Sau vụ cháy Công ty Rạng Đông: Người dân vẫn lo ô nhiễm

Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và chính quyền địa phương đã phát đi những thông tin về kết quả kiểm tra môi trường, nguồn đất, nước xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân, Hà Nội) trong ngưỡng an toàn.
c7a_dtxf

Chỉ có rất ít nhà gần với hiện trường vụ cháy mở cửa dù đã 5 ngày trôi qua. (Ảnh: QUỐC KHÁNH)

Tuy nhiên, người dân sống xung quanh khu vực vụ cháy vẫn rất lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe.

Nhiều người chưa dám về nhà

Ngày 2/9, sau 5 ngày xảy ra vụ hỏa hoạn Công ty Rạng Đông, không khí nơi đây hầu như không còn mùi khét khó chịu. Ở ngoài phố Hạ Đình, cách khu vực xảy ra vụ cháy khoảng 100m, mọi hoạt động thường ngày diễn ra bình thường; khá nhiều quán ăn uống, bán thực phẩm, hoa quả vẫn đông khách. 

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân tại đây cho biết, mấy ngày qua Hà Nội mưa to liên tục nên không khí cũng dễ chịu hơn, bụi bặm cũng ít đi nhưng vì cẩn thận nên nhiều nhà chưa dám trở về ở, nhất là những gia đình có người già, trẻ nhỏ. Người dân cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bị ô nhiễm nguồn nước và đất tại khu vực xung quanh vụ cháy sau những ngày mưa lớn vừa qua. 

“Vừa rồi chính quyền địa phương và một số cơ quan chức năng có thông báo kết quả xét nghiệm mẫu đất, nước và quan trắc không khí ở khu vực này trong ngưỡng an toàn. Nhưng người dân chúng tôi vẫn chưa thực sự yên tâm vì có thể ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe có thể còn về lâu dài... 

Chỉ mong các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra môi trường và sức khỏe của người dân để kịp thời phát hiện, cảnh báo những bất thường”, ông Lê Hùng Sơn (67 tuổi, ở ngõ 342 phố Hạ Đình) bày tỏ.

Có thực sự an toàn?

Trong khi nhiều người dân sống xung quanh khu vực hỏa hoạn rất lo lắng về nguy cơ môi trường sống, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm thì trong thông báo mới đây của Trung tâm Quan trắc Sở TN-MT Hà Nội tại 5 vị trí xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy cho thấy các thông số như vi khí hậu, NO2, Pb, Cd, Hg, As, Zn, bụi tổng hợp... đều nằm trong giới hạn cho phép. 

Cùng với đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế cũng lấy mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, tại rìa vườn hoa trung tâm, tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy để xét nghiệm nồng độ thủy ngân, và đều bằng 0µg/m3 - trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Môi trường, khi chưa có kết luận chính thức, người dân cần thận trọng trong việc sử dụng nguồn nước, nhất là đối với các bể nước hở ở gần tâm bán kính vụ cháy. Về khả năng ô nhiễm hóa chất sau vụ cháy, đèn huỳnh quang, hay đèn compact đều có chứa hàm lượng thủy ngân theo quy định của EU cũng như quy chuẩn Việt Nam. 

Dù phía Công ty Rạng Đông đã có sử dụng amalgam thay thế thủy ngân lỏng trước đây, nhưng bản chất là hỗn hợp giữa kẽm và thủy ngân. Vì thế, cơ quan môi trường khuyến cáo người dân thận trọng khi sử dụng nguồn nước mặt trong khu vực này để sinh hoạt và ăn uống. 

Hiện nay, Bộ TN-MT đang phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu có các chất gây ô nhiễm sẽ nhanh chóng kiểm tra y tế đối với người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (cách công ty Rạng Đông khoảng 1km) đã lấy mẫu và phân tích hàm lượng thủy ngân trong đất, nước mưa và thực vật tại khuôn viên trường và Ký túc xá Mễ Trì. Kết quả kịch bản mô phỏng cho thấy, hàm lượng thủy ngân trong các mẫu đại diện đều dưới ngưỡng cho phép theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành. Do vậy, trường thông báo hiện không có nguy cơ ô nhiễm thủy ngân để cán bộ, sinh viên yên tâm làm việc và học tập.

Sau khi ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cùng nhóm cán bộ của tổng cục trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ cháy nổ Công ty Rạng Đông, trang web tổng cục (www.vea.gov.vn) đã phát thông tin sự việc này.

Theo đó, Bộ TN-MT đã chỉ đạo tổng cục khẩn trương phối hợp Sở TN-MT và các cơ quan liên quan của TP Hà Nội nắm bắt thông tin; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (thuộc Tổng cục Môi trường) phối hợp, hỗ trợ Sở TN-MT Hà Nội quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, nước, đất sau sự cố.

Kết quả quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội nói chung và ở khu vực xảy ra sự cố nói riêng (nhất là sau cơn mưa trong các ngày 29 và 30-8) đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân sinh sống tại khu vực xung quanh công ty thận trọng. Cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình (đối với các hộ dân ở gần công ty); không sử dụng nước từ các bể chứa nước không được che đậy kín; thau rửa các bể chứa nước không được che đậy kín; tạm thời không sử dụng các thực phẩm được nuôi, trồng tại khu vực xung quanh công ty cho đến khi các cơ quan chức năng nhà nước công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ nêu trên.

ANH THƯ

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.