Rơi nước mắt tâm sự của bác sĩ về ca nhiễm Sars-CoV2 thứ 17

"Cuối cùng, thật đau đớn phải công bố rằng số ca nhiễm Sars-Cov-2 tại Việt Nam đã tăng sau hơn 20 ngày tưởng chừng bảng thống kê dịch đã thành hằng số."

Bài viết xúc động của BS Nguyễn Quốc Khánh trên trang facebook cá nhân không chỉ thông tin ca bệnh COVID-19 thứ 17 của Việt Nam mà có nhiều thông tin hữu ích khuyến cáo người dân cần bình tĩnh đối phó với dịch bệnh.

Rơi nước mắt tâm sự của bác sĩ về ca nhiễm Sars-CoV2 thứ 17 - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng khẩn trương cách li khu phố Trúc Bạch nơi ở của bệnh nhân COVID-19 thứ 17

Kiến Thức trích đăng lại những dòng tâm sự của BS Khánh dưới đây:

“Chỉ 4 ngày nữa thôi, Việt Nam sẽ đủ điều kiện công bố hết dịch theo quy định hiện hành. Thật đáng tiếc.

Có 2 lần tôi rơm rớm nước mắt khi lướt Facebook, lần đầu là khi chứng kiến các chiến sĩ công an phải gồng mình gánh chịu gạch đá của bọn lưu manh ở Bình Thuận vào 6/2018. Lần thứ 2 là đêm qua khi nhận tin nhắn chính thức từ cuộc họp khẩn tại thủ đô.

Đây không phải là trường hợp trốn khai báo đầu tiên nhưng nó lại là trường hợp đầu tiên dương tính với dịch.

Điều làm tôi khóc không phải vì tình hình dịch bệnh đột ngột bi thảm như một số bạn dùng chữ “TOANG” cho Hà Nội của tôi. Không có gì “toang” ở đây cả. Hà Nội của tôi đã triển khai các biện pháp theo đúng quy trình của bất cứ quốc gia phát triển nào cũng phải làm.

Điều làm tôi khóc không phải là công lao chống dịch bị đổ sông đổ biển. Không có gì “đổ sông đổ biển” ở đây cả, chúng ta chống dịch tốt không đồng nghĩa với việc tuyệt đối không để thêm bất kỳ ca dương tính nào xảy ra. Chúng ta đã và đang làm rất tốt. Cảm ơn các anh nơi tuyến đầu chống dịch.

Tôi khóc vì chút niềm tin hiếm hoi lắng đọng của cộng đồng mấy tuần qua bỗng dưng tan biến. Danh sách bạn bè tôi đã xuất hiện sự hoảng loạn, ngay cả trong câu chữ của những người xưa nay lạc quan nhất tôi cũng cảm nhận được nút bấm run run khi nghe hung tin dịch bệnh.

Bình tĩnh lại các anh chị ạ. Đừng quên cha con người Trung Quốc cũng leo tàu hoả Bắc-Nam trong những ngày đầu chúng ta chưa có ý thức phòng dịch nhưng cũng không gây hậu quả gì đáng kể.

Sars-Cov-2 nó nguy hiểm thật nhưng không phải cứ đứng gần là có nguy cơ, không phải có nguy cơ là lây, không cứ phải lây sang là dính bệnh.

Đánh nhau với một bóng ma, cái ta cần là sự BÌNH TĨNH. Việc hoảng loạn chạy đi khắp nơi không mang lại gì ngoài nguy cơ lan truyền ra cộng đồng cao hơn.

Chúng ta chửi cô Nh. có nguy cơ rồi mà tại sao còn trốn khai báo nhưng lại tự cho mình cái quyền về quê tránh dịch khi không may ở trong vùng lẽ ra phải cách li?

Như thế là ngược đời, phải không?

Vũ Hán chiến thắng đại dịch là nhờ nhân dân họ ngồi yên, bằng cách này hay cách khác - họ buộc phải ngồi yên.

Tuỳ tình hình, chính phủ Việt Nam biết sẽ phải làm gì từ việc cách li cục bộ một số tuyến phố ở Hà Nội, thậm chí không loại trừ phương án cách li trên diện rộng hơn. Và là công dân của một đất nước pháp quyền, hãy ngồi yên khi đất nước cần bạn ngồi yên.

Cả nước hiện nay có hơn 2 vạn đồng bào đang cách li và không ít số đó vì lý do công vụ và không một ai kêu khóc cả.

Khi cần thiết hãy dũng cảm chia sẻ 2 tuần an dưỡng với Tổ quốc mình trong lúc nguy nan. Sự kiện này càng khẳng định Việt Nam chưa bao giờ giấu dịch.

Việc của chúng mình là ngừng loan tin chưa kiểm chứng trên Facebook, trong group công ty, hội phụ huynh... đôi lúc vô tình thôi nhưng tạo nên ác nghiệp vô cùng.

Hãy động viên, chỉ bảo, nhắc nhở nhau phòng dịch. Đó là việc nên làm.

Các anh chị ở vùng có dịch chuẩn bị về nước thân mến, hãy trân trọng sức khoẻ của người thân mình, đồng bào mình và công lao của Tổ quốc mình.

Tổ quốc này rõ ràng chưa bao giờ bỏ công dân ở phía sau.

Bác sĩ tự nhiên nhớ lại lời cụ Lương Khải Siêu khuyên cụ Phan Bội Châu:

“Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập."

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...