Luyện con ngủ riêng không giúp con tự lập. |
Luyện con ngủ riêng thì con sẽ tự lập?
Những năm gần đây, trào lưu rèn con tự ngủ - sleep traning nở rộ và được nhiều bà mẹ hào hứng đón nhận cũng như áp dụng cho con em mình. Sleep traning là phương pháp rèn con tự ngủ khá phổ biến tại Mỹ và các nước phương Tây, thường áp dụng tốt nhất khi các bé được 8-10 tuần. Phương pháp gồm hai cách. Một là "Crying it out", nghĩa là cứ để trẻ khóc, khóc đến khi mệt sẽ tự lăn ra ngủ. Dần dần trẻ sẽ học cách tự đi vào giấc ngủ nhanh. Cách thứ hai gọi là "No tears", nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn. Lúc đầu, mẹ vẫn bế cho đến khi con buồn ngủ thì đặt xuống giường hoặc cũi. Nếu đặt xuống mà con khóc thì lại bế lên, đợi con lim dim rồi lại đặt xuống... cứ như vậy cho tới khi bé tự ngủ tiếp thì thôi.
Không biết ở các nước phương Tây thế nào, nhưng ở Việt Nam, hiện nay, phương pháp rèn con tự ngủ luôn được gắn với vô số ưu điểm nghe đã “sướng” cái tai như con tự lập sớm, con sẽ không bám mẹ, con sớm sẽ trở thành người có chính kiến, mẹ sẽ nhàn tênh và được ngủ sâu giấc về đêm. Những lý do quá đỗi thuyết phục ấy, khiến nhiều bậc phụ huynh đổ xô đi mua nôi, cũi riêng và quyết luyện con tự ngủ cho bằng được. “Con khóc thì kệ con, khóc chán sẽ thôi, dần dần con sẽ tự biết cách xoa dịu mình” – câu nói ấy được nhiều bà mẹ neo vào để tin rằng rèn con tự ngủ là văn minh, khoa học và sẽ giúp con trở thành người độc lập, không ỷ lại vào người khác.
Không biết tự bao giờ trẻ ngủ chung bị coi là trẻ kém tự lập. |
Con thôi khóc không phải vì con biết tự lập, mà do con đã chai lì cảm xúc
Biết bao những bài chia sẻ về kinh nghiệm luyện con ngủ xuyên đêm ra đời, biết bao những bà mẹ vui mừng phấn khởi lên mạng khoe thành tích con ngủ một mạch 6-8 tiếng liền mà không dậy đòi bú, biết bao bà mẹ đã (lầm) tin rằng con tự ngủ như thế ắt sẽ tự lập và thành công. Nhưng mà khoan đã, hình như có cái gì đó sai sai ở đây!
Ai cũng biết tiếng khóc của trẻ là cách duy nhất để trẻ giao tiếp với thế giới. Từ trong tử cung ấm áp của người mẹ, trẻ được nâng niu bảo vệ, đến khi chào đời, trẻ ra khỏi cái thế giới an toàn đó, đến một thế giới mới hoàn toàn khác lạ. Trẻ không được co tròn trong bào thai nhỏ bé, ấm áp lắng nghe nhịp tim của mẹ nữa. Thế nên mới có chuyện trẻ sơ sinh hay giật mình rồi huơ huơ đôi bàn tay bé xíu bé xiu lên. Trẻ sợ, trẻ có cảm giác không an toàn, trẻ bị hụt hẫng và trẻ giật mình rồi khóc. Nhưng chỉ cần mẹ đến nhẹ nhàng vỗ về, thì thầm gọi hoặc được mẹ bế lên, hít hà mùi của mẹ là trẻ sẽ yên tâm mà ngủ tiếp.
Với trẻ nhỏ, đừng bao giờ cố tình lờ tiếng khóc của trẻ. |
Từ bao giờ chuyện trẻ khóc chán sẽ tự lăn ra ngủ bị đánh đồng rằng như thế trẻ đã biết tự lập? Từ bao giờ người ta tin rằng việc tách con khỏi mẹ, sẽ giúp trẻ học được nhiều kỹ năng hơn? Từ bao giờ chính các bà mẹ lại tước đi một đặc quyền chẳng ai có, đó là quyền được ôm ấp và nâng niu giấc ngủ của con? Tất cả cũng chỉ vì bốn chữ “để con tự lập” mà thôi.
Khi áp dụng cách luyện ngủ kia, nghĩa là chúng ta sẽ lờ đi tiếng khóc của con, lờ đi nhu cầu được bế ẵm, được mẹ ôm ấp, vỗ về. Trẻ khóc chán sẽ thôi không khóc nữa không phải là vì trẻ đã tự lập được, mà vì chúng nhận ra tiếng khóc của chúng không còn ý nghĩa gì với bố mẹ nữa. Đó không bao giờ là dấu hiệu của tự lập, nói thẳng ra nó là sự chai lì trong cảm xúc và là dấu hiệu của một đứa trẻ đã bị tổn thương sâu sắc.
Con sẽ tự lập khi con sẵn sàng
Dường như chúng ta đang nhầm lẫn tai hại giữa giáo dục và huấn luyện, giữa rèn con tính tự lập và rèn chuyện ăn, chuyện ngủ. Còn nhớ một thời phương pháp ăn dặm truyền thống bị “tẩy chay” và “ghét bỏ” không thương tiếc bởi các bà mẹ tin rằng phương pháp này không giúp con tự lập. Và người ta vẫn tin rằng những phương pháp ăn dặm kiểu tây mới là tốt nhất cho trẻ. Thế tại sao những thế hệ đi trước, vốn chỉ được ăn theo kiểu truyền thống ấy, vẫn tồn tại và thành công?
Con sẽ tự lập khi con sẵn sàng. |
Chuyện ngủ chung – ngủ riêng cũng vậy. Nó chỉ là vấn đề của sự lựa chọn. Bạn thấy việc cho con ngủ riêng sẽ giúp mình nhàn hơn, vậy thì bạn lựa chọn cách này. Bạn thấy bạn thích được ôm con ngủ, vậy thì hãy cho con ngủ chung giường của mình.
Muốn con tự lập, thay vì để mặc con khóc, hãy cho con được làm việc nhà khi đến tuổi, để con tự đi giày, đi dép, tự mặc quần áo, tự cất dọn đồ chơi và tự làm nhiều việc khác.
Trẻ sẽ tự lập khi trẻ sẵn sàng. Và cái sự sẵn sàng ấy, sẽ chỉ có khi chúng được bám mẹ đủ. Tương tự như thế, trẻ sẽ biết chia sẻ sau khi được phép ích kỷ đủ. Chúng sẽ biết cách yêu thương khi được quan tâm đủ. Chúng sẽ biết học khi được chơi đủ. Chúng sẽ biết sáng tạo khi được trải nghiệm, bày bừa đủ.
Nếu con còn nhỏ mà không khóc đòi mẹ, không tỏ ra cần mẹ, thì người mẹ nên lo lắng, thay vì hoan hỉ vui mừng. Không phải con đã biết tự lập đâu, mà con không thể hoặc không còn muốn thể hiện những cảm xúc sâu kín nhất, với chính mẹ đấy, mẹ ạ!