Rủi ro cho nông sản, thủy sản Việt Nam trước lệnh siết chặt kiểm dịch của Trung Quốc

Hiệp hội của hai ngành hàng nông sản và thủy sản lo ngại thời gian thông quan khả năng sẽ kéo dài hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và phát sinh chi phí.

Rủi ro chất lượng rau quả giảm sút do phải chờ thông quan

Mới đây, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết thành phố Thượng Hải yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến và bán tại Thành phố Thượng Hải phải vào kho quá cảnh để xét nghiệm Covid-19 và khử trùng bao bì, áp dụng từ 0h00 ngày 16/11, việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến. 

Các doanh nghiệp phải điền trung thực các thông tin đầy đủ về chủ xe, tờ khai hải quan, phương tiện, tài xế, luồng hàng theo yêu cầu và vào “Biên bản cam kết công tác phòng, chống dịch”.

Vụ việc bắt đầu từ kể từ giữa tháng 11 khi truyền thông nước này cho biết phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm từ 20 quốc gia bao gồm các sản phẩm thịt heo Đức, thịt bò Brazil và cá Ấn Độ.

Theo Reuters, các quan chức nước ngoài cho rằng lời tuyên bố thiếu bằng chứng trên của Trung Quốc đang gây hại cho thương mại và danh tiếng đối với thực phẩm nhập khẩu.

Còn đối với hoạt động xuất khẩu tại Việt Nam, quyết định này của Trung Quốc được cho là ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, đặc biệt là rau quả và thủy sản.

Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết việc Thượng Hải tăng cường kiểm dịch sẽ làm chậm quá trình giao hàng của các doanh nghiệp.

Trước đây việc giao hàng chỉ mất 3 ngày hàng có thể giao tới tay khách hàng nhưng hiện nay thời gian có thể lên tới 5 ngày. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng của rau củ.

"Thông thường, hai bên (doanh nghiệp Việt Nam và khách hàng Trung Quốc) sẽ cùng chia sẻ chi phí những tổn thất gây ra do chính sách kiểm dịch thay đổi. Tuy nhiên, cũng có lúc phía khách hàng để doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn chịu khoản phí này.

Điển hình như hồi tháng 3 khi Trung Quốc có động thái kiểm dịch tương tự đối với hàng  đông lạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu hết tổn thất", ông Nguyên cho biết.

Ông Nguyên tỏ ra lo ngại trước động thái này nhất là trong bối cảnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong mấy tháng trở lại đây liên tục giảm mạnh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu Trong tháng 10 xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 119,2 triệu USD, giảm 33,7% so với tháng 10/2019. 

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 10 bởi thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỉ trọng lớn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung Quốc chiếm khoảng 58% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Rau của, thủy sản Việt Nam đối diện rủi ro trước lệnh siết chặt kiểm dịch của Trung Quốc - Ảnh 1.

Thị trường xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 10 và 10 tháng năm 2020. (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Thời gian giao hàng thủy sản có thể tăng gấp ba lần ngày thường

Tương tự, đối với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc siết chặt qui định kiểm dịch Covid-19 bởi điều này sẽ phát sinh thêm chi phí bảo quản, kho bãi và thời gian giao hàng cũng bị ảnh hưởng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí VASEP cho biết giao chậm lại. Hiện nay, với qui định mới này, thời gian giao hàng sẽ mất nhiều thời gian hơn. 

Trong khi đó, nhu cầu thủy sản Trung Quốc nói chung và Thương Hải nói riêng đang rất cao bởi thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp nhập khẩu tăng cường nhập hàng để chuẩn bị cho dịp Tết.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng của doanh nghiệp, có nhiều đơn hàng đã chậm lại. Cái này sẽ phải làm việc với cơ quan hữu quan nhằm giải tỏa sớm để cung cấp đủ sản phẩm.

Ông Hòe cho biết hiện nay các đơn hàng giao phải chậm lại. Nếu như trước đây thời gian giao hàng khoảng một ngày thì giờ đây mất ít nhất ba ngày, tức gấp ba lần thời gian. 

Cá tra là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đây là mặt hàng đang có sự phục hồi đáng kể tại thị trường Trung Quốc. 

"Tuy nhiên với khả năng nhu cầu hiện tại ở Thượng Hải khá cao, do đó các bên có thể cố gắng giải quyết, giải tỏa sớm, trở lại trạng thái bình thường.

Vấn đề Covid-19 nhiều chuyện có thể xảy ra. Quan trọng là các doanh nghiệp cần kết hợp với cơ quan chức năng ở cả hai bên để giải quyết vấn đề sao cho hợp lí nhất", đại diện VASEP cho biết.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.