'Người phán xử', 'Lạc trôi' được tìm kiếm nhiều nhất 2017 | |
Từ 'Người phán xử' sang 'Cả một đời ân oán', Hồng Đăng vẫn chưa thoát… kiếp con rơi |
Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải là người chịu trách nhiệm chính về các dự án phim truyền hình. Năm 2017 là một năm thành công, thậm chí được ví là bước ngoặt lịch sử với thể loại phim truyền hình khi 2 dự án Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử gây bão màn ảnh nhỏ.
NSƯT Đỗ Thanh Hải cũng là tổng đạo diễn, người kiến tạo chương trình Táo quân nhiều năm nay. Anh ít khi trả lời phỏng vấn, nhất là khi Táo quân 2018 lại chuẩn bị khởi động nhưng là người "nắm giữ” số phận chất lượng của nhiều chương trình, lần nào gặp Đỗ Thanh Hải cũng có câu chuyện.
- Anh nghĩ như thế nào nếu có ai đó gọi anh là “ông trùm thực sự đứng đằng sau Người phán xử”?
- Chắc chắn tôi không phải là một ông trùm. Đơn giản chỉ là người làm nghề chuyên nghiệp, có đam mê và luôn khát vọng để các dự án phim mà chúng tôi thực hiện đạt chất lượng.
- 2017 được xem là một năm thành công của phim truyền hình trên sóng VTV, với "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Ngược chiều nước mắt", "Ghét thì yêu thôi", "Thương nhớ ở ai"... Ở góc nhìn quản lý, anh nhận định như thế nào về sự chuyển mình này?
- Thực tế là nhiều năm qua, chúng tôi đều có những bộ phim gây ấn tượng với khán giả như Tuổi Thanh Xuân (2014), Hôn nhân trong ngõ hẹp, Khúc hát mặt trời (2015), Zippo mù tạt và em (2016). Và năm 2017 chúng tôi đã tạo được hiệu ứng rất mạnh từ 2 bộ phim Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử.
Việc liên tiếp có những bộ phim chất lượng như thời gian qua đã tiếp tục thu hút khán giả, kéo họ quay lại với phim truyền hình Việt. Qua đó khích lệ các nhà làm phim tự tin hơn, rằng nếu nghiêm túc làm phim chất lượng, sản xuất những bộ phim có giá trị, hấp dẫn thì vẫn có thể thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, kể cả khán gỉa trẻ lâu nay chỉ thích xem phim nước ngoài.
Chất lượng phim, bao gồm cả nội dung và hình ảnh, theo tôi vẫn là yếu tố quyết định.
- Rõ ràng, sức hút của những bộ phim truyền hình không chỉ làm thay đổi diện mạo màn ảnh mà còn khiến đời sống diễn viên tốt hơn nhờ thu nhập từ quảng cáo. Nhưng chính việc nghệ sĩ lạm dụng cũng tạo nên những ý kiến trái chiều. VFC có động thái gì khi các nghệ sĩ đóng quảng cáo, kiếm tiền ở bên ngoài bằng chính nhân vật trong phim?
- Việc các nghệ sĩ có thể có thêm thu nhập từ quảng cáo sau mỗi bộ phim, đối với chúng tôi là điều đáng mừng. Tất nhiên việc lạm dụng, sử dụng hình ảnh, nhân vật trong phim từng xảy ra và về nguyên tắc là không được phép vì đã vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên chuyện này không xảy ra với tất cả các nghệ sĩ và cũng có người rất ý thức về vai diễn, hình ảnh của mình để không gây tác động ngược, đánh mất sự cảm tình của khán giả.
Trong trường hợp thấy cần thiết để bảo vệ bản quyền bộ phim, VFC sẽ có ý kiến với nghệ sĩ trên tinh thần hợp tác và tạo điều kiện tốt nhất có thể.
- Có một thực tế là trước khi lên sóng, phim truyền hình bị cắt bỏ, biên tập khá nhiều. Một thành viên trong đoàn làm phim "Thương nhớ ở ai" tiết lộ rằng phim bị cắt cả những cảnh mà ê-kíp phải đầu tư rất nhiều diễn viên quần chúng, trang phục, bối cảnh. Hình như vẫn có rào cản đối với sự sáng tạo, thưa anh?
- Với một sản phẩm truyền hình, cũng như một bài báo trước khi đăng tải, phát hành thì việc biên tập là chuyện rất bình thường. Với nhà sản xuất phim, sản phẩm phát sóng trên truyền hình phải là sản phẩm tốt nhất, phù hợp với đa số người xem nhất.
Đôi khi chính việc biên tập này cũng góp phần làm cho bộ phim trở nên cô đọng, hấp dẫn hơn, tránh được những hạt sạn. Vì vậy, tôi không nghĩ là việc biên tập tạo ra những rào cản cho sự sáng tạo.
Bản thân tôi vừa là người chịu trách nhiệm duyệt nội dung, vừa từng là người sáng tác nên tôi rất đồng cảm với sự sáng tạo của nghệ sĩ, tôi luôn bảo vệ đến cùng những cách làm phim mới, những thể nghiệm. Nhưng nếu việc làm phim chưa cẩn thận, cảnh quay thừa thãi thì tôi cũng cương quyết yêu cầu chỉnh sửa lại để bộ phim đạt chất lượng tốt nhất.
- Phim truyền hình được cho là trở lại trong bối cảnh game show đang bị bão hòa, đặc biệt là game show hài. Game show hài từng phủ sóng giờ vàng đã không còn hấp lực như trước. Theo anh đó có phải là hệ quả của việc game show hài một thời gian dài đã thiếu đầu tư nội dung, nhảm nhí, chọc cười bằng đời tư với những gương mặt cũ?
- Chẳng riêng gì game show, chương trình hài, mà kể cả phim, nếu nội dung cứ na ná, không có gì mới hoặc cũng không có những hình thức thể hiện đặc sắc, chỉ chạy theo xu hướng nhất thời, lạm dụng gương mặt câu khách…thì sẽ không thể hấp dẫn khán giả lâu dài được. Có thể một số nhỏ khán giả dễ dãi chấp nhận, nhưng tôi chắc chắn, số đông sẽ không xem nữa.
- Khi hài đã có thể kiếm tiền trên sóng truyền hình thì các anh lại đóng cửa “Gặp nhau cuối tuần”. Đây có phải là một nghịch cảnh với các anh?
- Chúng tôi dừng lại Gặp nhau cuối tuần khi thấy cần thay đổi để có những “món ăn mới” phục vụ khán giả. Ngoài ra, đó cũng là chiến lược phát triển nội dung của chúng tôi, cần tập trung và đẩy mạnh hoạt động sản xuất phim truyền hình. Tất nhiên, để phục vụ nhu cầu khán giả thích tiếng cười, chúng tôi vẫn duy trì Táo quân, Gala cười...
- Game show hài thịnh hành, Trấn Thành, Trường Giang bị đánh giá là “bán mặt ăn tiền trên sóng truyền hình”. Anh có nghĩ sự ăn khách nào cũng cần tỉnh táo và tiết chế?
- Trấn Thành và Trường Giang đã tiết chế sự xuất hiện hơn nhiều so với trước đây. Tôi ủng hộ những sự thay đổi để mọi thứ hoàn thiện và tốt hơn. Không có nghệ sĩ nào mong muốn sự xuất hiện của mình đem lại sự bực bội cho khán giả.
- Chuyện “bán mặt ăn tiền” của Trấn Thành, Trường Giang, Xuân Bắc… có lên Táo quân?
- Tôi khẳng định là không. Hơn nữa việc họ xuất hiện nhiều là do các chương trình khai thác họ dày đặc, thậm chí cạnh tranh nhau để khai thác. Bản thân họ chỉ là các nghệ sĩ biểu diễn và đang ở thời điểm được khán giả yêu mến, hâm mộ.
Cá nhân tôi thì không đánh giá tiêu cực với 3 gương mặt Trấn Thành, Trường Giang, Xuân Bắc. Họ là những nghệ sĩ có tài, có duyên và ít nghệ sĩ có tố chất sáng tạo được như họ.
- Trong bối cảnh game show hài bão hòa, thiếu chất lượng, Táo quân luôn luôn là chương trình hài được mong đợi nhất trong năm. Với Táo quân 2018, ở thời điểm hiện tại, anh mong muốn hay hy vọng điều gì?
- Táo quân là chương trình khá đặc thù vì cả năm chỉ có đúng một lần thực hiện. Do vậy cho dù là chương trình năm nào, trong bối cảnh nào thì ê-kíp sáng tạo đều cố gắng hết khả năng, mong muốn tạo nên một chương trình hấp dẫn dành cho khán giả.
Bản thân tôi cũng đã chờ đợi cả một năm để cùng với các nghệ sĩ bắt tay vào làm Táo quân. Vì vậy tôi luôn hy vọng khán giả xem chương trình sẽ hài lòng.
- 2017 là một năm nhiều sự vụ, từ câu chuyện BOT, đề xuất cải cách tiếng Việt, câu chuyện đau lòng về bạo lực đối với trẻ em…. Sự dày đặc của những chất liệu xã hội có phải cũng là một áp lực đối với chính anh trong việc làm nên một chương trình với tiếng cười trào phúng, sâu cay?
- Táo quân khi bắt tay vào viết kịch bản đã thấy khó, vừa phải sâu cay, vừa phải tạo được tiếng cười cho khán giả. Cả một năm có biết bao nhiêu vấn đề, cả sự gửi gắm mong đợi của khán giả với những bức xúc về các vấn đề tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội.
Tuy vậy, chúng tôi luôn coi áp lực đó là động lực để có thêm hứng khởi sáng tạo, không vì điều đó mà làm khó mình, hoặc rơi vào cảnh ôm đồm quá nhiều thứ vào trong kịch bản.
- Cá nhân anh, anh ấn tượng hay ám ảnh với sự vụ, câu chuyện nào nhất trong năm 2017?
- Tôi ám ảnh với việc khán giả yêu thích phim Người phán xử đến mức xăm hình ảnh nhân vật ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) lên cơ thể. Đây là một sự ám ảnh về cách khán giả hâm mộ, yêu thích bộ phim rất hiếm khi xảy ra.
- Trấn Thành, Trường Giang đã cộng tác nhiều với các anh ở "Ơn giời Cậu đây rồi". Theo anh, nếu tham gia Táo quân, họ sẽ hợp với một kiểu vai như thế nào?
- Họ sẽ hợp với một vai diễn Táo quân nào đó. Tôi tin nếu có cơ hội làm việc, họ sẽ tạo nên một hình ảnh Táo quân với cách diễn sinh động, đậm màu sắc hài hước phù hợp khán giả phía Nam.
- Táo quân luôn bị áp lực về hình thức thể hiện, làm mới một format cũ là rất khó. Năm nay, anh đã tính toán như thế nào cho việc này?
- Đúng là Táo quân năm nay có những thách thức về dàn dựng để tương xứng dấu mốc 15 năm VTV thực hiện Gặp nhau cuối năm. Chúng tôi đang biên tập kịch bản và rất chú ý đến yếu tố nội dung cũng như cách thể hiện. Việc có thay đổi format hay không, chúng tôi đã từng nghĩ đến từ nhiều năm trước.
Có năm thay đổi nhiều, có năm thay đổi ít. Nhưng sau mỗi chương trình phát sóng, chúng tôi tiến hành khảo sát ý kiến thì đều thấy khán giả mong đợi nhiều nhất ở mảng nội dung các Táo báo cáo vấn đề xảy ra trong năm. Họ thích những cách tiếp cận hài hước, châm biếm sâu cay và cách mà các nghệ sĩ hài nhấn nhá lời thoại kiểu “ý tại ngôn ngoại”.
- Trong dàn Táo quân, sau 10 năm, anh đánh giá diễn viên nào cao nhất, khiến anh hài lòng nhất?
- Với các diễn viên tham gia Táo quân thì không cần tôi phải nhận xét, chắc chắn khán giả đều rất yêu mến họ. Mỗi người một nét diễn, một nhiệm vụ theo kịch bản, cùng nhau tạo nên sự hấp dẫn cho chương trình. Táo quân thành công, được yêu thích nhiều năm nay vì may mắn quy tụ được những nghệ sĩ tài năng, giỏi nghề.
Nếu giả sử chương trình năm nay có vai nào đó chưa hay thì đó là do hạn chế của kịch bản, đạo diễn mà thôi.
- Vốn có thương hiệu với phim truyền hình, chương trình hài nhưng thấy các anh còn làm cả Chào 2018, một chương trình ca nhạc vốn không phải thế mạnh. Sản xuất một chương trình giữa thời bão hòa, làm thế nào để không nhạt và loãng, theo anh?
- Chào - VTV Newyear Concert là chương trình chỉ phát sóng duy nhất một lần trong năm và luôn tạo được dấu ấn khá sâu đậm trong lòng khán giả trong suốt gần 10 năm qua.
Tôi nghĩ là một chương trình nghệ thuật, âm nhạc, trước hết Chào luôn thoả mãn khán giả yêu nhạc khi lựa chọn những ca khúc nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước được nhiều người yêu thích. Hơn nữa, các ca khúc đều được phối khí mới và được thể hiện bởi những giọng ca hàng đầu Việt Nam. Tôi nghĩ không dễ để có một show truyền hình quy tụ được nhiều ca sĩ hàng đầu như vậy.
Chào cũng thoả mãn khán giả về mặt thị giác khi sân khấu luôn hoành tráng, rực rỡ. Và một điều quan trọng hơn cả là Chào không chỉ chương trình ca nhạc, hơn thế, chương trình sử dụng âm nhạc để kể chuyện cho khán giả.
- Quay trở lại với đề tài phim truyền hình, những bộ phim đình đám như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng hay hiện tại là Cả một đời ân oán đều được phóng tác, chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ kịch bản, tiểu thuyết nước ngoài. Anh nghĩ gì về ý kiến cho rằng kịch bản Việt dường như đang yếu và không đủ hấp dẫn với các nhà làm phim?
- Ý kiến này cũng một phần đúng, nhưng đôi khi không phải là kịch bản Việt yếu hoặc không hấp dẫn, mà có thể chỉ chưa đến đúng nhà sản xuất mà thôi.
Với mong muốn có thêm nhiều kịch bản chất lượng và thúc đẩy sự sáng tạo trong việc sáng tác kịch bản phim truyền hình Việt, sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi sáng tác kịch bản truyền hình. Chúng tôi hy vọng nhận được sự cộng tác của các biên kịch, có cơ hội để gặp được những kịch bản chất lượng.
- Có hay không câu chuyện các nhà biên kịch Việt thiếu trải nghiệm thực tế, và do vậy đến câu chuyện nàng dâu - mẹ chồng, vốn chẳng xa lạ ở Việt Nam cũng phải phóng tác từ tiểu thuyết của Trung Quốc?
- Việc viết kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học là chuyện rất phổ biến, là cách sáng tác thông thường. Cho nên tôi không đồng tình với đánh giá trên.
Ngay cả ý kiến cho rằng: cứ mua format kịch bản nước ngoài là sẽ có bộ phim Việt hấp dẫn cũng không chính xác. Nếu hiểu đúng thì đó là một kiểu sáng tạo sản phẩm phái sinh từ bản gốc, muốn không thất bại thì đừng sao chép y nguyên.
- Nhiều bộ phim truyền hình do các anh sản xuất dù rất thành công ở thị trường phía Bắc, nhưng đối tượng khán giả trong Nam tiếp cận lại chưa nhiều. Khi "Người phán xử" lồng tiếng miền Nam như một cách tiếp cận khán giả lại bị chính khán giả miền Nam phản ứng. Anh có những chia sẻ hay lý giải gì về điều này?
- Thực ra với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, lượng khán giả phía Nam xem phim không hề nhỏ. Ở mỗi vùng miền, khán giả có sở thích khác nhau, đôi khi chỉ là thói quen…
Việc lồng nhiều đường tiếng cho một bản phim là hướng mà chúng tôi sẽ làm thời gian tới. Tất nhiên còn tuỳ thuộc nội dung của phim để đảm bảo tính đặc thù văn hoá, gu thưởng thức từng vùng miền.
- Thừa thắng xông lên, được biết các anh đang được đầu tư rất mạnh tay để sản xuất phim truyền hình, khi VTV nhận ra rằng, tiền quảng cáo thu được từ phim hot là rất 'khủng'?
- Nếu mọi việc cứ suôn sẻ như nhận định này thì đối tượng được lợi nhất chính là khán giả, vì họ sẽ được xem những bộ phim Việt chất lượng nhất.
Tôi cũng chẳng thể phàn nàn điều gì nếu chúng tôi cứ làm phim hay, thu hút khán giả và lại tiếp tục được đầu tư để làm phim hay hơn, nhận nhiều lời ngợi khen hơn từ khán giả.
Những phim truyền hình 'gây thương nhớ' nhất năm 2017 | |
Những vai diễn xuất sắc trong phim truyền hình Việt năm 2017 |
Đồ họa: Như Ý