Nới room tín dụng 1,5 - 2%: Thị trường bất động sản sẽ 'đỡ hơn'

Nới room tín dụng sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt cần được tháo gỡ.

Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đây là giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. 

Thông tin nới tín dụng được cho là một tín hiệu vui với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản. Trước đó, nhiều ý kiến từ cá nhân, tổ chức đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng để "cứu” thị trường bất động sản trong bối cảnh các dòng vốn vào lĩnh vực này trở nên khó khăn hơn.

Trả lời trên báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau việc nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản sẽ "đỡ hơn".

Thực tế, hầu hết các kênh dẫn vốn chủ đạo của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản như vay ngân hàng, huy động từ khách hàng, phát hành trái phiếu và cổ phiếu đều gặp khó kể từ quý II. 

Trong đó, tín dụng ngân hàng là nguồn vốn mồi đầu tiên, giữ vai trò là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, do được xếp vào nhóm lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kinh doanh bất động sản được Ngân hàng Nhà nước giám sát và chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với mục đích này.

Chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp đều khó khăn về nguồn vốn khiến nhiều dự án phải dừng triển khai, thị trường thiếu nguồn cung, giao dịch trầm lắng, thanh khoản giảm... Thực tế, báo cáo thị trường của nhiều đơn vị đều cho thấy bức tranh khá ảm đạm của thị trường bất động sản quý II và quý III với sự sụt giảm ở nhiều chỉ số như nguồn cung, mức độ quan tâm, tỷ lệ hấp thụ,...

Theo ước tính của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), chỉ cần nới trần tín dụng thêm 1 - 2% là sẽ có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100.000 - 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12 đến trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nguồn vốn tín dụng bổ sung này cũng có tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giúp thị trường vượt qua khó khăn hiện tại.

Đối với việc phân bổ nguồn vốn bổ sung này, HoREA kiến nghị tiêu chí để các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn là các dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng. Bên cạnh đó là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện.

 Nới room tín dụng sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ).

Cần nhưng chưa đủ 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, ngoài nguồn vốn, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn khác cần được tháo gỡ cùng lúc. Do đó, hiện Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng đang tập trung rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.

Chung nhận định, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.

Ở góc độ tài chính, theo ông những dự án đang dở dang cần phải được giải ngân để tiếp tục quá trình xây dựng, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường, không làm khó người mua. Các chủ đầu tư cũng cần bổ sung thêm nguồn vốn từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. 

“Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những nút thắt này sớm được tháo gỡ để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân, giúp họ có thể tiếp cận với ước mơ sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý hơn”, TS. Sử Ngọc Khương nhấn mạnh.

Hỗ trợ pháp lý cũng là giải pháp gián tiếp giúp khôi phục dòng vốn cho doanh nghiệp. Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM, điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản. Làm được vậy, nhà đầu tư có thể sớm đưa sản phẩm ra thị trường, bán được với giá rẻ để thu hồi vốn, trả nợ trái phiếu đúng hạn.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.