Nguyễn Mạnh Dũng - Shark Dũng, nói rằng ước mơ đầu tiên của anh là trở thành người phiên dịch cho những nguyên thủ quốc gia. "Lúc ấy, tôi bị ấn tượng bởi 2 người đàn ông ngồi phía sau các nguyên thủ trên tivi nên nghĩ mình phải giống như họ", Dũng nói. Là nghề mở ra cho Dũng nhiều cơ hội nhưng anh cho biết nếu theo nghiệp này, anh sẽ không nói được ngôn ngữ của chính mình. Tìm được ý nghĩa của công việc với chính bản thân và xã hội là thứ Dũng luôn theo đuổi trong hành trình của anh.
- Tốt nghiệp Ngoại thương, trở thành trưởng phòng xuất nhập khẩu của công ty Nhật Bản ở tuổi còn rất trẻ, tại sao anh quyết định nhảy sang làm coordinator ở một công ty công nghệ như FPT, một mảng hoàn toàn khác biệt?
- Thời đấy là những năm 2000, với những sinh viên từ tỉnh lên như bọn tôi, ước mơ khá đơn giản là ra trường, có việc làm theo ngành mình học. Và tôi đã đạt được mục đích đó.
Lúc tôi tham gia vào tập đoàn của Nhật là trước lúc tốt nghiệp 6 tháng, họ mới có trong tay tờ giấy chứng nhận đầu tư thôi. Tôi làm phiên dịch cho quản đốc. Sau đó họ thấy tôi có nghiệp vụ ngoại thương nên chuyển sang phòng xuất nhập khẩu, và khi tốt nghiệp ra trường thì được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng.
Làm một thời gian thì tôi thấy tác nghiệp khá đơn giản. Ở góc độ nào đấy thì công việc khá nhàm chán mà tôi thì thích tìm những thứ sáng tạo, suy nghĩ nhiều hơn chứ không lặp lại hàng ngày.
Chính thế nên khi FPT Software bắt đầu tìm người cho dự án phát triển tại thị trường Nhật, làm ngay tại bên đó, thì tôi quyết định thử thách bản thân.
- Nhưng FPT Software cũng chỉ giữ chân anh được 1 năm, tại sao vậy?
Lần đầu tiên sang Nhật, công ty gửi tôi xuống miền Nam, là khu vực Osaka, nó giống như mình đang học tiếng chuẩn Hà Nội mà vào TP HCM vậy, ngôn ngữ khác hoàn toàn. Tôi hiểu tiếng Nhật nhưng không thể giao tiếp với họ hoàn chỉnh. Lúc này tôi mới thấy cần phải thay đổi.
Khoảng 6 tháng thì tôi nói với sếp quyết định nghỉ Fsoft. Tuy nhiên, công ty lại đang có dự án cần người nên tôi quyết định ở lại làm việc, thêm một thời gian. Trong quá trình đấy, tôi có tham gia hỗ trợ một số trường của Nhật sang Việt Nam tuyển du học sinh. Khi làm, tôi bỗng nghĩ là tại sao mình không học tại Nhật.
Khi ý tưởng này đến, tôi quyết tâm nghỉ để đi học.
- Nghĩa là việc du học bắt đầu từ một suy nghĩ loé lên?
- Ở góc độ nào đấy thì thời sinh viên tôi đã có ước mơ đó rồi. Nhưng sinh viên ngoại tỉnh thì khó có điều kiện. Chính thế, tôi mới nghĩ rằng cách mình đi chắc chắn không giống người khác. Mình đã đi sau rồi còn giẫm lên bước đi của người trước thì không thể làm được. Chính thế nên tôi mới đi làm rồi nuôi giấc mơ của mình. Nói vậy để hiểu là quyết định đi học không phải là sự hào hứng nhất thời, chỉ là thời điểm đấy tôi thấy chín muồi nên quyết định dốc tất cả mọi thứ để đi.
- Dốc hết tất cả như anh nói chính là 6.000 USD bao gồm tiền tự có và vay mượn mà anh đã chia sẻ trước đây? Với số tiền như vậy, điều gì khiến anh tự tin là mình có thể sống và học ở một nơi đắt đỏ như Nhật Bản?
- Thật ra tôi cũng không hiểu chi phí ở Nhật như thế nào vì hồi đầu công tác là công ty bao tất. Khi chuẩn bị đi học, tôi có khoảng 3.000 USD tiết kiệm. Lúc chờ hồ sơ được duyệt, tôi đã tìm thấy nhiều công việc thêm để làm, và tích cóp được 1.000 USD nữa. Sau tôi nhờ mẹ vay thêm 2.000 USD nữa, tổng cộng là 6.000 USD.
Tôi phải đóng mất 5.000 USD cho học phí và tiền kí túc xá 6 tháng và chỉ còn 1.000 USD cho việc ra nước ngoài sống. Nhưng thực ra tôi nghĩ đơn giản, tuổi trẻ có gì để mất đâu. Nửa năm mà không trụ lại được thì lại về làm thuê như bao năm trước đó.
May mắn là sau 1 tuần đầu tiên, tôi tìm được việc rửa chén trong nhà hàng Việt Nam. Sau đó tôi cũng xin được học bổng, cuộc sống cũng ổn định dần.
- Cuộc sống du học sinh của anh như thế nào?
- Chỉ có 3 địa điểm mà tôi được trải nghiệm: trường học - nhà - nơi làm thêm.
Có học bổng nhưng tôi vẫn tiếp tục đi làm, vì mình đi học tự túc, gia đình lại không có điều kiện, nên không những làm còn làm nhiều hơn. Có những hôm rửa chén 13 tiếng từ 10h sáng đến 12 giờ tối, 1 giờ sáng về nhà, 7h lại đi học rồi tiếp tục một guồng quay mới.
Nghỉ hè, ngày tôi làm 3 nơi: sáng làm ở quán ramen, chiều làm quán soba, tối thì nhà hàng Việt Nam. Có những tháng làm 31 ngày liên tục.
Nhưng đấy cũng là khoảng thời gian rất có ý nghĩa, vì tôi được trải nghiệm và hiểu được giá trị của đồng tiền, cũng như vượt qua được những khó khăn như thế nào.
- Những lúc như thế anh có cảm thấy chạnh lòng? Dù gì anh cũng từng làm sếp...
- Nhiều khi tôi cũng đặt ra câu hỏi tại sao mình lại phải đi thụt lùi? Mình đang có nhiều thứ mà không ít sinh viên vừa ra trường mong ước.
Sau này thì tôi thấy quyết định của mình giống như các bạn startup giờ thôi. Đấy là lí do tôi hay khuyên các startup và các bạn trẻ hãy coi mình là CEO của chính cuộc đời mình. Là CEO thì sẽ. biết được đâu là thời điểm mình cần đầu tư vào cái gì. Tôi chỉ bước lùi tạm thời để tiến.
- Dù nói như vậy nhưng có lúc nào anh muốn bỏ cuộc?
- Thực ra là có. Nhưng tôi có 3 người anh em đằng sau, tôi phải gánh vì bố mẹ không có điều kiện. Vì thế, mỗi khi nghĩ đến việc bỏ cuộc thì sẽ không hỗ trợ được mấy đứa em thì tôi không bỏ nổi. Một ngày làm ở Nhật bằng cả tháng ở Việt Nam, đủ tiền học cho các em.
Cũng nhiều đêm tôi về phòng trọ, viết bức thư tầm 6 trang, sau rồi xé, vứt vào thùng rác. Mai lại tiếp tục chiến đấu.
- Cơ duyên nào đưa anh đến với CyberAgent?
- Ở Nhật, năm thứ 3 đại học hoặc năm 1 của master là phải đi tìm việc. Trong hàng trăm hồ sơ gửi đi, ít nhất có được một số lời mời, nếu không thì cơ hội có việc sau tốt nghiệp bằng 0.
Khi tìm việc, tôi có 3 tiêu chí. Một là sử dụng được tiếng Anh, Nhật và Việt. Hai là ứng dụng được kiến thức tài chính kinh tế. Ba là có liên quan đến Việt Nam - Nhật Bản.
Quá trình đó tôi tìm được CyberAgent. Cuối năm 2007, công ty này có ý định sang Đông Nam Á. Họ cũng được giới thiệu một số startup Việt Nam đời đầu nên muốn tìm người có thể giúp họ tìm hiểu thị trường. Tôi được nhận với vị trí là phiên dịch. Sau 3 tháng thì được tuyển chính thức. Đến đầu năm 2009, khi tôi tốt nghiệp thì về làm hoàn toàn.
Trong quá trình hỗ trợ các bạn startup, tôi nhìn thấy chính cuộc đời mình qua các bạn. Rồi càng làm, tôi càng nhận ra ý nghĩa của công việc, cuốn vào guồng quay đó đến nay ngoảnh đầu đã 12 năm.
- Làm thế nào anh thuyết phục được CyberAgent giao nhiều trọng trách hơn và trở thành Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm của họ?
- Tôi nghĩ nhiều lúc cũng là do số phận thôi. Ví dụ ở công ty đầu tiên, người ta có thể hỏi tại sao một sinh viên mới tốt nghiệp có thể trở thành trưởng phòng xuất nhập khẩu. Đơn giản vì không có ai làm, khi mình làm tốt thì mình được giao.
Với CyberAgent, khi về Việt Nam tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu. Anh đồng nghiệp người Nhật sau khi tham gia đầu tư vào Vật Giá thì bỗng nghỉ để... startup. Tôi không còn lựa chọn nào khác là phải chiến đấu một mình. Khi các quyết định đầu tư chuẩn xác, các khoản đầu tư tốt lên thì công ty giao nhiều trọng trách hơn. Tất cả đều là niềm tin, nếu mình là cho người khác hiểu rằng mình đang cố gắng, nỗi lực thì họ tự nhiên sẽ trao quyền thôi.
CyberAgent cũng là công ty khá đặc biệt so với các công ty truyền thống của Nhật, vì làm trong lĩnh vực công nghệ. Tài sản lớn nhất của họ là con người. Để con người phát triển thì phải tin vào họ. Trên tin dưới, dưới tin dưới nữa...
- Điểm khiến anh thấy hấp dẫn nhất khi trở thành một nhà đầu tư là gì?
- Để một founder xây dựng được công ty thành công thì phải trả giá rất nhiều. Các founder rất cô đơn, họ không dễ có được niềm tin từ người khác, ngay cả người thân. Nhiều trường hợp còn bị người yêu, vợ bỏ... nhưng họ vẫn tâm huyết. Ở vai trò nhà đầu tư, tôi muốn được làm bạn với họ, sát cánh chiến đấu với họ để đi đến thành công. Tôi thấy có ý nghĩa trong những hành trình đó.
Đặc biệt ở thị trường Việt Nam, chúng ta không chỉ cạnh tranh nội địa mà còn cạnh tranh với những tập đoàn lớn trên thế giới bởi công nghệ là thứ không biên giới. Thị trường rất khốc liệt, nếu mình không chung tay với startup thì để họ thành công là khá xa vời.
- Việc anh coi mình là bạn với startup có vẻ hơi khác với quan điểm làm "cá mập" - tức vị trí anh đang đảm nhận tại chương trình Thương vụ bạc tỉ?
- Thật ra mọi người cứ gán thế theo chương trình, nhưng tôi không coi mình là "cá mập". Như tôi nói, tôi chỉ coi mình là bạn của những founder, làm sao để giúp họ thành công. Tôi cũng từng tuyên bố là sẽ đi cùng startup cho đến lúc thất bại mới thôi.
Trong quá trình đầu tư, tôi cũng gặp nhiều founder trong trạng thái chiến đấu 24/24 để duy trì sự sống cho startup. Có những trường hợp tôi cho họ vay tiền để có thể trả lương cho nhân viên. Nhưng chỉ khi vượt qua được những chặng như vậy, niềm tin giữa hai bên mới tích luỹ thêm được. Các startup cũng sẽ không còn chỉ nghĩ đến cá nhân mà sẽ muốn xây dựng doanh nghiệp thành công để trả lại những gì mà nhiều người trước đã hỗ trợ họ.
Với tôi, Shark Tank là một sân chơi để startup có thể gọi vốn, nhận được lời khuyên thực tế từ người đi trước và truyền cảm hứng. Tôi tham gia với vai trò như thế. Tôi không hoàn toàn coi đây là nơi để tìm startup đầu tư, bởi đâu đó các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thì mình đã gặp bên ngoài rồi.
Mọi người có thể coi tôi là cá mập bị các cá mập khác cắn cũng được, điều đấy không quan trọng (cười).
- Shark Tank năm nay, hình ảnh Shark Dũng rời ghế cá mập để xuống hỗ trợ ứng viên được lan truyền mạnh mẽ trên diễn đàn. Anh nghĩ gì ở thời điểm đấy? Đến giờ, khi nhìn lại, anh nghĩ gì về hành động lúc đó?
- Với Luxstay, ngay từ ngày đầu về Việt Nam tôi đã gặp Nguyễn Văn Dũng (Steven Nguyễn). Dũng rất đặc biệt, cậu khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, không quan tâm đến học đại học, là một người khá thành công nhưng kín tiếng. Hai anh em khá hợp nhau về mặt cá nhân, chính vì thế những gì Dũng cần tôi hỗ trợ thì tôi hỗ trợ.
Tôi cũng nói với Dũng là nếu ngày nào đó Dũng có tham vọng lớn thì tôi sẽ đầu tư. Đấy là lí do tôi đã 2 lần rót tiền vào Luxstay và kéo các nhà đầu tư khác vào, để cùng xây giấc mơ lớn. Bởi mình nhìn thấy nhiều nền tảng giờ là do người nước ngoài làm, mình là người Việt, mình cũng phải làm gì đó. Nếu bỏ qua thì đi không chỉ là cơ hội mà dần dần những thứ đó sẽ rơi vào tay người nước ngoài hết.
Dũng lên Shark Tank cũng là hi sinh cái tôi, vì cậu không thích bị ra đám đông như thế. Khi thấy bạn mình cần mình thì tôi sẽ tham gia cùng. Tất nhiên, quyết định đó không dễ dàng, tôi đang ngồi cùng vị trí với các nhà đầu tư khác, giờ sang một vị trí khác. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ không quan trọng, vứt cái tôi đi là được. Nếu một ngày nào đấy startup thành công, founder thành công là đủ. Còn cá mập hay không cá mập không quan trọng.
- Như vậy không nhất thiết là Luxstay của Steven Nguyễn, bất cứ statrtup nào khiến anh tin tưởng cũng có thể khiến anh bước xuống cùng chiến đấu?
- Chắc chắn vậy!
- Các công ty do anh đầu tư được đánh giá là lỗ nhiều nhất trong các Shark, anh nghĩ gì về điều này?
- Sự khác biệt giữa tôi và các Shark khác ở chỗ tôi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tôi đang quản lý 1 quỹ đầu tư, chuyên đi đầu tư, chính vì thế số lượng công ty tôi rót vốn nhiều hơn. Shark khác thì có một công việc kinh doanh nhất định nào đấy. Việc xuất hiện trên Shark Tank là để hỗ trợ một thế hệ khởi nghiệp tiếp theo để thành công.
Việc đó với tôi không quan trọng, quan trọng là các Shark cùng chia sẻ giá trị, cùng có tầm nhìn là hỗ tợ thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp theo khởi nghiệp thành công.
- Anh từng nói đầu tư vào startup là đầu tư vào những giấc mơ. Giấc mơ theo định nghĩa của anh trong trường hợp này có gì khác biệt?
- Khi nói đến startup, người ta nói đến ý tưởng. Đương nhiên nó sẽ mới hoặc chưa tồn tại hoặc tồn tại mà chưa hoàn chỉnh. Ở góc độ nào đấy thì cái gì chưa thành hiện thực thì nó vẫn chỉ là giấc mơ.
- Ở vị trí một người đi đầu tư thì mơ mộng tốt hay thực tế thì tốt hơn?
- Tôi đầu tư vào một niềm tin có logic chứ không phải đi mua xổ số. Tôi không bao giờ mua xổ số vì không tin vào trò đỏ đen. Ví dụ mình nhìn được tiềm năng của thị trường, xu thế và phân tích nó cụ thể chứ không phải ảo tưởng.
Ngày xưa, khi phỏng vấn Cyber Agent, CEO công ty nhìn ra cửa sổ và hỏi tôi: Cậu biết ở nước Nhật có bao nhiêu cột đèn không? Nghe vô lí nhưng thực ra họ không cần một câu trả lời chính xác mà xem mình đưa ra một cách giải quyết.
Để trả lời, mình phải hiểu được các cột đèn được bố trí ở đâu, quy mô dân số, các khu dân cư có diện tích như nào… từ đó đưa ra bài toán về logic. Đầu tư cũng thế thôi.
Là con người, ngôn ngữ, màu da, văn hóa có thể khác nhau nhưng nhu cầu về cơ bản là giống. Do đó chúng ta có thể tham khảo các ví dụ về thị trường, đó là logic chứ không phải mơ mộng. Chỉ có điều người thực hiện là ai, có khả năng hay không thì cần thời gian thẩm định. Khi thấy tin tưởng được thì sẽ hỗ trợ giấc mơ cho họ. Đấy chính là sự khác biệt giữa quỹ VC và quỹ PE (Private Equity - quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân) chỉ đầu tư vào công ty có con số nhất định về tài chính.
- Năm 2013, anh có đầu tư vào startup Bizweb, về sau đã đạt 3 giải Nhân tài Đất Việt. Thời điểm đó, lí do nào để anh rót vốn?
- Trần Trọng Tuyến - founder của Bizweb tôi gặp khá lâu trước đó, từ khi tôi đầu tư vào Vật Giá hồi những năm 2009. Năm 2010, Tuyến hỗ trợ Vật Giá làm Bảo Kim. Tuyến là người khá hiền lành, lại rất đam mê công nghệ. Trong quá trình quen biết, tôi cũng thấy được tiềm năng của Bizweb và tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Nhìn thấy được nhu cầu thị trường lớn, giải pháp đưa ra ổn, tin tưởng con người thì tôi đầu tư thôi.
- Anh cho biết ý định tham gia cuộc thi Nhân tài Đất Việt của Bizweb. Cá nhân anh nghĩ như thế nào về quyết định đấy?
- Tôi được Tuyến chia sẻ sẽ tham gia. Với tôi, những gì founder làm mà tốt cho công ty thì tôi sẽ hỗ trợ. Bizweb đi thi thì tôi ủng hộ thôi. Các quyết định của tôi khi đầu tư là về con người, khi tham gia rồi thì tôi tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo, họ cần gì thì tôi giúp, còn tôi không can thiệp sâu vào quá trình điều hành, vận hành. Tôi chỉ giữ vai trò là người tư vấn chiến lược, giúp công ty có tiền, tuyển dụng các key man.
- Vậy khi biết Bizweb đoạt giải, cảm xúc của anh như thế nào? Và sau khi được công nhận bởi cuộc thi Nhân tài Đất Việt, Bizweb có sự thay đổi gì không?
- Nhân tài Đất Việt do báo điện tử Dân trí cùng Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức là Giải thưởng uy tín. Nhiều founder xuất thân từ đấy. Chính vì thế nó càng khẳng định quyết định đầu tư của mình là đúng đắn. Còn cảm xúc, tất nhiên là vui rồi khi startup mình đầu tư, founder mình lựa chọn được nhìn nhận, tin tưởng.
Riêng với sản phẩm, sau khi được thừa nhận bởi một giải thưởng uy tín, các chỉ số về tăng trường cũng đạt khá tốt. Ở thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đang sử dụng giải pháp của Bizweb (đã đổi tên thành Sapo) phát triển khá đều.
- Anh từng chia sẻ “Muốn vượt qua vùng an toàn cần có lí tưởng”, điều này có hơi sến với một nhà đầu tư không khi mà lí tưởng không quan trọng bằng hiệu quả là gì?
- Đó là sự khác biệt của từng nhà đầu tư và từng cá nhân, nó cũng giống cách hiểu về an toàn là gì.
Ví dụ đại đa số cha mẹ đều muốn con cái có công việc ổn định như giáo viên, bác sĩ, công an để đỡ khổ, nhưng ở góc độ nào đấy thì đó là lí tưởng của bố mẹ, không phải của con cái.
Có một công việc ổn định chưa chắc đã là ổn định vì một khi không tiến ắt lùi. Vậy những người đó có sẵn sàng bỏ qua những gì đang được xem là an toàn để bước ra không. Còn bước ra thì phải lùi lại rồi. Phải có nền tảng thì mới tiến lên được, chứ không phải cứ lao ra là tiến lên ngay. Điều này thì ai cũng thấy thôi, nhưng để làm được thì không chắc. Do vậy mới nói đến lý tưởng.
Lí tưởng là sẽ quyết định việc có dám thực thi hay không, bởi khi bước ra có nhiều khó khăn lắm, nếu chỉ chiến đấu vì mình thì dễ buông bỏ, còn nếu chiến đấu vì người khác, vì một thứ gì đó đẹp đẽ chẳng hạn, chúng ta sẽ khám phá nhiều khả năng bất ngờ.
Cảm ơn anh!