Knight Frank: Giá nhà ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023

Tại một số thị trường trọng điểm trong khu vực châu Á -  Thái Bình Dương, giá nhà đã có sự điều chỉnh giảm. Xu hướng này được Knight Frank dự đoán sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Một năm sau đại dịch, phân khúc nhà ở đang gặp phải khó khăn khi lãi suất thế chấp tăng cao, lạm phát tăng. Trong khi thị trường chưa có bất kỳ sự điều chỉnh đáng chú ý nào, người mua nhà đang ở trong tâm lý chấp nhận chờ đợi và quan sát.

Tại một số thị trường trọng điểm trong khu vực, giá nhà đã có sự điều chỉnh giảm. Điều này được phản ánh bởi khối lượng bán hàng chậm hơn. Đơn cử, khối lượng bán tại thị trường Hong Kong và các thành phố của Úc đã giảm lần lượt khoảng 22% và 16% theo quý.

Theo báo cáo đánh giá của Knight Frank, 17 trong số 24 thành phố được công ty dịch vụ bất động sản này theo dõi đã ghi nhận mức tăng trưởng giá dương trong quý III. Trước đó, quý II có 19 thành phố. Mức tăng giá trung bình của khu vực cũng chậm lại từ 5,7% xuống còn 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khẳng định thị trường nhà ở trong khu vực đã bắt đầu hạ nhiệt.

Cuộc sống bình thường về cơ bản đã trở lại ở phần lớn khu vực, ngoại trừ Trung Quốc với chiến lược Zero-Covid. Thị trường bất động sản Trung Quốc, Hong Kong được dự đoán sẽ vẫn phải đối mặt với những “cơn gió ngược”.

Ở Đông Nam Á, nơi kinh tế phục hồi khá khiêm tốn sau Covid-19, việc duy trì giá cả ổn định đang gặp thách thức, mặc dù sự sụt giảm về giá đang được kiềm chế. Malaysia, quốc gia khá “tụt hậu” trong năm nay lại đang có nhiều triển vọng lạc quan hơn trong năm tới. Các nhà phát triển tại quốc gia này mong đợi vào sự tăng giá trong tương lai, do đó đang giữ lại một lượng hàng tồn kho.

Xu hướng giảm giá nhà ở

Dự báo phạm vi biến động giá nhà ở năm 2023 tại các thị trường chính của khu vực châu Á -  Thái Bình Dương. Trong đó, giá nhà ở tại TP HCM được dự đoán tăng khoảng 8%. (Nguồn: Bộ phận nghiên cứu của Knight Frank).

Với dự kiến lãi suất ​​​​sẽ không sớm giảm, cùng với nỗi sợ suy thoái và chi phí sinh hoạt tăng cao, thị trường đang bước vào giai đoạn "xa cách" giữa người mua và người bán. Tuy nhiên sẽ có sự khác biệt đáng kể giữa các thị trường trong khu vực.

Những thị trường đi đầu xu hướng giảm giá bao gồm các thành phố của New Zealand và Úc, do giá đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, lực kéo giảm giá nhà vẫn ở mức vừa phải, giá nhà ở trung bình tại hai quốc gia này vẫn cao hơn lần lượt 20% và 25,5% so với mức trước đại dịch.

Theo Knight Frank, mặc dù lãi suất thế chấp tăng nhưng việc điều chỉnh giá có thể không cùng mức độ với đợt suy thoái trước đây. Nguyên nhân thứ nhất là do trong suốt đại dịch chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các sự kiện về thời tiết cũng như cuộc khủng hoảng lao động đã làm chi phí xây dựng tăng đáng kể. Và áp lực chi phí này có khả năng sẽ được chuyển cho người dùng cuối, người mua sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho những giao dịch mua mới.

Thứ hai, thị trường lao động đã bị thắt chặt trên toàn khu vực, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử. Theo Knight Frank, tỷ lệ người thất nghiệp thấp là một chỉ số cho thấy những người bán có tiềm lực tài chính sẽ có khả năng nắm giữ bất động sản ngay cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Đây sẽ là một rào cản ngăn giá nhà đất giảm mạnh nếu triển vọng kinh tế xấu hơn nữa.

Bên cạnh đó, trước tốc độ tăng lãi suất thế chấp, Chính phủ nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang thực hiện các chính sách an toàn vĩ mô để kiềm chế giá nhà ở.

"Sự giảm tốc hiện tại phản ánh sự thành công của một số giải pháp ban đầu chứ không phải là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang suy yếu", Knight Frank nhận định.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.