Quảng Ninh, Nghệ An và Hà Nội mạnh tay với những dự án chậm triển khai, kém hiệu quả

Trong thời gian vừa qua, trước việc tồn tại những dự án chậm triển khai hoặc triển khai nhưng kém hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An và TP Hà Nội đã đề nghị xem xét xử lý, trong đó có cả đề nghị thu hồi dự án.

Quảng Ninh mạnh tay với những dự án chậm triển khai, kém hiệu quả 

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản về việc triển khai các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao TP Hạ Long đôn đốc Công ty TNHH Limitless World (Việt Nam) triển khai thực hiện ngay Dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star theo qui hoạch được duyệt. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, yêu cầu tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xử lý chấm dứt hoạt động đầu tư, thu hồi đất theo quy định.

UBND tỉnh này cũng nhấn mạnh, "không được tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án" nếu tiếp tục chậm tiến độ.

1418871459_Ha Long Star

Phối cảnh Dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star. (Nguồn ảnh: Hữu Tuấn/Báo Đầu tư).

Dự án khu đô thị du lịch Hạ Long Star có tổng diện tích khoảng 125ha, tổng mức đầu tư dự kiến 550 triệu USD (tương đương gần 12.800 tỉ đồng). Qui mô dự án là xây dựng một khu đô thị du lịch bao gồm các hạng mục như: một khách sạn 5 sao với 250 phòng, một khách sạn hạng sang 100 phòng, 226 biệt thự, 85 nhà phố, 114 căn hộ và trung tâm thương mại.

Từ năm 2007, dự án đã được khởi công xây dựng, tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế nên dự án đã triển khai chậm so với dự kiến.

Trước đó, tại buổi họp giữa Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và KCN Sông Đà với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy về dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng, đại diện Sudico đã bày tỏ mong muốn được thực hiện giai đoạn hai của Khu du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng. 

Tuy nhiên, ông Cao Tường Huy cho rằng trong giai đoạn 2000 - 2005, Sudico và các công ty thành viên đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh. 

Mặc dù được tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhưng phần lớn các dự án này đều không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. 

Cụ thể, đó là các dự án khu hạ tầng nhà ở cho cán bộ công nhân viên ở xã Thống Nhất, huyện Hoàng Bộ; dự án khách sạn Sông Đà - Hạ Long tại Bãi Cháy, TP Hạ Long và cả dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng ở Vân Đồn. 

Trong đó, khu du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng được UBND tỉnh giao Sudico triển khai từ năm 2004 với tổng diện tích 28,7 ha. Đến năm 2017, sau 13 năm triển khai thực hiện, dự án mới đưa vào khai thác giai đoạn một (diện tích 2,52 ha) với 10 căn Bugalow (một tầng), tổng diện tích xây dựng 675 m2; lượng khách du lịch lưu trú tại dự án rất ít.

Và ông Cao Tường Huy đã đề nghị Sudico hợp tác, trả lại dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà - Ngọc Vừng để tỉnh Quảng Ninh thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đạt đẳng cấp quốc tế, phát huy, khai thác được tiềm năng, thế mạnh du lịch của đảo Ngọc Vừng, Vân Đồn.

Nghệ An xem xét, xử lý đối với một số dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh

Theo thông tin trên báo Đầu tư Online, mới đây, UBND TP Vinh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc tham mưu nội dung báo cáo phục vụ hội nghị phát triển TP Vinh. Một trong những nội dung của công văn là đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét, xử lý đối với một số dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, hàng loạt Dự án treo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn TP Vinh cần được cơ quan xem xét, xử lý rốt ráo... Đó là dự án Khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam tại xã Hưng Hòa, TP Vinh và xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Dự án này do Công ty TNHH Hà Thành - Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.071,16 tỉ đồng. Đến nay dự án vẫn đang nằm ở mức nham nhỡ về giải phóng mặt bằng. 

Đứng thứ hai trong danh sách này là dự án xây dựng Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Viết Xuân, TP Vinh theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) tại phường Hưng Dũng, TP Vinh. 

Dự án có diện tích 970.000 m2 do Công ty CP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An (nhà đầu tư đề xuất dự án) làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký là 365,78 tỉ đồng. Dự án này đã được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu đầu tư từ năm 2017. Hiện nay dự án chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện. 

Ngoài ra, dự án xây dựng một số tuyến đường quy hoạch tại xã Nghi Kim, TP Vinh, theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) tại xã Nghi Kim, TP Vinh cũng là dự án thuộc danh sách bị xem xét. 

Đây là dự án có tổng diện tích 170.000 m2 (02 vị trí) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn (nhà đầu tư trúng sơ tuyển) làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký là 157,3 tỉ đồng, lập dự án từ năm 2018. Tuy nhiên đến nay, dự án hiện chưa lựa chọn nhà đầu tư thực hiện… 

Danh sách của TP Vinh cũng có tên dự án xây dựng một số tuyến đường quy hoạch tại xã Nghi Phú, TP Vinh, theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) tại xã Nghi Phú, TP Vinh. Dự án với số vốn đăng ký là 127,3 tỉ đồng cũng chưa lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. 

Cũng liên quan đến những dự án chậm triển khai tại Nghệ An, giữa tháng 7/2019 vừa qua, tại một buổi họp giữa UBND huyện Thanh Chương và UBND tỉnh Nghệ An, dự án khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau tại xã Thanh An và Thanh Thịnh do Công ty Cổ phần Green Tea Islands thuộc Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư với quy mô 1.500 tỉ đồng cũng đã được bàn đến.

Theo báo Đất Việt, dự án này có qui mô hơn 449 ha, trong đó phần khai thác mặt hồ 83,9 ha, trồng cây xanh 280 ha, diện tích còn lại sẽ hình thành 5 khu chức năng, bao gồm: khu đón tiếp; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi, giải trí; khu làng nghề và khu thiền viện.

Tuy nhiên, dự án đang bị chậm tiến độ, sau hai năm thực hiện vẫn chưa giải quyết xong mặt bằng vì chủ đầu tư chậm đền bù cho người dân. Phía Cienco 4 mới chỉ thỏa thuận đền bù, bồi thường 28,5ha/288.33ha với giá thỏa thuận 10,7 tỉ đồng nhưng chưa tiến hành chi trả cho người dân. Nguyên nhân được cho là do Tập đoàn Cienco 4 khó khăn về tài chính.

Hà Nội đề nghị loại bỏ 23 dự án thu hồi đất chậm tiến độ

Đầu tháng 7/2019 vừa qua, Thời báo Tài chính Việt Nam đưa tin kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thảo luận và quyết nghị về điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất, danh mục công trình, dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019.

Theo đó, UBND TP Hà Nội cũng đã đề nghị loại bỏ 23 dự án thu hồi đất năm 2019 với diện tích 51,18 ha; 4 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2019 với diện tích 4,3 ha ra khỏi danh mục dự án thu hồi đất năm 2019, danh mục dự án, công trình chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ năm 2019 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua.

Nguyên nhân do việc thực hiện các dự án này chậm tiến độ, không đảm bảo để hoàn thành trong năm; tính khả thi để triển khai thực hiện trong năm không cao, nguồn thu từ việc đấu giá không cao do hạ tầng kỹ thuật xung quanh các khu đất chưa được đồng bộ nên giá trị khu đất thấp...


chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.