Nghị định 08 'gỡ khó' cho bài toán 119.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đến hạn

Nghị định số 08 được đánh giá sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn trong năm nay.

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 “Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”. 

Theo tính toán của các đơn vị, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong hai năm 2023 - 2024 khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó năm 2023 có khoảng 119.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường yếu, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định Nghị định số 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm nay.

Theo Hiệp hội, Nghị định số 08 là căn cứ pháp luật để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá hai năm hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ thiểu số.

“Trước hết là tạo điều kiện và cơ hội để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục làm ra tiền để trả nợ trái chủ. Đồng thời trái chủ cũng thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ trong lúc khó khăn”, Hiệp hội nhận định.

Bên cạnh đó, Nghị định số 08 quyết định ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. HoREA đánh giá đây là quyết định rất cần thiết góp phần củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ được vướng mắc, ách tắc cả về đầu vào và đầu ra của thị trường trái phiếu.

Doanh nghiệp cần nỗ lực tái cơ cấu sản phẩm

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP chỉ quy định ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với ba quy định nêu trên, do đó HoREA cho rằng doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu sản phẩm.

Theo đó, tập trung phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền.

“Doanh nghiệp cần tích cực tham gia Chương trình phát triển một triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, đi đôi với việc thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay”, HoREA cho rằng doanh nghiệp cần tồn tại trước đã rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc góp phần tạo được việc làm, phát triển bất động sản, phát triển đô thị bền vững tại các địa phương, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.