PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Phát hành trái phiếu tại Việt Nam gần như đang khó nhất khu vực

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với Nghị định 65, phát hành TPDN của Việt Nam gần như khó nhất trong khu vực, buộc doanh nghiệp nâng tầm phát triển gần với doanh nghiệp niêm yết. Kéo dài hiệu lực Nghị định 08 là điều nên cân nhắc lúc này.

Ảnh minh họa: Hạ Vũ. 

2024 được dự báo tiếp tục là một năm còn nhiều khó khăn với ngành bất động sản. Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu cấp thiết lúc này là khơi thông dòng vốn cho thị trường. 

Nhận định về kênh huy động vốn từ trái phiếu cho địa ốc tại tọa đàm do VARS tổ chức ngày 5/1/2024, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Doanh nghiệp mong muốn phát hành được trái phiếu để trả nợ, có vốn để xoay vòng đầu tư,... Tuy nhiên lúc này, muốn huy động được vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì phải thực hiện theo Nghị định 65, phải có đáp ứng các điều kiện đặt ra trong chính sách. 

Thực tế mà nói, với Nghị định 65, việc phát hành TPDN riêng lẻ của chúng ta có lẽ gần như ở mức khó nhất trong khu vực. Chính sách rất an toàn cho cả người phát hành lẫn nhà đầu tư. Song, điều này cũng buộc các doanh nghiệp phát hành phải tự nâng mình lên rất cao để đáp ứng các điều kiện (gần tiệm cận với doanh nghiệp niêm yết). 

Trong điều kiện của Việt Nam hiện giờ, tôi cho rằng chưa đến mức độ phải chặt chẽ như vậy. Trước mắt nên tiếp tục kéo dài Nghị định 08 thêm một thời gian để từ đó, các doanh nghiệp có điều kiện thích ứng với chính sách và thị trường, có điều kiện phát hành trái phiếu để tiếp tục quay vòng dòng vốn. 

Nhìn sang Singapore, họ đâu đòi hỏi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm. Thay vào đó thì họ khuyến khích; doanh nghiệp nào có xếp hạng tín nhiệm thì sẽ được nhà nước hỗ trợ 1 khoản để giảm thiểu chi phí, đồng thời hỗ trợ điều kiện lãi suất tốt hơn khi phát hành TPDN riêng lẻ. 

Nên chăng chúng ta cân nhắc, suy nghĩ thêm về vấn đề không bắt buộc với các doanh nghiệp Việt Nam?

Tất nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải có sự nỗ lực, tiến hành tái cấu trúc để có thể phát hành trái phiếu. Phát hành được là một chuyện nhưng sau đó, nhà đầu tư trên thị trường có mua hay không còn phụ thuộc vào niềm tin của họ với doanh nghiệp. Chính bản thân doanh nghiệp phải là người tự củng cố và cải thiện yếu tố này.  

Một mặt, chủ đầu tư dự án cần chấp hành quy định, cố gắng đáp ứng điều kiện, cơ chế đề ra. Mặt khác, chính doanh nghiệp cũng có quyền phản hồi với các cơ quan làm luật để chính sách được điều chỉnh phù hợp".

Ước tính giá trị TPDN đáo hạn năm 2024 cao nhất trong giai đoạn 2019 - 2025 (Nguồn: Fiin, YSVN). 

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng xét về dài hạn, con đường hướng đến vẫn là đáp ứng các thông lệ của thị trường tài chính nói chung một cách chuẩn chỉnh. Vậy nhưng trước mắt, trong năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn hiện hữu.  

Theo số liệu báo cáo từ Chứng khoán Yuanta, áp lực trái phiếu đến hạn vẫn còn nặng. Cụ thể, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2023 vào khoảng 57.000 tỷ, đã trừ các khoản mua lại, trong đó bất động sản chiếm khoảng 47%.

Trong năm 2024, lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn với hơn 297.000 tỷ đồng trái phiếu tới hạn. Trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 123.000 tỷ đồng trái phiếu tới hạn, tiếp đến là ngân hàng với gần 80.000 tỷ đồng, nhóm xây dựng và vật liệu 22.000 tỷ đồng.

Sang năm 2025, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ hạ nhiệt với khoảng 270.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ thấp so với năm 2024 và vẫn cao hơn đáng kể so với những năm trước đó. 

Khoảng 123.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm nay (Nguồn: Fiin, YSVN).  

Trên cơ sở đó, vị chuyên gia kiến nghị: "Để doanh nghiệp có thêm thời gian đáp ứng cũng như thực hiện chuyển đổi dần trong cách thức phát hành TPDN, có thể tiếp tục kéo dài một số điều khoản của Nghị định 08. Mặt khác, trên tinh thần tránh rủi ro, tạo thói quen ỷ lại thì cách làm chính sách vẫn cần có độ mở để giải quyết khó khăn, nhưng cũng cần tạo áp lực ít nhiều để doanh nghiệp tự cải thiện chính mình".

Trước đó, TS Cấn Văn Lực từng nhận định tại tọa đàm do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức hồi tháng 12/2023, thị trường tài chính có tính liên thông với thị trường bất động sản, nên Nghị định 08 tháo gỡ song song cho cả kênh tín dụng lẫn địa ốc.  Đây là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu.

Đồng thời, Nghị định 08 còn cho hoán đổi tiền hàng, tức cho phép hoán đổi trái phiếu sang bất động sản hoặc tài sản khác - điều chưa từng có. Đây là quy định quan trọng giúp tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho thị trường bất động sản.

chọn
Cận cảnh cầu vượt đường sắt nối nút giao Liêm Tuyền - QL1A ở Phủ Lý, Hà Nam đang xây dựng
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam kết nối đường Lê Duẩn với QL 1A và cầu Châu Sơn ở TP Phủ Lý, Hà Nam nhằm loại bỏ xung đột giao thông giữa đường sắt quốc gia với đường bộ.