Từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều địa phương trên cả nước đã gỡ các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Nhờ vậy, thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu sôi động trở lại. Báo cáo thị trường bất động sản tháng 10 của Batdongsan.com.vn, DKRA,... đều cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường về nguồn cung, mức độ quan tâm, lượng tin đăng, tỷ lệ hấp thụ...
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ. Ngoài ra, dòng vốn của nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.
Tại talkshow chủ đề "Chuyển động dòng tiền trên thị trường bất động sản" do Cafeland tổ chức, TS Sử Ngọc Khương cũng đã nhắc đến nhóm nhà đầu tư với tiềm lực tài chính rất mạnh đang rót tiền vào thị trường bất động sản.
Cụ thể, theo ông Khương, hiện tại có hai nhóm nhà đầu đầu tư cá nhân nổi trội trên thị trường bất động sản nhà ở.
Trong đó, nhóm chủ đạo, đại diện cho thị trường là nhà đầu tư có nhu cầu ở thực và tiền tích lũy để mua nhà ở. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, họ giảm thiểu tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Nhóm thứ hai là những đầu tư cá nhân luôn sở hữu nhiều tiền mặt nhưng không có thế mạnh trong các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, ngoại tệ.... Những nhà đầu tư này đã và đang chuyển dòng tiền của họ từ ngân hàng sang các tài sản bất động sản.
"Nhóm này thường đầu tư vào dự án nhưng họ rất kén chọn, trong khi sản phẩm trên thị trường không có nhiều. Vì vậy họ đầu tư vào những tài sản đã có sẵn như nhà phố và các sản phẩm hoàn chỉnh, pháp lý rõ ràng. Họ có tiềm lực rất mạnh, họ chi 50 - 70 tỷ đồng để mua 3 - 4 căn nhà trong một ngày là chuyện bình thường. Nhóm này rất nhiều trên thị trường", ông Khương cho biết.
Theo quan sát của chuyên gia, thời điểm hiện tại là cơ hội mua thật cho những người có nhu cầu nhà ở và những người muốn chuyển dòng tiền từ ngân hàng hoặc những kênh đầu tư khác sang bất động sản.
"Mặc dù dịch bệnh nhưng các căn nhà từ 3 - 5 tỷ đồng ở các quận Gò Vấp, Bình Thạnh (TP HCM) đã được mua hết chỉ trong vài ngày. Với những dự án mới ra mắt, các doanh nghiệp vừa tung hàng đã có khách đặt hết. Điều đó thể hiện nhu cầu rất cao của thị trường nhà ở hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán", ông Khương nhận định.
Trong khi đó, với nhóm nhà đầu tư tổ chức, họ đang có khuynh hướng đầu tư vào các quỹ đất lớn (50 - 100 ha) xung quanh các đô thị như Hà Nội và TP HCM. Nhóm này kỳ vọng vào thị trường tương lai với sự dịch chuyển dân số cơ học, cũng như sự phát triển của các ngành dịch vụ khác như là logistics, kho bãi...
Bên cạnh đó, còn có nhóm nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến thị trường bất động sản nhà ở, căn hộ dịch vụ và bất động sản công nghiệp ở Việt Nam.
Cũng theo TS Sử Ngọc Khương phân tích, thị trường hiện nay không dành cho nhóm nhà đầu tư lướt sóng. Nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi ngân hàng có những thay đổi về lãi suất hay chủ đầu tư thay đổi về chiến lược sản phẩm.
Dưới góc độ quản lý của một doanh nghiệp, ông Dương Cao Tường, Chủ tịch Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản TLH cũng cho rằng, đầu tư lướt sóng không còn phù hợp với thị trường bất động sản hiện tại
"Trước đây, hầu hết các nhà đầu tư đều có tâm lý lướt sóng nhưng thị trường bất động sản bây giờ đã khác so với thời điểm 5 - 7 năm trước. Thị trường theo một xu hướng chung và có tính dài hạn hơn nhiều. Nhà đầu tư không thể bỏ một khoản tiền ra và thu về cả vốn lẫn lãi trong thời gian ngắn. Hiện tại, nhà đầu tư phải chi ra tiền tỷ và đầu tư ít nhất một năm trở lên", ông Tường cho biết.
Do đó, theo ông Tường, những người muốn đầu tư vào thị trường bất động sản hiện tại là các đối tượng có thu nhập tương đối khá, có một dòng tiền nhàn rỗi để có thể đầu tư lâu dài.