Tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản toàn cầu Colliers vừa công bố báo cáo Triển vọng đầu tư toàn cầu 2023. Báo cáo cho thấy giới đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản toàn cầu sẽ ổn định vào giữa năm 2023.
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. Hơn một nửa số nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (53%) kỳ vọng kết quả tích cực từ tăng trưởng kinh tế trong khu vực, so với 41% ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và 38% ở châu Mỹ. Tương tự, 43% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương mong đợi tác động tích cực từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cao hơn khu vực EMEA (38%) và châu Mỹ (28%).
Ông John Howard, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Thị trường Vốn quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương cho biết, châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ vượt qua các thị trường khác trong năm 2023.
“12 tháng tới vẫn sẽ khó khăn, đặc biệt là đối với các thị trường chính như Úc, Hong Kong, Hàn Quốc và Singapore. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đa quốc gia tập trung nhiều ở các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ nhận thấy rằng các khoản đầu tư ở châu Á ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và môi trường lãi suất hiện tại. Khi thị trường nợ ổn định và không còn biến động, chúng tôi cũng kỳ vọng các quỹ đầu tư tư nhân đẩy mạnh hoạt động mua bán – sáp nhập trong năm 2023", ông John Howard cho biết.
Tại các thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm thu hút đầu tư hàng đầu, với vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt 25,1 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% hồi đầu tháng 12 đã giúp cải thiện tâm lý thị trường.
“Tại Colliers, chúng tôi nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn. Dù tâm lý chung vẫn rất thận trọng, họ đang tận dụng giai đoạn thị trường giảm tốc để củng cố danh mục đầu tư.
Với các chủ đầu tư trong nước, chúng tôi cho rằng các hoạt động tái cấu trúc và M&A sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, chủ yếu nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn”.