The Jungle Book - Cậu bé rừng xanh
The Jungle Book là phim người đóng được làm lại từ phiên bản hoạt hình của Walt Disney, ngay từ khi ra mắt phim đã khiến người xem sửng sốt vì hình ảnh tinh tế và sống động, đặc biệt hơn, cả bộ phim chỉ có duy nhất một người thật đóng.
Làm lại từ câu chuyện quen thuộc, The Jungle Book xoay quanh một cậu bé bị bỏ rơi trong rừng và sinh sống cũng những loài thú vật, do đó lẽ dĩ nhiên các nhân vật trong phim đều do “phép màu” của công nghệ tạo nên.
Đạo diễn Jon Favraeu chia sẻ với tờ The Hollywood Reporter: “100% cảnh trong phim đều được chúng tôi quay trong phim trường ở Los Angeles rồi xử lý bằng công nghệ vi tính. Cả bộ phim chỉ có Neel Sethi là diễn viên người thật, do cậu bé cũng còn khá nhỏ nên chúng tôi thỉnh thoảng vẫn phải đóng vai động vật để diễn cùng nhằm mang lại cảm xúc cho cậu”.
Ở giai đoạn tiền kì, nhóm làm phim đã đi chụp hơn 10.000 tấm ảnh về các khu rừng ở Ấn Độ nhằm mô phỏng lại, song song đó tại trường quay cũng có các con rối và người đóng thế mặc những bộ quần áo bảo hộ có chấm xanh để hoá làm hơn 70 loài động vật khác nhau. Họ diễn xuất theo công nghệ mô phỏng động tác loài vật, đạo diễn trực tiếp chỉ đạo, êkip âm thanh làm riêng rẽ và dựng phim song song quá trình ghi hình.
Rogue One: A Star Wars Story - Rogue One: Star Wars ngoại truyện
Rogue One là phần ngoại truyện của series phim đình đám Star Wars, nói chính xác hơn, đây là phim dành riêng cho những người hâm mộ siêu phẩm đình đám này.
Kể lại những sự kiện xảy ra giữa hai phần Revenge of the Sith (2005) và A New Hope (1977), Rogue One là lần thứ hai liên tiếp Star Wars cho một nữ nhi lên làm nhân vật chính trên phim (sau Star Wars: The Force Awakens (2015)). Dù nội dung phim bị chê bai nhạt nhoài và thiếu sức thuyết phục, nhưng kỹ xảo trong phim đã phần nào vớt vát lại điểm trừ quá lớn ấy.
Với công nghệ CGI, thành phố giữa sa mạc đầy cát bụi, hành tinh Jedha cho đến thư viện khổng lồ của đế chế tại Scarif đều được tái hiện lại một cách đặc trưng và cực kỳ sinh động. Ấn tượng nhất chính là cảnh những chiến hạm khổng lồ và chiến đấu cơ của hai phe đồng minh và đế chế giao chiến trên không gian giữa cơn mưa laze, đúng chất phim bom tấn khiến cho mọt phim có thể tự thuyết phục, tuy nội dung thiếu muối nhưng ít ra bạn sẽ đỡ phí 2 tiếng “luyện” phim nhờ kỹ xảo quá ấn tượng và cuốn hút.
Arrival - Sứ mệnh ngoại giao
Arrival có lẽ là bộ phim hiếm hoi được đề cử Kỹ xảo hình ảnh mà không sở hữu những cảnh cháy nổ, giao chiến hay sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của nhà ngôn ngữ học Louise Banks nhận lời với quân đội để tìm ra lý do tại sao trái đất lại là điểm đến của những vật thể bay hình nửa hạt đậu không rõ mục đích. Chúng cập bến Trái đất rải rác trên nhiều quốc gia, lãnh thổ khác nhau khiến chính phủ và quân đội các nước lo lắng.
Những kỹ xảo duy nhất của phim chính là hình ảnh người ngoài hành tinh lên phim đầy sống động, hình ảnh tàu con tàu không gian và những vật thể bay kì lạ. Dẫu vậy, Arrival vẫn mang lại cảm giác chân thực, từng thước phim buồn đẹp đẽ logic với nhau khiến cả kỹ xảo lẫn nội dung là một tổng thể hài hoà, khiến Arrival chinh phục cả những khán giả khó tính nhất.
Doctor Strange - Phù thuỷ tối thượng
Cũng như hàng loạt phim bom tấn khác của nhà Marvel, Doctor Strange được giới mộ phim đánh giá như bữa đại tiệc của kỹ xảo và hình ảnh.
Ngay từ cảnh đầu tiên, đạo diễn Scott Derrickson đã phô diễn kỹ thuật bẻ cong hình ảnh. Những ngôi nhà, đồ vật hay thậm chí không gian thời gian đều bị bẻ cong, có hình thù kì lạ khiến người xem như được chìm vào một thế giới đầy ma thuật. Những cuộc giao đấu của các phù thuỷ trong phim, việc vượt qua không gian và thời gian của nhân vật Strange tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.
Nói không ngoa khi Doctor Strange tung ra để chứng tỏ Scott Derrickson đang sở hữu một ekip hậu kì quá “khủng” và quá “nguy hiểm”.
Fantastic Beasts and Where to Find Them - Sinh vật huyền bí
Fantastic Beasts and Where to Find Them là bộ phim mà fans của “Harry Potter” không thể bỏ qua, không chỉ vì phim mang màu sắc phù thuỷ, phép thuật mà còn bởi nội dung và kỹ xảo hình ảnh vừa quen vừa lạ.
Phim lấy bối cảnh năm 1926 tại New York, Mỹ, nơi phù thủy Newt Scamander đang tìm kiếm những sinh vật huyền bí và vô tình vướng vào những âm mưu đen tối trong giới pháp thuật. |
Điểm nhấn hoàn hảo của phim chính là các sinh vật huyền bí đầy sáng tạo và được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ, từ Bowtuckle - quái thú có dạng cành cây bé tí đến Thunderbird - con quái thú hình chim đại bàng có thể tạo ra sấm sét, khiến người xem vừa ngạc nhiên lẫn háo hức vì hình ảnh quá ư sống động và đầy tính kì bí, ảo diệu.
Warcraft - Đại chiến hai thế giới
Mặc dù bị chê là “bom xịt” của năm 2016 nhưng Warcraft cũng phần nào cứu vãn lại danh dự cho hãng Universal khi sở hữu những hình ảnh kỹ xảo mãn nhãn nhất năm.
Mô tả lại cuộc chiến giữa chủng tộc người và yêu quái dựa trên trò chơi cùng tên, Warcraft phải giải nhiều bài toán khó, trong đó có hình ảnh yêu quái, bối cảnh phim và cử động của các nhân vật. |
Để giải quyết điều này, đạo diễn Duncan Jones đã phải sử dụng đến công nghệ Motion Capture, dù công nghệ này đã từng áp dụng ở nhiều phim như Avatar nhưng với Warcraft, nhà làm phim đã đem nó lên một đẳng cấp mới với việc kết hợp cùng công nghệ CGI khiến cho biểu cảm của quái vật trên phim ấn tượng không kém gì đang quay người thật.
The BFG - Chuyện chưa kể ở xứ sở khổng lồ
Lại thêm một phim khiến ban giám khảo Oscar 2017 phải đau đầu khi lựa chọn Phim có hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất. The BFG dù bị đánh giá "thiếu muối" nhưng lại là phim có kỹ xảo hình ảnh không hề thua kém bất cứ bom tấn nào.
Bộ phim là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa live - action và công nghệ kỹ thuật số hiện đại performance capture, toàn bộ bối cảnh được gói gọn trong nhà kho rộng đến 3000m2 đủ để các nhà làm phim chăm chút cho từng khung hình và tạo nên một sứ sở khổng lồ đầy ấn tượng trên phim.
Deadpool - Quái nhân Deadpool
Với Deadpool, đạo diễn Tim Miller và hãng 20th Century Fox đã sử dụng tới 1200 cảnh quay có hiệu ứng đặc biệt, đa số sử dụng công nghệ CGI. Đặc biệt hơn, không chỉ ở các cảnh chiến đấu của siêu anh hùng mà ngay cả những hình ảnh hết sức đơn giản cũng được hậu kì bằng CGI, nhằm đem lại cảm giác thật và mãn nhãn nhất.
Để có thể đưa Deadpool trở thành một trong những phim dẫn đầu về kỹ xảo, nhà sản xuất đã rất chịu chơi khi mời tới 6 nhóm làm phim để đảm bảo từng phân cảnh được đầu tư tốt nhất, chẳng hạn như nhóm Luma Pictures thì phụ trách phân đoạn trận đánh giữa Deadpool và Ajax/Francis; Digital Domain xử lý nhân vật CGI Colossus…
Passengers - Người du hành
Passengers là tác phẩm khoa học viễn tưởng do đạo diễn Morten Tyldum thực hiện với sự góp mặt của hai ngôi sao Jennifer Lawrence và Chris Pratt. Bộ phim được đánh giá như Titanic giữa dải ngân hà này không chỉ nó nội dung hấp dẫn mà hiệu ứng hình ảnh cũng được mọt phim khen ngợi hết lời.
Bối cảnh quen thuộc ngoài không gian u tối và cô độc lại càng thêm phần đơn côi và khiến con người trở nên vô cùng nhỏ bé nhờ các kỹ xảo hình ảnh mặt trời to lớn, các dải ngân hà xa xôi hay bản thân con tàu to lớn đầy choáng ngợp. Những hình ảnh cháy nổ, va chạm cũng được đội ngũ hậu kì của Passengers xử lý vô cùng tinh tế. Chính nội dung hấp dẫn, hiệu ứng hình ảnh ăn khớp mà Passengers đã bất ngờ lọt vào danh mục đề cử: Phim có hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất của Oscar 2017.
Kubo and the Two Strings - Kubo và sứ mệnh samurai
Hãng làm phim độc lập Laika đang gây nhiều bất ngờ cho mùa Oscar năm nay khi sở hữu nhiều đề cử quan trọng. Ngoài đề cử Phim hoạt hình xuất sắc nhất, hãng phim này còn đang nhăm nhe chiếm luôn giải Hiệu ứng hình ảnh nhờ kỹ thuật làm phim hoạt hình Stop - Motion của mình.
Kubo and the Two Strings được thực hiện ròng rã trong suốt 5 năm trời nên không lạ khi nhà sản xuất có thể đưa bộ phim lên một tầm cao mới cũng như chăm chút tinh tế cho từng chi tiết. Mỗi giây của phim cũng có thể tiêu tốn hàng tuần liền của ekip, trong đó nhiều cảnh khó như bộ xương khổng lồ, mái tóc của Kubo cũng khiến nhóm vất vả làm trong gần 6 tháng. Tuy vậy, với thành quả đạt được, hãng Laika hoàn toàn có thể hy vọng sẽ gặt hái được thành công lớn tại giải thưởng danh giá nhất hành tinh - Oscar 2017.