Phiên đấu giá đất Hoài Đức kết thúc sau 9 tiếng: Lô trúng cao nhất 15 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần giá khởi điểm

Sau phiên đấu giá đất kéo dài 9 tiếng, nhiều thửa đất tại huyện Hoài Đức đã tìm chủ thành công, lô có giá trúng cao nhất là 15 tỷ đồng, tương đương hơn 103 triệu đồng/m2.

Một góc khu đấu giá đất tại xã Tiền Yên - Xứ đồng Lòng Khúc. (Ảnh: Di Anh).

Kéo dài khoảng 9 tiếng, phiên đấu giá 20 thửa đất ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng và mới kết thúc lúc 17 giờ chiều, sau 12 vòng đấu giá. Được biết các thửa này thuộc lô LK01 và LK02, thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Tiền Yên - Xứ đồng Lòng Khúc.

Mỗi thửa đất có diện tích từ 89 - 145 m2, giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Người đăng ký tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước từ 130,8 - 212,6 triệu đồng/thửa (tức 20% giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).

Theo ghi nhận của người viết, kết thúc phiên đấu giá, những nhà đầu tư ra về cho biết giá trúng cao nhất được ghi nhận ở mức 103,3 triệu đồng/m2, thuộc về thửa thửa đất ký hiệu LK02-01, diện tích 145,6 m2. Đây cũng là thửa rộng nhất trong số 20 thửa, nằm ở vị trí góc. Như vậy, giá trúng cả thửa này ở mức hơn 15 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần so với giá khởi điểm.

Giá trúng thấp nhất được ghi nhận ở mức gần 85,3 triệu đồng/m2, gấp gần 12 lần giá khởi điểm.

Quang cảnh tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức ngày 4/11. (Ảnh: Di Anh).  

Đánh giá về con số 103,3 triệu đồng/m2, nhà đầu tư X. cho rằng, mức giá trúng này đối với thửa đất ở vị trí góc là vẫn "chấp nhận được".

"Phiên hôm nay tôi thấy không đông người bằng đợt trước. Nhiều thửa đất có giá trúng ở mức trên 90 triệu đồng/m2 là đã "mềm" hơn so với phiên đấu hồi tháng 8. Phiên đó có giá trúng cao nhất hơn 133 triệu đồng/m2, tôi ở lại đến tận 11 giờ đêm mà vẫn chưa đấu xong nên đi về trước", chị X. nói. 

Ông Đ.C.S ra về lúc gần 16 giờ 30 chiều và cho biết bản thân trúng đấu giá 2 thửa đất với giá 91,3 triệu đồng/m2. Mức giá này gấp khoảng 12,5 lần so với giá khởi điểm.

Chia sẻ với người viết sau khi bước ra khỏi phòng đấu giá, một nhà đầu tư ở Phú Thọ không khỏi tiếc nuối: "Nhà tôi bốc thăm 3 lần xịt cả 3. Mười mấy người bốc cùng, mình không trúng lô nào". Người này cho biết nhóm của mình tham gia đấu hết 20 thửa đất.  

Nhà đầu tư ở Phú Thọ tới tham gia phiên đấu giá đất của huyện Hoài Đức. (Ảnh: Di Anh).

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), dù đã được cơ quan chức năng vào cuộc nhưng cuối cùng, diễn biến những phiên đấu giá vẫn không có gì thay đổi. Thậm chí, giá đất đấu giá còn tiếp tục tăng cao. VARS chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.   

Thứ nhất, mức giá khởi điểm vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá thị trường, được tính bằng hệ số K nhân với bảng giá đất của thành phố. Địa phương vẫn đang căn cứ vào bảng giá đất cũ từ năm 2020, có hiệu lực tới ngày 31/12/2025. Do đó, mức giá khởi điểm sẽ chỉ thay đổi khi Hà Nội ban hành bảng giá đất mới. 

Thứ hai, giá đất tại các phiên đấu giá tiếp tục tăng cao bởi nhu cầu về bất động sản, nhất là các sản phẩm đảm bảo về pháp lý, có tiềm năng tăng trưởng rõ ràng như đất đấu giá rất lớn. Thực tế, tiềm năng phát triển đô thị cùng với sự phát triển hạ tầng tạo tại những khu vực như Hoài Đức, Hà Đông tạo kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao để sở hữu các sản phẩm có số lượng không nhiều này, dù mức giá ấy có thể vượt xa giá trị thực tế của lô đất. Ngoài ra, với kỳ vọng rằng đất đai sẽ tiếp tục tăng giá trong tương lai, những người mua có thể chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều so với định giá thông thường.

Nhà đầu tư ra về sau khi kết thúc phiên đấu giá. (Ảnh: Di Anh).

Thứ ba, VARS cho rằng nguyên nhân khiến mức giá đấu trúng tăng cao còn do các hành vi trả giá cao hơn rồi bỏ tiền đặt cọc. Thậm chí sẵn sàng bất chấp rủi ro, hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá để hợp thức hóa mức giá trúng với mục đích thổi giá, tạo mặt bằng giá ảo làm căn cứ đẩy giá các lô đất liên quan nhằm trục lợi.

"Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, nhưng hành động này chủ yếu nhằm đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp của quá trình đấu giá, khó có thể can thiệp vào mức giá thị trường.

Bởi trong nền kinh tế thị trường, các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi.

Việc quy chụp các hành vi này là đầu cơ, thổi giá hiện nay cũng đều xuất phát từ cảm tính, Việt Nam chưa có văn bản luật nào xác định hành vi này để làm căn cứ xử lý", VARS nhận định. 

Trao đổi với người viết, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes cho rằng, trong khoảng thời gian trước đã xảy ra nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản.

Vì vậy mà bây giờ, nhiều khách hàng đặt tiêu chí ưu tiên hơn về tính đảm bảo pháp lý của sản phẩm. Cứ thấy đất sạch, có sổ đỏ, được tổ chức đấu giá là người dân tìm đến, dù giá có thể nhỉnh hơn. Đây là một trong những lý do khiến giá bị đẩy lên. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.