại quầy hàng của một siêu thị. Ngay bên dưới chiếc nồi này là một nhãn dán trên kệ, đề tên sản phẩm: "Nồi cơm điện n.liền SHD-8602", thương hiệu Sunhouse, xuất xứ Trung Quốc. 

Đáng chú ý, nhãn sản phẩm ghi rõ xuất xứ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm này lại có dán logo nhận diện Hàng Việt Nam chất lượng cao, do Hội Doanh nghiệp HVNCLC bình chọn.

Ngay sau đó, ngày 24/6, đại diện Sunhouse đã lên tiếng giải thích về hình ảnh này. Phía Sunhouse khẳng định bức ảnh thực chất là sự hiểu nhầm, và không có chuyện chiếc nồi cơm điện Sunhouse có xuất xứ Trung Quốc.

Cụ thể, Sunhouse cho biết hình ảnh sản phẩm này được đặt tại siêu thị Co.opmart ghi xuất xứ Trung Quốc, nhưng thực tế, chiếc nồi cơm điện mã SHD-8602 được sản xuất tại nhà máy Sunhouse Việt Nam.

Phía Sunhose nói sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng Sunhouse, được sở hữu 100% vốn bởi Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, đăng kí giấy phép kinh doanh lần 2 năm ngoái.

Đồng thời, để minh chứng điều này, Sunhouse cũng trưng ra việc sản phẩm nồi cơm điện SHD-8602 được Trung tâm kĩ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng 1 (thuộc Bộ Khoa học công nghệ) đánh giá chứng nhận theo Phương thức 5. Phương thức này được đánh giá, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất, hoặc mẫu lấy trên thị trường kết hợp đánh giá quá trình sản xuất.

noi2

Sunhouse khẳng định đây là sự nhầm lẫn bởi chiếc nồi cơm điện SHD-8602 được sản xuất tại Việt Nam. (Ảnh: Sunhouse).

"Hình ảnh sản phẩm được đặt tại mã tem phụ của sản phẩm khác, dẫn đến người tiêu dùng hiểu lầm về xuất xứ của nồi cơm điện SHD-8602 là Trung Quốc. Chúng tôi khẳng định sản phẩm nồi cơm điện này được sản xuất tại Việt Nam, và được kiểm soát theo quy chuẩn kĩ thuật số 4:2009/BKHCN", Sunhouse giải thích vụ việc.

Đồng thời, đại diện doanh nghiệp của Shark Nguyễn Xuân Phú cũng cho biết thêm đã gửi công văn sang đối tác kinh doanh, yêu cầu đính chính thông tin về xuất xứ sản phẩm, khi siêu thị này ghi nhầm xuất xứ trên bảng giá.

Liên quan câu chuyện hàng hóa được lắp ráp từ linh kiện xuất xứ Trung Quốc sau đó dán mác hàng Việt rồi bán ra thị trường, trả lời Tiền Phong ngày 25/6, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú, cho rằng Theo Thông tư 05/2018 của Bộ Công Thương về xuất xứ hàng hóa, với hàng hóa có phần giá trị nội địa đạt từ 30% trở lên được xem là có xuất xứ tại một nước (nơi diễn ra công đoạn sản xuất, gia công, chế biến cuối cùng). Còn trụ sở chính và thương hiệu đăng kí bảo hộ ở quốc gia nào sẽ thuộc về quốc gia đó. 

Với xu hướng toàn cầu hóa, chuỗi giá trị toàn cầu, việc một sản phẩm sử dụng linh kiện từ nhiều quốc gia rất phổ biến. Điều quan trọng, trong chuỗi sản xuất, ai sở hữu thương hiệu sẽ hưởng phần giá trị lớn nhất, còn giá trị sản xuất chỉ chiếm từ 10-30% giá trị.

Về câu chuyện hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng linh kiện lại chủ yếu nhập Trung Quốc, Chủ tịch Sunhouse nói hiện luật pháp đã quy định rõ xác định hàng hóa xuất xứ từ một quốc gia, nên theo đó thực hiện, kể cả với hàng hóa sử dụng linh kiện Trung Quốc. Không phải chỉ vì một linh kiện Trung Quốc mà nói sản phẩm đó của Trung Quốc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, không chỉ Việt Nam sử dụng linh kiện sản xuất từ Trung Quốc. Vấn đề khi công bố thông tin, kiểm soát chất lượng phải rõ ràng, đảm bảo đúng quy định.


chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.