Phim sitcom (situation comedy - hài tình huống) đang rầm rộ trở lại và được xem như giải pháp giúp phim truyền hình Việt vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Dù nở rộ về số lượng nhưng về mặt chất lượng, thể loại phim này vẫn chưa tạo được đột phá vì yếu ngay từ khâu kịch bản.
Nhiều quá hóa nhàm
Hiện tại, trên kênh truyền hình HTV7, một ngày có đến 3 phim sitcom được phát sóng: "Vợ chúa chồng tôi", "Gia đình là số 1", "Tiệm tóc tình yêu". VTV 3 có "Sắc màu phái đẹp", "Phụ nữ là số 1", "Gia đình vui nhộn"… Nhiều phim sitcom khác cũng đã và đang được sản xuất, chuẩn bị lên sóng.
Khác với kịch truyền hình "Trong nhà ngoài phố", sitcom là phim có tình huống ứng xử gây hài giữa các nhân vật trong bối cảnh nhất định. Mỗi tập phim chỉ gói gọn trong 25-30 phút nhưng phải bảo đảm tình huống ấn tượng khiến khán giả bật cười. Dạng phim này thường kéo dài hàng chục, hàng trăm tập, gây đình đám trên thế giới từ lâu.
Sitcom "Gia đình vui nhộn" từng gây chú ý trên sóng truyền hình HTV. |
Hơn 10 năm trước, cùng làn sóng phim Hàn Quốc, sitcom vào Việt Nam với hình thức Việt hóa. Phim sitcom mở đầu là "Lẵng hoa tình yêu" với sự hợp tác sản xuất Việt - Hàn. Sau đó, một loạt phim khác: "Bà mẹ nhí", "Nhật ký Vàng Anh", "Những người độc thân vui vẻ", "Cô gái xấu xí"... được Việt hóa từ các sitcom danh tiếng nước ngoài. Nhà sản xuất Việt nắm bắt tình hình nhanh chóng, đổ xô làm phim sitcom nhưng theo cách "cây nhà lá vườn", tự viết kịch bản, tự sắp xếp ê-kíp quay dựng.
Theo người trong giới, biên kịch Việt và cả đạo diễn thời điểm đó không nhiều người am tường về sitcom. Họ chọn cách làm một phim truyền hình dài rồi cắt dựng lại thành từng tập ngắn phát sóng như sitcom. Đây là giải pháp tình thế, vừa phù hợp với xu hướng vừa có được tác phẩm không bị đánh giá "nhảm".
Nhiều ê-kíp trẻ nắm bắt được xu thế và hứng thú với phim sitcom nên cho ra sản phẩm tạo được sự chú ý đối với khán giả trẻ: "Bộ tứ 10A8", "Những phóng viên vui nhộn", "Tiệm bánh hoàng tử bé"...
Sau giai đoạn bùng nổ, sitcom bão hòa, chỉ phổ biến trên YouTube với đội ngũ làm phim rất trẻ. Từ cuối năm 2016 đến nay, dòng phim này nở rộ trở lại vì thực trạng khó khăn của thị trường phim truyền hình. Hàng loạt phim sitcom đã và đang được phát sóng: "Sắc màu phái đẹp", "Phụ nữ là số 1", "Xóm trọ vui nhộn", "Chuyện gì đang xảy ra", "Nè biết gì chưa?", "Gia đình vui nhộn", "Gia đình là số 1", "Vợ chúa chồng tôi", "Tiệm tóc tình yêu"...
"Nhiều người chọn sitcom vì thể loại này tiết kiệm chi phí hơn so với phim truyền hình dài tập; làm nhanh, chủ yếu khai thác các tình huống thú vị trong gia đình; khán giả dễ xem, dễ cảm nên hy vọng lượng khán giả cao hơn" - bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc sản xuất Hãng M.T.Pictures, giải thích. Tuy nhiên, theo bà, do các nhà sản xuất đổ xô sang thể loại này, bùng nổ cùng một thời điểm nên dẫn đến cạn kiệt kịch bản.
"Nguồn kịch bản thiếu hụt nên hiện nay, đề tài sitcom cứ lòng vòng giống nhau, không có cái mới, khiến khán giả thấy nhàm chán và người làm phim cũng chán không kém" - đạo diễn Chu Thiện nêu thực trạng.
Nan giải kịch bản
Với người trong giới, kịch bản luôn là vấn đề nan giải ở cả điện ảnh lẫn truyền hình đủ mọi thể loại. Cũng vì thiếu kịch bản hay, nhiều nhà sản xuất chọn giải pháp mua bản quyền các sitcom ngoại về Việt hóa.
Tuy nhiên, đến nay, những phiên bản sitcom do Việt Nam sản xuất chưa có phim nào vượt được tác phẩm gốc. Một số phim: "Bà mẹ nhí", "Nhật ký Vàng Anh", "Cô gái xấu xí" và sau này là "Dù gió có thổi" dù tạo được chú ý nhưng chưa phải tác phẩm Việt hóa hoàn hảo. Đa phần phim sitcom Việt hóa đều bị nhận định kịch bản chưa hay, kinh phí đầu tư chưa bằng bản gốc.
Với "Gia đình là số 1" đang được phát sóng, nhà sản xuất đầu tư gần 50 tỉ đồng cho 208 tập phim nhưng nhiều khán giả nhận định chỉ là tác phẩm xem được. Trong khi đó, nhiều phim sitcom khác, như "Gia đình vui nhộn", lại bị chê kịch bản nhạt nhẽo, thiếu tình huống cuốn hút.
Cảnh trong phim sitcom “Gia đình là số 1” phiên bản Việt hóa. (Ảnh cắt từ phim)
"Phim sitcom không dễ làm. Thể loại này đòi hỏi kịch bản phải thật sự tốt mới khiến khán giả bật cười trong thời lượng chỉ 25-30 phút. Sitcom mà khán giả không cười được hoặc sắp đặt tình huống quá giả tạo cũng chẳng thành công. Đội ngũ viết kịch bản của Việt Nam còn thiếu, ít kinh nghiệm ở thể loại này nên khó khăn càng tăng" - biên kịch Châu Thổ nhận xét.
Theo đạo diễn Nguyễn Thành Vinh, do nguồn kịch bản hay không nhiều, vốn đầu tư lại thấp, không có trường quay chuyên cho sitcom nên phim nở rộ mà thiếu chất lượng, dễ dẫn đến tình trạng giống game show hài nhảm bị chỉ trích vừa qua.
Việc mua bản quyền phim ngoại về Việt hóa là giải pháp cho vấn đề kịch bản sitcom hiện nay nhưng bà Trúc Mai vẫn canh cánh nỗi lo: "Việt hóa nếu làm không tốt sẽ cho ra tác phẩm thiếu điểm nhấn, khán giả sẽ dần quay lưng với thể loại này".
Chưa có trường quay
Nhiều người trong giới cho biết ở nước ngoài - như Hàn Quốc, phim sitcom có trường quay chuẩn. Trong trường quay xây dựng sẵn nhà, phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ. Những diễn viên diễn xong ở phòng khách sẽ sang phòng ngủ rồi nhà bếp... - tùy theo kịch bản và ê-kíp khỏi phải thiết kế lại hoặc thay đổi, vốn dễ bị lỗi kỹ thuật.
Các ngoại cảnh cũng được chọn lựa phù hợp đưa vào khiến câu chuyện sinh động, không nhàm chán. Những phim sitcom này kéo dài nhiều tập nhưng tổng hợp các yếu tố từ tình cảm gia đình, tình yêu đến trinh thám, hành động, kinh dị và hài xuyên suốt.
Trong khi đó, sitcom Việt không có phim trường chuẩn, kịch bản phần lớn xoay quanh nội cảnh, còn ngoại cảnh rất ít.