Nước sạch Hà Nội nặng mùi hóa chất: Giấu giếm sự cố dầu thải tràn ở đầu nguồn?

Phát hiện dầu loang trên mặt hồ nhưng Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà không đưa ra khuyến cáo, mà âm thầm tăng hóa chất để xử lí. Đây là nguyên nhân nước người dân sử dụng có mùi nồng nặc những ngày qua.
avatar_1571055661962

Sáng 14/10, vẫn còn dấu vết dầu thải tràn trên suối Trâm. (Ảnh V.H)

Ngày thứ 5 kể từ khi người dân Hà Nội kêu ca về việc nước sạch mình sử dụng bốc mùi hóa chất nồng nặc, nhưng chưa xác định được nguyên nhân, sáng 14.10, một số phóng viên đã lên tận khu vực nhà máy xử nước để tìm hiểu tình hình thực tế.

Tại đây, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà, thừa nhận việc công ty này đã phát hiện ra dầu thải trên hồ Đồng Bài và trên suối Trâm - cách kênh dẫn nước vào nhà máy từ hôm 9/10, nhưng không hề đưa ra khuyến cáo cho người sử dụng, mà đã cho tăng lượng hóa chất xử nước, khiến nước về Hà Nội có mùi nồng nặc mấy ngày qua.

Cho đến thời điểm phóng viên có mặt tại suối Trâm (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), tuy dầu loang đã được vớt hết, nước đã trong trở lại, nhưng vẫn nồng nặc mùi khét. Lớp bùn đáy suối cũng có màu đen kịt.

Một người dân địa phương cho biết, dầu thải loang khắp mặt nước suối Trâm từ tối 8.10, lan cả vào hồ cá của gia đình anh khiến cá chết nổi trắng hồ, chưa kể số ba ba nuôi trong bể, ước tính thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.

Người dân địa phương cũng cho biết, có khoảng 50 người đã được Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thuê vớt dầu loang, với chi phí 500.000 đồng/ngày, nhưng được mô tả công việc là “dọn cỏ, phát quang quanh suối”. Khi đến nơi, người dân được thuê mới biết mình đi vớt dầu.

"Mùi rất nồng nặc khiến tôi thấy buồn nôn. Đeo khẩu trang vẫn ngửi thấy. Dầu đặc quánh, đổ qua phễu to cũng không chảy được, chúng tôi phải dùng que để chọc cho chảy xuống can hoặc bao tải”, một người được thuê vớt dầu cho biết.

Khi bị truy hỏi, ông Nguyễn Văn Tốn thừa nhận công ty đã phát hiện ra dầu từ sáng 9/10.

“Ngày 9/10, bộ phận vớt rong rêu của công ty phát hiện vết dầu loang trên hồ. Trước đó có mưa, nên đã thông báo với lãnh đạo công ty và lãnh đạo đã phản ứng nhanh, huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên của công ty và cả thuê ngoài nữa làm vệ sinh, dùng phao chuyên dụng để quây không cho dầu lan vào khu bể ngăn lấy nước va cách li, sau đó dừng xử tập trung vớt toàn bộ dầu loang. Sau khi xác định rõ ràng không còn nữa mới bắt đầu cho xử nước lại”, ông Tốn nói.

Ông này cũng cho biết ngay khi phát hiện vết dầu đã “mời chính quyền địa phương và Công an Hòa Bình đến để tìm ra thủ phạm”, sau đó đã “tăng hóa chất: vôi lên men, phèn, clo” để xử nước.

“Công ty cũng đã thường xuyên lấy mẫu nước nội kiểm của công ty và thấy chất lượng nước đảm bảo. Tuy nhiên, đến ngày 10/10, thấy khách hàng có phản ánh, từ lúc bấy giờ công ty theo dõi sát sao, đã súc xả bể chứa, và đến 11/10, đoàn thanh tra liên ngành của Sở Xây dựng và Sở Y tế lên làm việc kiểm tra tất cả các thứ. Sau khi sự cố, công ty vẫn vận hành bình thường và xét nghiệm nước trong công ty thấy đảm bảo”, ông Tốn cho biết thêm.

Bị truy hỏi vì sao không có khuyến cáo cho khách hàng cũng như không thông báo rộng rãi việc phát hiện dầu loang, ông Tốn cho biết “không có chuyện bưng bít”, mà đã báo với Công an Hòa Bình.

Khi được hỏi tiếp vì sao không có khuyến cáo tới khách hàng dù dư luận Hà Nội sôi sục vì chất lượng nước mấy ngày qua, ông Tốn phân bua là do “Công ty lúc bấy giờ nghĩ đơn giản thôi, vì sự việc nó khác nhau, không liên hệ nó (việc có dầu thải tràn và nước có mùi lạ - phóng viên) với nhau, mà nghĩ là mùi clo thôi”.

Ông Tốn cũng nhiều lần khẳng định chất lượng nước nội kiểm của công ty này là đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, không có chất độc, những mùi lạ mà người dân cảm nhận là do mùi clo.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.