TS.BS Bùi Minh Trạng (Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cho biết, kết quả thanh tra của Sở Y tế với 160 PKĐK trên địa bàn, có 88 PK chỉ đạt mức chất lượng trung bình và kém, 39 PK đạt chất lượng trung bình khá, 31 PK đạt mức khá và chỉ 4 PK đạt mức chất lượng tốt. Các lỗi vi phạm trong quá trình hoạt động của các PK này gồm:
Kê đơn thuốc bằng tiếng Trung Quốc mà không có phần dịch ra tiếng Việt của người phiên dịch; Không lập hồ sơ bệnh án cho người bệnh; Thực hiện kỹ thuật điều trị không theo phác đồ điều trị, không đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế; Thực hiện kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chưa được Sở Y tế phê duyệt cho phép…
Ông Trạng đặt câu hỏi tại sao trong số gần 250 PKĐK trên địa bàn thành phố, người bệnh chỉ tố cáo, khiếu nại các PK có yếu tố nước ngoài? Đến nỗi Thanh tra Sở Y tế đành phải xếp các PK này vào nhóm “có nguy cơ vi phạm cao”.
Ngoài ra, các “chiêu trò” của các PK vi phạm đã quá quen thuộc khiến các cán bộ Thanh tra còn thuộc lòng. Nhiều bệnh nhân phản ánh việc khi đến các phòng khám này, người tư vấn, chỉ định họ thực hiện các xét nghiệm, siêu âm chính là nhân viên tiếp tân của PK, hoàn toàn không có chuyên môn nghiệp vụ.
Thậm chí, có người bệnh đã chọn gói dịch vụ đắt tiền nhất mà vẫn bị "dính" bẫy chiêu moi tiền của PK. Thế nhưng, phía PK lại cho rằng có BS thăm khám, chẩn đoán đàng hoàng, các “gói dịch vụ” được đưa ra với nhiều mức giá chênh lệch nhau và theo đó bệnh nhân lựa chọn.
Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh mời các chủ phòng khám có yếu tố nước ngoài lên làm việc.
Tại buổi họp với chủ các PKĐK, ông Trạng cũng nêu thực trạng đã xảy ra tại các PK bị phản ánh, trong quá trình thực hiện các tiểu phẫu, người bệnh liên tiếp được thông báo mắc thêm nhiều triệu chứng bệnh nguy hiểm khác, cần phải chữa trị ngay, càng nhiều triệu chứng bệnh đồng nghĩa với việc số tiền càng tăng lên, có khi người bệnh phải trả đến 70-80 triệu đồng. Có những sinh viên trong túi chỉ có 1 triệu đồng nhưng lại phải nợ PK đến chục triệu khi thực hiện những chỉ định của BS ở những nơi này.
Thanh tra Sở Y tế sẽ xử lí nghiêm những trường hợp BS chẩn đoán “sót bệnh”, "vẽ bệnh" và moi tiền ở các PKĐK có yếu tố nước ngoài, xem xét trình độ chuyên môn của các BS tại đây, nếu tiếp tục vi phạm, Thanh tra Sở sẽ rút giấy phép hành nghề của chủ cơ sở.
Ông Trạng cũng đặt vấn đề nghi vấn liệu có hay không tình trạng cho thuê giấy phép hành nghề để đứng tên phòng khám, đến khi “có chuyện” thì phủi tay và nói vô can. Đây chỉ là cái cớ biện minh cho việc làm sai và chứng tỏ sự vô trách nhiệm của người đứng đầu các PK về chuyên môn.
Ngoài ra, trong vấn đề danh mục chuyên môn kỹ thuật của phòng khám, Sở cấp phép cho các PK thực hiện một số những danh mục kỹ thuật và trong giấy phép hành nghề, hồ sơ xin hoạt động cũng đã qui định, BS nào trong phòng khám được phép thực hiện những chỉ định đó. Thế nhưng, tại các phòng khám tình trạng làm quá chuyên môn cho phép xuất hiện tràn lan.
Vì vậy, Thanh tra Sở Y tế đã có đề xuất lên trên, thời gian tới sẽ hạn chế một số danh mục kỹ thuật “nhạy cảm” bị người bệnh khiếu nại nhiều ở các phòng khám, ngoài ra sẽ siết chặt quản lý chuyên môn của các BS tại những nơi này.
Về giá khám chữa bệnh, hiện tại Sở đã cho phép các phòng khám tự niêm yết về chi phí, nhưng số tiền này phải được công khai cho bệnh nhân biết, hóa đơn phải ghi chi tiết chi cho khoản nào, bao nhiêu tiền.
Theo kết quả thanh tra của Sở, các phòng khám có yếu tố nước ngoài đạt mức chất lượng kém bao gồm: PKĐK thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Ba Tháng Hai, PKĐK thuộc Công ty TNHH MTV DVYT Nguyễn Trãi, PKĐK thuộc Công ty TNHH MTV DVYT Phú Khang, PKĐK thuộc Công ty TNHH phòng khám đa khoa Elizabet, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Đại Đông, Công ty TNHH Dịch vụ Y tế MAYO, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Hồng Phong, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Hoàn Cầu... |
Chuyện lạ: Gây thiệt hại 6 triệu là 'nguy hiểm', còn xâm hại trẻ em thì... không
Tại Nghệ An, một vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản, với thiệt hại trên 6 triệu đồng, được tòa án đánh giá ... |