Chẳng tự nhiên mà chính những người làm nghề cũng phải ngậm ngùi đánh giá về con đường mình lựa chọn cống hiến và có lẽ, hơn ai hết, họ mới chính là người vô cùng nhói lòng khi tự trào như vậy.
Thời hoàng kim showbiz Việt suy yếu, nhường “sân” cho K-pop lên ngôi
Còn nhớ những năm 1999 – 2000, giai đoạn được cho là thời hoàng kim của văn hoá – nghệ thuật Việt Nam, một loạt ngôi sao nhạc nhẹ được khán giả hết mực tung hô, ca tụng như: bộ tứ Diva Mỹ Linh – Thanh Lam – Hồng Nhung – Hà Trần, Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly, Thu Phương, Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng… khiến showbiz Việt vô cùng “nở mày nở mặt”. Hay như điện ảnh Việt Nam sẽ không bao giờ có thể phai nhoà những cái tên vang bóng: Huỳnh Anh Tuấn, Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương, Xuân Bắc, Mai Thu Huyền…
Từ những chương trình truyền hình, gameshow một thời mà đến nay, thế hệ 7x, 8x vẫn nhắc đến với nhiều tiếc nuối: Hành trình văn hoá, SV 96’… đến các chương trình thiếu nhi: Bông hoa nhỏ, Vườn cổ tích… dù đã thuộc về dĩ vãng nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng khán giả.
Bộ tứ Diva đến nay vẫn là một trong những tượng đài âm nhạc vững chắc của giới văn hoá - nghệ thuật Việt Nam. (Ảnh: Saostar). |
Ở thời điểm đó, nghệ thuật được tôn vinh một cách thực sự đúng mực. Khán giả được đón nhận và tiếp cận những tác phẩm, chương trình văn hoá mang nhiều giá trị ở nhiều khía cạnh: nghệ thuật, sáng tạo, có chiều sâu, nhân văn lẫn cả sự tử tế. Còn bây giờ, mỗi khi nhắc đến hai từ showbiz, chúng ta bắt gặp nhiều hơn hết thảy là những tiếng thở dài hay cái lắc đầu đầy ngao ngán.
Không khó để thông cảm khi phải thừa nhận rằng, sự thay đổi của văn hoá giải trí Việt là do chịu ảnh hưởng từ những nước có sự phát triển về công nghiệp giải trí lớn mạnh mà gần gũi nhất là Hàn Quốc.
Trước đó nhiều năm, ngay cả những nghệ sĩ hạng A thời bấy giờ cũng “vay mượn” âm nhạc Trung Quốc đặc biệt là thời kì nhạc Hoa bất hủ lên ngôi hoặc từ các bộ phim ăn khách. Nhưng điều đáng nói là lòng tự trọng để họ không nghiễm nhiên, trơ trẽn “chiếm đoạt” chất xám của người khác và cho là của mình. Bên cạnh đó, họ liên tục cho ra đời các sản phẩm đi vào lòng công chúng đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, có thể do sự tương đồng về văn hoá nên khi nhạc Việt rơi vào giai đoạn suy yếu cũng là lúc nền nghệ thuật của nước láng giềng cũng ít được vang danh từ âm nhạc đến điện ảnh.
Bộ phim Người mẫu đình đám thuộc thế hệ phim tâm lí Hàn Quốc đầu tiên "đổ bộ" vào Việt Nam và thu hút lượng khán giả vô cùng lớn. (Ảnh: Internet) |
Cũng thời điểm đó, Hàn Quốc tiên phong cho loạt phim truyền hình làm dậy sóng với nội dung giàu cảm xúc, xoay quanh chủ đề gia đình và đánh được vào tâm lí của người Á đông như: Trái tim mùa thu, Người mẫu, Giày thuỷ tinh, Ước mơ vươn tới một ngôi sao… thay thế cho thể loại phim dã sử hoành tráng Trung Quốc.
Bên cạnh đó, âm nhạc gắn liền với từng bộ phim cũng là cảm hứng cho nghệ sĩ Việt bởi giai điệu nhẹ nhàng, dễ cover và đặt lời Việt. Bắt kịp xu thế này, không ít các ca khúc nhạc Hàn – lời Việt được ra đời lúc đó và đến giờ vẫn được khán giả biết đến nhiều: Một lần được yêu (Tuấn Hưng – phim Hoa hướng dương); Mãi mãi (Lam Trường – phim Ước mơ vươn tới một ngôi sao); Hold me (Bằng Kiều song ca với Trần Thu Hà – phim Người mẫu)…
Điều đó cũng phần nào nói lên được thị hiếu của khán giả Việt Nam, đa số đều là những người khá dễ dãi để chiều chuộng. Chỉ cần “ăn theo” những gì mà số đông yêu thích thì dù hay hay dở chưa cần biết, ít nhiều cái thắng của nghệ sĩ là đã gợi được sự tò mò của khán giả.
Theo đà phát triển như vậy, khi giải trí Hàn Quốc đã trở thành “món ăn” tinh thần quen thuộc với đại đa số công chúng Việt Nam, với ngành công nghiệp được nghiên cứu chiến lược kĩ lưỡng cộng với sự chuyển giao thế hệ những năm 2008, các nhà sản xuất xứ kim chi lập tức tung ra một loạt “gà chiến” tạo thành cơn sốt lớn nhất hành tinh.
Làn sóng Hallyu ra đời từ đó cùng một thế hệ nghệ sĩ trẻ được đào tạo, rèn luyện bài bản, chuyên nghiệp và ngoại hình trẻ đẹp, phong cách cá tính như H.O.T, JTL, BIGBANG, 2NE1, SNSD, Super Junior, Se7en, Bi (Rain)… đã đánh bật mọi nền giải trí trong khu vực.
H.O.T được xem là nhóm nhạc Hàn đầu tiên làm nên làn sóng chuộng nhạc phim Hàn Quốc nhờ tạo hình mới lạ, giọng hát nhiều cảm xúc. Ca khúc A song for lady - OST của bộ phim Trái tim mùa thu từng khiến hàng triệu khán giả Việt Nam rơi nước mắt là nguồn cảm hứng cover, đặt lời Việt cho một số nghệ sĩ Việt bấy giờ. (Ảnh: Internet) |
Nguyên nhân dẫn đến sự “tụt hậu” của làng giải trí Việt
Với sự dễ dàng đón nhận của khán giả nói chung phần nào đã “cổ suý” cho cái hạn chế trong sáng tạo của nghệ sĩ Việt. Nếu như trước đó, không ít các tác phẩm trong nước không thua kém nước bạn về độ ăn khách cả phim lẫn nhạc phim có thể kể đến như: Hoa cỏ may (ca khúc nhạc phim cùng tên), Chị tôi (phim Người Hà Nội), Mong ước kỉ niệm xưa (phim Xin hãy tin em), Bài ca đất phương Nam (phim Đất phương Nam), Cô Tấm ngày nay (phim Chuyện nhà Mộc), Những nẻo đường phù sa (phim cùng tên), Giã từ dĩ vãng (phim cùng tên)… thì thời điểm ấy, gần như đều bị lu mờ trước sự phát triển của K-pop.
Bằng chứng là nhiều ban nhóm Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong… tan rã trong khi ban nhóm của Hàn dù đi sau lại chiếm trọn thị trường châu Á thậm chí còn được quốc tế tung hô. Và nó cũng kéo theo thị trường ảm đạm khi ca sĩ vướng vào hoàn cảnh ra album không ai mua, sản xuất phim không có người xem.
Chưa dừng lại ở đó, bởi nền công nghiệp giải trí không chuyên nghiệp vì không có sự tính toán, nghiên cứu, thăm dò dẫn đến việc “tụt hậu”. Khi các nghệ sĩ nước nhà vẫn còn đang loay hoay và bối rối để tìm lại chính mình thì trên thế giới, các sản phẩm giải trí đã tìm được đầu ra theo hình thức phát hành online nhằm tiếp cận với khán giả năm châu tốt hơn và kiếm tiền từ quảng cáo từ đó.
Một lần nữa, để bắt kịp xu hướng này, nghệ sĩ Việt lại “ba chân bốn cẳng” chạy theo và cho ra đời các sản phẩm phát hành online chấp nhận cả việc miễn phí chỉ để kéo khán giả lại phía mình.
Lảng giải trí Việt rơi vào khủng hoảng khi ca sĩ ra đĩa không có người mua, làm phim không có người xem. (Ảnh minh hoạ) |
Nhưng chính cách làm không có sự chặt chẽ, tự dễ dãi với bản thân và làm theo kiểu nhanh ẩu đoảng, buộc phải phụ thuộc vào các sản phẩm đi trước của thế giới nhằm tạo sức hút kéo theo các tác phẩm lẫn hình tượng, tạo hình bị đánh giá là “học đòi”, “ăn cắp”… đã làm nghệ sĩ Việt mất điểm trong lòng chính khán giả nước nhà. Việc tung hô thái quá và kém thẳng thắn của truyền thông cũng góp phần làm cho showbiz Việt trở nên “thê thảm”.
Chúng ta không thể không thừa nhận rằng, tất cả các giai đoạn của showbiz Việt kể từ sau khi thế hệ vàng suy thoái đến nay đều không có sự độc lập hay định hình rõ rệt, bởi chúng ta chưa bao giờ tự tạo ra trào lưu mà khi các loại hình giải trí đã quá trở nên nổi tiếng khắp thế giới thì ở Việt Nam mới “bắt nhịp”.
Khi sự nhốn nháo được biểu hiện rõ rệt, nghệ sĩ tiếp tục bằng mọi cách tìm cho mình con đường mưu sinh kể cả việc phải hoá thân ở các vai trò không đúng sở trường: diễn viên đi làm MC, người mẫu đi làm giám khảo cuộc thi hát, ca sĩ đi chấm thi hài… nhờ sự “trợ giúp” từ các đơn vị sản xuất gameshow hòng kiếm tiền từ các spot quảng cáo, chỉ cần nhân vật đủ “sức nặng” truyền thông là được. Và lại có thêm một sự dễ dãi khác đó là tiêu chí chọn giám khảo cho các gameshow.
Để tạo được hiệu ứng truyền thông cho mình, nhiều nghệ sĩ tạo dựng hình ảnh bằng cách bất chấp scandal hoặc không ngại ngần phơi bày đời sống cá nhân, riêng tư nhằm câu kéo sự chú ý của khán giả.
Nhiều nghệ sĩ "nhắm mắt" bất chấp scandal miễn sao được nhắc đến nhằm tạo dựng hình ảnh và thu hút sự chú ý từ công chúng. (Ảnh minh hoạ). |
“Tại anh tại ả”, tại cả nghệ sĩ lẫn khán giả, truyền thông
Tuy nhiên, nói đi thì cũng nên nói lại. Nếu như đổ vấy hết lên giới văn nghệ sĩ thì quả là bất công. Bởi, bên cạnh một số người mượn danh nghệ sĩ và tạo dựng hình ảnh vô cùng đáng thất vọng thì những ngôi sao vẫn miệt mài cống hiến dù có chạy theo thị trường nhưng lòng tự trọng nghề nghiệp của họ đều rất đáng trân trọng, ngưỡng mộ.
Chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi là: tại sao lại có chỗ cho sự dễ dãi ấy? Phải chăng khán giả khi trách móc nghệ sĩ và dành cho họ những lời lẽ không mấy hay ho cũng nên nhìn nhận lại cách tiếp nhận thông tin của bản thân? Nếu chúng ta quán triệt tư tưởng theo đúng nghĩa đen của từ tẩy chay như showbiz các nước lớn áp dụng thì chắc chắn sẽ gạn lọc bớt được những phần tử xấu.
Dù ở đâu, ngôi sao thứ hạng thế nào hay dùng chiêu trò, hình thức gì cũng vậy, nếu không có môi trường phát huy và có người cổ suý thì chắc chắn sẽ không có cơ hội cho những điều thiếu tử tế sinh sôi.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ cũng nên có sự trân trọng dành cho khán giả bởi họ là những người giúp cho người làm nghệ thuật có chỗ đứng, vị trí vững chắc và nói không ngoa, họ cũng là một phần không thể thiếu để nghệ sĩ có thể bỏ túi thậm chí hàng tỉ đồng mỗi tháng, mỗi năm.
Hãy tôn vinh những điều đẹp đẽ, tích cực và tử tế để mang đến một showbiz Việt đẹp đẽ như một thưở đã từng. (Ảnh minh hoạ). |
Vậy nếu cứ tiếp tục không có sự sáng tạo và cố gắng làm ra các tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, chỉ biết chạy theo cái hào nhoáng, xa hoa mà showbiz “giăng ra”, kiếm tiền bằng mọi “thủ đoạn” thì có phải tình cảm, lòng tin của khán giả dành cho nghệ sĩ hoàn toàn không đúng chỗ?
Nếu như chúng ta ở đây, kể cả nghệ sĩ lẫn khán giả và truyền thông đều thấy buồn lòng hay không đẹp mắt về showbiz thì điều cần làm có lẽ là chung tay bài trừ những cái dễ dãi, đáng xấu hổ để showbiz Việt không còn “xấu xí” trong mắt bạn bè quốc tế hay mãi mãi chỉ là cái bóng phía sau showbiz thế giới.