Rơm rớm nước mắt vì xúc động, chuyên gia bóng đá Đặng Gia Mẫn - học sinh cũ của PGS Văn Như Cương - kể về câu chuyện "đã tua đi tua lại" hàng trăm lần trong tâm trí, như một cuốn phim chậm, chảy ngược về quá khứ 21 năm.
Cựu giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (từ 1996 đến 2007) bảo chuyện từng là kỷ niệm đẹp, bây giờ hóa nén hương để học trò thành kính dâng lên người thầy lớn.
Mùa thu năm 1996, tôi rời bóng đá, quay lại nghề dạy học. Vì là học trò cũ của thầy Văn Như Cương, tôi được nhận vào trường Lương Thế Vinh dạy Toán.
Khi tôi và thầy đang trò chuyện ở cửa văn phòng tuyển sinh, gần đó có một phụ nữ ngồi lặng lẽ, thấm những giọt nước mắt.
Thầy quay lại hỏi: “Có chuyện gì thế, sao cô lại ngồi khóc ở đây?”.
Người phụ nữ kia từ nãy đến giờ không đủ tự tin để gặp mặt, khi thầy hỏi, lại càng tủi thân nức nở, mãi sau mới nói câu được câu chăng:
- Thầy ơi, nhà em là bộ đội ở xa, em không kèm được con, cháu thi vào Lương Thế Vinh lớp 6 thiếu nửa điểm thầy ạ.
Ông Đặng Gia Mẫn xúc động chia sẻ về thầy giáo của mình - PGS Văn Như Cương. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Vài chục giây im lặng trôi qua, thầy quay ra nói với tôi: “Thầy Mẫn ơi, trường hợp này cũng nhạy cảm như trong bóng đá ấy nhỉ, có thể việt vị, có thể không”.
Rồi thầy quay vào nói với con gái trưởng Văn Liên Na đang làm tuyển sinh tại trường:
- Cô Na ơi, duyệt cho trường hợp này nhé, có ai thắc mắc gì thì bảo ưu tiên con bộ đội.
Nhà báo Đặng Gia Mẫn là giáo viên dạy Toán trường THCS - THPT Lương Thế Vinh 11 năm (từ 1996-2007).
Trước đó, ông Mẫn là học trò của thầy Văn Như Cương khi học phổ thông và bậc đại học.
Đã 16 năm trôi qua, cô bé hay cậu bé ngày xưa ấy chắc đã tốt nghiệp đại học. Một người lớn lên bằng tình yêu thương của mẹ, được học trong môi trường giàu lòng nhân ái, đó chính là hạnh phúc.
Người thầy đó đã rung động trước nỗi đau nhỏ nhoi nơi hành lang vắng vẻ. Nếu cứ mải mê những câu chuyện với học trò mà bước về phía trước, thầy đã không dừng lại để đồng cảm với nỗi buồn, sự tủi thân của người mẹ năm xưa. Câu chuyện về sự “đặc cách” vừa nhân hậu vừa quyết đoán đó thật đẹp.
Sau này, mỗi năm có hàng nghìn hồ sơ nộp vào trường Lương Thế Vinh đạt điểm 10 tuyệt đối, thầy tôi lại hoảng hốt vì học sinh quá giỏi. Có những phụ huynh mua giấy khen để được cộng điểm cho con, người khác dùng tiền để “lót tay” một suất học. Thầy mang những câu chuyện xấu đó ra để lên án.
Giữa tốt và xấu, giữa thật và giả, thầy Cương luôn phân định rạch ròi. Thầy đề cao sự trung thực, bao dung, dạy học sinh trở thành người tử tế.
Ngay từ khi vào lớp 10 chuyên Toán của Bộ GD&ĐT triển khai ở ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An), tôi đã may mắn được học PGS Văn Như Cương. Tiết học đầu tiên trên giảng đường đại học, thầy dạy bài học về vec-tơ.
Bấy giờ, thầy Cương đưa tay kẻ hình tròn không cần compa. Hai tay ông vẽ hai đường tròn vẫn đẹp, hiếm ai làm được. Thầy ra một bài toán tổng hợp khó, trong khi cả lớp vẫn đang đau đầu thì có trống hết giờ. Thầy xin cả lớp nửa phút và có lời giải khiến mọi người bất ngờ ồ lên thích thú.
Thầy giáo 80 tuổi đã trở thành người truyền lửa cho nhiều thế hệ bởi sự ham học, ý chí vươn lên, nghị lực sống. Ảnh: Phượng Nguyễn. |
Lên đại học, tôi tiếp tục được học thầy. Những ai không được học PGS Văn Như Cương là thiệt thòi lớn. Sinh viên ngày ấy đều chờ đợi những bài giảng như chờ món quà mỗi ngày để nghe giọng xứ Nghệ ấm áp, bài thơ hay và những ca khúc của nước Nga vĩ đại.
Mối duyên với trường Lương Thế Vinh còn tiếp tục khi năm 1996 tôi được nhận vào dạy Toán, thời gian này kéo dài 11 năm.
Những ngày trước khi thầy mất, có luồng tranh luận về đường hướng giáo dục của thầy nghiêm khắc. Cá nhân tôi cho rằng một phụ huynh viết thư tố cáo không thể đại diện cho hàng nghìn cha mẹ từng có con theo học trường Lương Thế Vinh được.
Tôi ủng hộ sự nghiêm khắc, điều này không chỉ cần thiết trong nhà trường mà còn ở gia đình và xã hội.
Học sinh bây giờ được tiếp xúc nhiều nguồn thông tin nên việc dạy bảo phức tạp hơn. Cha mẹ hiện đại cũng ngày càng chiều chuộng con hơn. Vì thế, việc kỷ luật nghiêm trong nhà trường có lẽ là điều cần thiết.
Ngôi trường Lương Thế Vinh mà tôi từng làm việc có sự nghiêm khắc để mỗi người không vượt quá giới hạn nhưng vẫn tự do về sáng tạo, yêu thương và bao dung, nhân ái.
Trong ký ức của của tôi, thầy Văn Như Cương để lại di sản giáo dục khi thành lập trường phổ thông dân lập đầu tiên của cả nước sau thời kỳ đổi mới.
Trường Lương Thế Vinh từng có thời gian phải vay tiền ngân hàng, thuê nhiều địa điểm như kho đựng hàng, cơ sở sản xuất để làm lớp học trước khi có hai cơ sở khang trang như hôm nay.
PGS Văn Như Cương tự nhận mình như... học trò của các em. Ảnh: Phượng Nguyễn. |
Về quan điểm giáo dục, nếu thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội - thành công với mô hình trường chuyên chất lượng cao, thì Lương Thế Vinh chung thành với hướng đi phục vụ số đông người dân có thu nhập trung bình.
Đặc biệt, thầy Cương đã nghĩ ra cơ chế hoạt động tốt, đó là cách giáo dục toàn diện, không máy móc, ưu tiên sáng tạo. Thầy thiết kế chương trình học vừa đảm bảo đúng nội dung theo quy định của Bộ GD&ĐT, vừa bổ sung kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa để học trò trở thành con người toàn diện hơn.
Từ đó, khi nhìn từng thế hệ học trò ra trường và thành đạt, thầy tôi hạnh phúc, mãn nguyện.
Trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra trường của niên khóa 1994-1997 mới đây, thầy Cương nói: “Thế là đã 20 năm, giờ gặp lại, các em đều đã trưởng thành xinh đẹp và năng nổ. Tôi cũng như các giáo viên tự hào vì có lứa học sinh như thế này. Thực ra, các em cứ gọi tôi là thầy xưng em, nhưng năm nay tôi đã 80, xét ra còn là học trò của các em ấy chứ.
Nhiều em ở đây xứng đáng là thầy của tôi. Người già bây giờ chậm lắm, bộ não suy nghĩ nhiều nên để nảy ra một sáng kiến như lứa tuổi thanh niên là khó. Tiếp xúc với các em, tôi thấy thật năng động, đó là vốn quý của xã hội”.
Giáo dục 09:02 | 12/10/2017
Giáo dục 02:31 | 12/10/2017
Giáo dục 23:31 | 11/10/2017
Giáo dục 07:59 | 11/10/2017
Giáo dục 23:56 | 10/10/2017
Giáo dục 10:00 | 10/10/2017
Giáo dục 08:28 | 10/10/2017
Giáo dục 05:24 | 10/10/2017