Nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải: Hà Nội có thể cắt hợp đồng, chọn công ty khác

Liên quan đến sự cố nước sông Đà nhiễm chất styren, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, “lúc nào thành phố cũng có quyền cắt hợp đồng, chọn doanh nghiệp khác. Không có chuyện thích thì làm, không thích thì thôi...".

Chiều ngày 22/10, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội lần thứ XIV, trước khi bước vào phiên thảo luận tại tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh sự cố nước sạch Sông Đà cung cấp bị nhiễm chất styren gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Thủ đô.

Ông Hải cho rằng “qua sự việc này rút ra rất nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất là quản lý nguồn nước. Trách nhiệm trước hết là doanh nghiệp. Chủ đầu tư, doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Điều này có qui định từ xưa đến nay rồi”.

hai_3

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Theo đó, ông Hải cũng đưa ra trách nhiệm thứ 2 thuộc về công an các địa phương. “Thực tế, nước hồ đấy không phải là nước sạch, cứ thế đưa về mà dùng. Chính vì thế, phải xem lại toàn bộ hệ thống quan trắc. Hiện tại, hệ thống đó rất thiếu. Thêm nữa, dù bất cứ ở đâu, kể cả được đảm bảo an ninh, thì cũng có thể xảy ra chuyện mất an ninh, an toàn. Vậy khi có sự cố, hệ thống nào sẽ phát hiện ra?”, ông Hải đặt vấn đề.

Do đó, Bí thư Hà Nội cho rằng cần chia trách nhiệm từng công đoạn. Không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra mà xử lí lúng túng như ông Tốn nói, chẳng biết dừng cấp nước hay không.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng chia sẻ những bức xúc chính đáng của người Hà Nội gần nửa tháng qua, đặc biệt khi quyền lợi của người dân trong việc sử dụng nước không được tôn trọng. Ông khẳng định, những đòi hỏi của dân là đúng. Trong tương lai, ông Hải cho rằng cần qui trình, qui phạm hóa rõ công nghệ cho mỗi doanh nghiệp kinh doanh nước sạch.

"Khi cấp nước, doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Vậy anh chịu trách nhiệm bằng cách nào? anh phải giải trình với cơ quan Nhà nước. Thứ nhất, doanh nghiệp quan trắc tự động về chất lượng nước thế nào, qua mấy khúc, đến người dân là qua mấy hàng rào? Thứ hai, doanh nghiệp phải lấy mẫu thủ công, vì nếu quan trắc tự động hỏng thì sao… Phải rà soát lại hết, qui trình hóa, quy phạm hóa ra.

Hà Nội có 10 triệu dân. Để xảy ra sự việc này là rất đáng tiếc. Thành phố rút kinh nghiệm và chỉ đạo khắc phục. Phải rà soát để không xảy ra nữa.

Mình có qui định về các loại thảm họa, từ đấy đi xuống chi tiết, xây dựng kế hoạch thực hiện. Chúng ta nhìn thấy vấn đề nhưng chưa thực hiện hết giải pháp đề ra. Qua đây cũng thấy có nhiều chuyện mình tiếp tục phải làm, khẩn trương và quyết liệt hơn vì không biết xảy ra vào ngày nào", ông Hải nhấn mạnh.

Trước câu hỏi, liệu phản ứng của Hà Nội có chậm trước hàng loạt sự cố vừa qua, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết: "Về chuyện đó, Thủ tướng cũng nói rồi. Thành phố sẽ rút kinh nghiệm. Ở đây có vấn đề ở phân công, phân nhiệm xử lí thông tin, phối hợp với cơ quan liên quan. Trong bất cứ việc gì, thường bao giờ cũng hổng ở khâu phối hợp. 

Do đó, cần quy phạm hóa, qui trình hóa. Sau khi có sự việc xảy ra, lại không biết ai nói là đáng tin. Tất cả những cái đó phải đánh giá, điều chỉnh cho đúng. Dù có thể không hết được, nhưng sẽ tốt lên".

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đáp ứng được yêu cầu, "lúc nào Thành phố cũng có quyền cắt hợp đồng, chọn doanh nghiệp khác. Và có quyền bắt họ phải thực hiện đúng, không có chuyện thích thì làm, không thích thì thôi...".

Ông Hải dẫn ví dụ “như ông cấp điện dỗi, ông dọa cắt điện đi nghỉ mát. Như thế là không được. Anh cấp những dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải thực hiện”. Tuy nhiên Bí thư Hà Nội cũng cho rằng do “ngành nước cũng mới, non trẻ” nên “sẽ phải dần dần đưa lên để tốt hơn”.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.