Quảng Bình quay quắt khô hạn

Nắng nóng liên tục kéo dài, nhiều tháng liền không có mưa. Thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Người dân quay quắt dưới cái nắng như rang cùng với gió phơn tây nam thổi lồng lộng suốt ngày đêm. Đó là tất cả những gì mà người dân các tỉnh miền trung, đặc biệt là Quảng Bình đang hứng chịu trong thời điểm này.
x52e0db82a53ef80f708470522fa7666d

Ruộng nứt nẻ, cây lúa bạc đầu có nguy cơ cháy.

Đất khát…

Thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh có gần 550 hộ dân chủ yếu nhờ vào giếng để lấy nước sinh hoạt. Song năm nay, nước ngầm tụt xuống thấp nên hầu hết giếng trong làng đều khô cạn đáy. Ông Trần Văn Sỹ dẫn chúng tôi ra trước sân, chỉ vào cái giếng khơi sâu hun hút, nói: “Giếng này được đào gần 20 năm, trong các năm hạn trước, nước cũng còn một chút nhưng năm nay hạn trơ đáy. Tui và bà con trong làng phải mua nước đóng trong thùng nhựa 20 lít để dùng ăn uống. Tắm giặt chạy ra sông nước lợ phía cuối làng”.

Nhà ông Sỹ có bốn người. Mỗi ngày hết một thùng với giá 14 nghìn đồng. “Không chỉ lo nước cho người mà chúng tôi cũng đang lo lắng về nước uống cho đàn trâu bò hơn 300 con của thôn”, ông Sỹ nói thêm.

Gần nhà ông Sỹ, giếng khơi nhà ông Trần Văn Sơn cũng không hơn là mấy. Tuy chưa đến mức trơ đáy nhưng cũng chỉ còn ít nước cặn, múc lên để lắng cho trâu bò uống. Nước sinh hoạt cũng phải mua. Mới đây, mấy bố con ông Sơn quyết định thuê thợ về khoan sâu trong đáy giếng khoảng 30 m mới có nước dùng. Ông Sơn chia sẻ, khoan sâu giếng có nước nhưng dấu hiệu bị nhiễm mặn, mà cũng dùng dè sẻn thôi, đến cuối tháng 9 mới sang mùa mưa.

Ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, câu chuyện thời sự nhất lúc bây giờ là nước sinh hoạt. Ở miền sơn cước này, nắng như rang cộng với gió Lào càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng thôn, cho biết toàn bộ giếng nước của bà con đều cạn do năm nay nắng hạn đến quá sớm và khốc liệt hơn. Trong thôn có ba giếng làng cổ, những năm hạn nặng vẫn không khô nước song mới đầu mùa hạn năm nay hai giếng đã khô đáy.

Chỉ giếng Mội là nước còn khoảng 1 m. Giữa trưa, nắng như đổ lửa, dẫn chúng tôi ra giếng Mội, ông Hùng lo lắng nói: “Nếu nắng như ri thêm chục ngày nữa mà không có mưa, giếng Mội sẽ cạn thì không biết xoay xở ra răng”. Tôi nhìn xuống giếng cổ sâu hun hút, cảm giác mát lạnh phủ tràn trên khuôn mặt. Mặt trời chiếu theo phương thẳng đứng xuyên qua nguồn nước mát ít ỏi, soi rõ đáy giếng cổ. Khoát tay ra trước mặt, ông Hùng nói thêm, thôn đề nghị bà con tranh thủ lấy nước từ rạng sáng, thời gian còn lại cho giếng tích nước để dùng lâu hơn.

"Có nhà thuê thợ về khoan đến mấy chục mét mà không tìm thấy mạch nước mô cả. Hôm trước, thôn thuê máy về đào hố sâu vài mét bên cạnh mương cạn để tìm nguồn nước cho trâu bò uống mà không có nước”, ông Hùng chia sẻ thêm khi chúng tôi trở về.

Ở xã Quảng Lưu, nhiều thôn cũng thiếu nước sinh hoạt, người dân phải dùng xe máy hoặc kéo xe bò đi vài cây số lấy nước giếng về dùng. Hỏi đến công trình nước sạch, bà con nói kiến nghị lâu rồi nhưng vẫn chưa có. Mới đây, huyện Quảng Trạch lập dự án cấp nước cho nhiều xã từ nguồn sông Rào Nan nhưng chắc phải nhiều năm nữa mới có.

Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình, do nắng nóng với cường độ mạnh, kéo dài và không có mưa nên hầu như các công trình cấp nước theo phương thức khai thác nước ngầm đều bị hụt nguồn nước ngầm. Ở vùng nông thôn, giếng khơi hầu như khô cạn nguồn nước. Nhiều công trình chỉ vận hành theo giờ hoặc chỉ cấp cho từng khu vực. Còn phần lớn các xã miền núi do khe suối khô cạn nên nước sinh hoạt thiếu nghiêm trọng, người dân phải đi chở nước khá xa hoặc phải mua nước về dùng. “Cứ đà này, khoảng một tháng nữa, người dân Quảng Bình sẽ cực kỳ khó khăn do thiếu nguồn nước sinh hoạt”, đại diện lãnh đạo trung tâm lo lắng.

Nỗ lực cứu lúa

Đến giữa tháng 6, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình mới chỉ xuống giống vụ lúa được 14.600 ha, đạt 84% kế hoạch. Nguyên nhân chậm vụ sản xuất là do thiếu nước tưới. Trong số diện tích lúa đã gieo, có hơn 1.000 ha bị ảnh hưởng nặng, nguy cơ bị chết cháy do thiếu nước. Việc không đủ nguồn nước tưới cho lúa khiến nông dân lo lắng. Chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với nạn hạn hán song không dễ dàng.

Ông Trần Ngọc Sỹ, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Đại, huyện Quảng Ninh đưa chúng tôi ra vùng đồng ngoài. Cánh đồng rộng chừng 60 ha phơi mình dưới nắng gay gắt. Hằng năm, vào vụ hè thu do thiếu nước nên chỉ khoảng 20 ha gieo lúa và khoảng 15 ha chuyển đổi sang trồng màu. Nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào ba hồ nhỏ trên địa bàn song năm nay đã cạn khô nên số diện tích trồng lúa bỏ hoang. Hơn 15 ha chuyển đổi cũng chỉ thực hiện được chừng 2,5 ha trồng các loại dưa, rau màu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng khó thành công khi số diện tích rau màu nói trên cũng sống uột èo. Những vạt rau mồng tơi thiếu nước, ngọn héo rũ dưới cái nắng tháng 6 do thiếu nước tưới. Bà Lê Thị Vinh bỏ dở công việc giữa ruộng dưa bắt đầu có dấu hiệu héo ngọn, nói trong tiếc nuối: “Nhà có gần hai sào dưa, khi trồng đến nay không có mưa, tui bỏ nhiều công gánh nước tưới nhưng không ăn thua. Chừ hồ nước cũng cạn rồi, ít hôm nữa không có mưa coi như bỏ luôn. Chưa kể công cán thì tiền giống cũng mất gần 3 triệu đồng rồi”.

Từ cuối năm ngoái, lượng mưa không đủ để tích nước cho các hồ đập trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Ngay từ giữa vụ đông xuân, nông dân đã căng mình chống hạn. Tiếp vụ hè thu này, tình hình càng nghiêm trọng hơn. Huyện gieo gần 3.000 ha lúa và hơn 2.000 ha màu các loại nhưng hiện có gần 2.000 ha cây trồng bị thiếu nước trầm trọng. Nhiều diện tích lúa cháy khô. Xã Quảng Phương, ngay ở trung tâm huyện Quảng Trạch gieo 480 ha lúa thì đã có hơn 300 ha bị hạn nặng. 

Trên cánh đồng màu mỡ của thôn Tô Xá rộng hàng chục ha, bắt đầu khô nứt nẻ, cây lúa sém vàng. Lão nông Phùng Văn Viên mấy hôm nay đứng ngồi không yên khi sáu sào ruộng bị thiếu nước từ hơn tháng nay bắt đầu khô ngọn. Ra thăm lúa, ông ngồi thụp giữa đám ruộng, thò bàn tay xuống khe nứt nẻ để đo độ sâu rồi ngước lên nhìn bầu trời chói chang: “Thêm tuần nữa mà không có mưa là lúa chết khô hết. Nguy cơ lúa cháy hạn không có sản lượng là rất cao”. 

Ven tuyến đường liên xã từ Quảng Phương lên Quảng Lưu là hàng trăm ha ruộng không xuống giống được do thiếu nước, đất bạc trắng giữa cái nắng chang chang và bỏng rát gió Lào. Tuyến kênh Kênh Kịa dài hơn 15 km có nhiệm vụ tưới tiêu cho các địa phương thuộc huyện Quảng Trạch đã cạn khô nên không thể cứu hạn cho đồng ruộng. Ông Hồ Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho biết: “Những ngày này, xã vận động các thôn tận dụng nguồn nước ao hồ, kênh mương để cứu lúa. Tuy nhiên, nước hồ quá cạn nên không thể đưa nước vào ruộng được.

Huyện Quảng Trạch có ba hồ chứa nước lớn là Vực Tròn, Tiên Lang và Trung Thuần, phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Năm nay mới bước vào mùa khô, nước trong hai hồ Tiên Lang, Trung Thuần chỉ đạt 17 - 18% và không thể đủ nước tưới cho vụ hè thu các xã vùng trung và phía tây Quảng Trạch. Chỉ còn duy nhất hồ Vực Tròn còn đủ khả năng tưới nước cho các xã vùng phía bắc huyện trong tình trạng dè sẻn. 

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch chia sẻ: “Huyện đã tăng cường 14 trạm bơm tận dụng mọi nguồn nước có thể để bơm về các vùng hạn phục vụ sinh hoạt và cứu cây trồng. Ngay tại hồ chứa lớn cũng phải tổ chức bơm chuyền, bơm đỏi (bơm nhiều cấp - PV) để tận dụng nguồn nước. Đồng thời, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây màu đang được đẩy mạnh để hạn chế tối đa việc bỏ đất hoang nhưng xem ra cũng rất khó vì nắng nóng liên tục không có cây gì lên nổi”. 

Ông Nguyễn Xuân Đạt cũng nhận định, nếu trong khoảng nửa tháng mà trời không có mưa thì huyện Quảng Trạch sẽ lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng vì nước trong các hồ cạn khô, khó tận dụng thêm được nữa.

Thông thường, mùa khô Quảng Bình kéo đến giữa tháng 9. Và như vậy, người dân Quảng Bình còn quay quắt với nắng nóng và gió phơn thổi mạnh trong thời gian dài. Thêm một mùa khô hạn nghiêm trọng xảy ra.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.