Savills: Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các dự án BĐS công nghiệp quy mô siêu lớn

Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang bắt đầu hình thành ở những nơi khác do Việt Nam không còn cung cấp các ưu đãi như cũ. Trong khi đó, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp giá trị cao vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây về thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, sự gián đoạn sản xuất tại các nhà máy và khu công nghiệp đã được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi.

Các ngành công nghiệp giá trị thấp (dệt may, nội thất,...) đang bắt đầu hình thành ở những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á do Việt Nam không còn cung cấp các ưu đãi như cũ. 

Những ngành này cũng đang phải vật lộn để tìm nguồn lao động và đất đai có giá cả phải chăng tại Việt Nam. 

"Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài của những ngành công nghiệp giá trị cao vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam", ông John Campbell cho biết.

Từ đầu năm đến nay, bất chấp các đợt bùng phát Covid-19 tại Việt Nam, một số khu công nghiệp mới đã được thành lập, các dự án công nghiệp trọng điểm cũng bắt đầu hoạt động.

Theo số liệu từ Savills, có 25 khu công nghiệp mới được thành lập trong 6 tháng đầu năm, tăng 19 khu công nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại một số tỉnh tăng so với năm ngoái nhưng nhìn chung vẫn dừng ở mức ổn định. Yếu tố này cộng với vấn đề hạn chế đi lại khiến cho giá bất động sản tăng khiêm tốn so với giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, một số tỉnh đã có giá thuê tăng mạnh so với cùng kỳ: Hưng Yên tăng trưởng 22% và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng 45%.

Savills: Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các dự án quy mô siêu lớn - Ảnh 1.

Tình hình hoạt động ngành hậu cần kho bãi (logistics) và thương mại điện tử. (Ảnh: Savills).

Savills cho biết, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA và việc di dời ra khỏi Trung Quốc. 

Trong năm 2021, việc phong tỏa và hạn chế đi lại đã làm chậm sự di dời hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc như dự kiến, tuy nhiên hoạt động cho thuê sẽ hiệu quả hơn vào năm 2022.

Theo dự báo, ngoài kho xưởng xây sẵn thì đất công nghiệp và hậu cần sẽ tiếp tục là nhu cầu chính của thị trường năm tới. Bên cạnh đó, nhu cầu trung tâm dữ liệu và kho lạnh được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao vì Việt Nam hiện đang nằm trong tầm ngắm của các dự án có quy mô siêu lớn (hyperscale).

Bên cạnh đó, một số xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục xuất hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo như: Ngành công nghiệp 4.0 & sản xuất chế tạo thông minh; hiện đại hóa chuỗi cung ứng; hình thức bán - thuê lại tài sản; các mô hình khu công nghiệp mới và quy hoạch tổng thể hiện đại...

"Kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc mở cửa những chuyến bay quốc tế sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết cho một năm 2022 thành công, hứa hẹn tình hình phát triển công nghiệp của quý IV sẽ khả quan hơn ba quý đầu năm. 

Cùng với kế hoạch mở cửa trở lại, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn khả năng phục hồi và thích ứng của các doanh nghiệp địa phương.", ông John Campbell cho biết. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.