Nơi công ty mẹ của chuỗi nhà hàng Món Huế đặt trụ sở là thiên đường trốn thuế hàng đầu thế giới

Quần đảo Cayman đứng thứ 12 trong tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ đổ vốn vào Việt Nam trong năm 2018. Đây được xem là một trong những “thiên đường thuế” hàng đầu của thế giới.

Quần đảo Cayman là một lãnh thổ hải ngoại độc lập của Vương quốc Anh, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe. Tổng diện tích lãnh thổ của quần đảo này là 264 km2, bao gồm ba đảo Grand Cayman, Cayman Brac và Little Cayman. Tính đến đầu năm 2018, dân số của Quần đảo Cayman ước tính là 64.420 người, trở thành lãnh thổ hải ngoại đông dân thứ hai của Anh sau Bermuda.

HGBstWNM8I

Quần đảo Cayman là một lãnh thổ hải ngoại độc lập của Vương quốc Anh. (Ảnh: Loop).

Nơi có số lượng doanh nghiệp nhiều hơn người dân

Vương quốc Anh nắm quyền kiểm soát chính thức Quần đảo Cayman, là kết quả của Hiệp ước Madrid năm 1670. Đến năm 1794, người Cayman đã giải cứu các thủy thủ đoàn của một nhóm 10 tàu buôn trong vụ đắm tàu lịch sử Wreck of the Ten sail. 

Truyền thuyết kể rằng Vua George III đã thưởng cho hòn đảo bằng một lời hứa sẽ không bao giờ đưa ra thuế, như là sự đền bù cho sự hào phóng của họ, khi một trong những con tàu có chở thành viên gia đình của nhà vua. 

Chính phủ Quần đảo Cayman tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế của lãnh thổ thông qua du lịch và trung tâm tài chính ngoại biên (offshore financial centre) từ những năm 1970. Từ đó, Cayman nổi danh trong lịch sử như một "thiên đường thuế" vì chưa bao giờ đánh thuế thu nhập, thuế lãi vốn hay bất kì thuế tài sản nào đối với người dân và các công ty đăng kí hoạt động trên lãnh thổ.

Quần đảo này có số lượng doanh nghiệp nhiều hơn người dân. Đây được coi là "thiên đường thuế" cho các doanh nghiệp quốc tế và nhiều cá nhân giàu có, đặc biệt là tại châu Á. Đây cũng chính là một trong hai trung tâm tài chính nước ngoài được phép đưa doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong. 

Cayman cũng đã thành lập sàn chứng khoán của mình vào năm 1997.

TOP 10 TAX HAVEN

Cayman luôn nằm trong top 10 thiên đường thuế trên thế giới. (Đồ họa: Pin IMG).

Quần đảo Cayman áp dụng Luật công ty 1961. Luật này giúp thu hút doanh nghiệp quốc tế và nhiều nhà đầu tư nước ngoài, bởi nhiều ưu đãi trong phạm vi quyền tài phán của họ. Quần đảo này còn cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho các công ty ủy thác, luật sư, ngân hàng, quản lí bảo hiểm, kế toán, quản trị viên và quản lí quỹ tương hỗ.

Huy Việt Nam - công ty mẹ của nhà hàng Món Huế đăng kí kinh doanh tại thiên đường thuế Cayman 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quần đảo Cayman xếp thứ 12 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn vào Việt Nam trong năm 2018. Với 110 dự án, số tiền từ "thiên đường thuế" này đổ vào lên đến 7.108 triệu USD. Con số này ở năm 2017 là 6.957 triệu USD với 104 dự án, và 5.323 triệu USD với 87 dự án trong năm 2016.

VinaCapital, IndochinaCapital, Mekong Capital, Saigon Asset Management Corporation đều là những công ty quản lí quỹ hoạt động mạnh tại Việt Nam đến từ Cayman.

Ảnh chụp Màn hình 2019-10-22 lúc 22

Mỗi năm, số dự án và vốn từ Cayman rót vào Việt Nam càng tăng. (Đồ họa: Tất Đạt).

Công ty mẹ của chuỗi nhà hàng Món Huế đang đóng cửa hàng loạt, bị tố quỵt tiền nguyên vật liệu hàng chục tỉ đồng của đối tác, cũng đăng kí kinh doanh tại đây. 

Cụ thể, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam là doanh nghiệp đứng sau Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế. Đây là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài, trụ sở chính đặt tại Cayman. Lãnh đạo doanh nghiệp từng cho biết sở dĩ trụ sở đặt tại nước ngoài mà không phải Việt Nam, vì tham vọng được IPO trên thị trường chứng khoán Hong Kong, mở đường phát triển doanh nghiệp, nhất là tiếp cận các nhà đầu tư lớn.

Nguồn thu nhập chính của Cayman đến từ thu thuế nhập khẩu. Mức thu dao động từ 5% đến 22%, riêng ô tô từ 29,5% đến 100%. Chính sách này được giải thích là nhằm chống lại hàng hóa nhập khẩu vào quần đảo. Có rất ít hàng hóa được miễn thuế, trừ sách, máy ảnh, vàng và nước hoa.

Ngoài ra, Cayman còn là một trung tâm tài chính quốc tế lớn với các lĩnh vực chủ chốt là ngân hàng, thành lập quỹ đầu cơ và đầu tư, sản phẩm chứng khoán hóa và tài chính phân lớp, bảo hiểm nội bộ và các hoạt động doanh nghiệp nói chung. 

Cayman hiện là trung tâm ngân hàng lớn thứ 5 trên thế giới với tổng vốn huy động lên đến 1.500 tỉ USD. Quần đảo này có 279 ngân hàng, trong đó đến 260 ngân hàng được cấp phép chỉ để hoạt động trên thị trường quốc tế, còn hoạt động trong nước rất giới hạn.

grand-cayman

Nền kinh tế của Cayman phụ thuộc vào du lịch và "thiên đường thuế". (Ảnh: Independent).

Năm 2010, Cayman đứng thứ 5 trên thế giới về giá trị nguồn vốn huy động và đứng thứ 6 toàn cầu về lượng tài sản. 40 trong số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới đã thành lập chi nhánh tại Cayman, trong đó có HSBC, Deutsche Bank, UBS và Goldman Sachs. Ngoài ra còn một số nhà cung cấp dịch vụ khác, bao gồm các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới; các công ty luật như Maples & Calder và các công ty quản lí tài sản như tập đoàn tư vấn tài chính và ngân hàng tư nhân Rothschilds.

Kể từ khi ban hành bộ luật về quỹ tương hỗ vào năm 1993 được nhiều nước trên thế giới áp dụng theo, Cayman đã xây dựng được các quy định về quỹ đầu cơ nước ngoài hàng đầu thế giới. Tháng 6/2008, quần đảo này đã chấp thuận 10.000 đơn đăng kí của các quỹ đầu cơ và trong năm kết thúc tháng 6/2008, CIMA báo cáo tốc độ tăng trưởng ròng của các quỹ đầu cơ là 12%.

Từ nửa cuối thập niên 1990, các trung tâm tài chính nước ngoài, trong đó có Quần đảo Cayman, chịu sức ép ngày càng lớn từ Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vì cơ chế thuế bị cho là có hại. Cơ quan này muốn ngăn chặn việc áp dụng các cơ chế thuế nhằm trục lợi từ thị trường toàn cầu, và đe dọa đưa Quần đảo Cayman vào "danh sách đen" và áp dụng một số hình phạt.

Cayman đã thoát khỏi nguy cơ này vào năm 2000, khi cam kết cải cách các quy định nhằm gia tăng tính minh bạch và bắt đầu trao đổi thông tin về công dân của những nước này với các quốc gia thành viên của OECD.

Trong những năm gần đây, họ đã đẩy mạnh cuộc chiến chống rửa tiền, bằng cách hạn chế bảo mật ngân hàng, đưa ra các yêu cầu để nhận dạng khách hàng và lưu giữ hồ sơ,  yêu cầu các ngân hàng hợp tác với các nhà điều tra nước ngoài.

"Thiên đường thuế" là cách gọi bóng bảy của khái niệm "Offshore Zone", một khu vực mà về mặt pháp lí mức thuế được ấn định hoặc rất thấp hoặc hoàn toàn được miễn.

Bên cạnh đó, các thủ tục như thành lập công ty hoặc điều hành doanh nghiệp cũng khá đơn giản và thuận tiện. Thay vì phải nộp thuế, các công ty thường chỉ phải nộp một khoản phí được ấn định hằng năm.

Do những "dễ dãi" của Offshore Zone đã khiến các pháp nhân và thể nhân nước ngoài đổ xô tiền về đây với những mục đích để trốn thuế hoặc tránh thuế; để "lánh mặt" chủ sở hữu chính thức của pháp nhân được thành lập tại Offshore Zone bằng các cổ đông và giám đốc danh nghĩa, để "né" các thủ tục phiền hà, phức tạp tại chính quốc như quản lý và quy đổi ngoại tệ...

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.