Siêu dự án tại Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có thể phải đấu giá đất

Với việc thực hiện đấu giá đất theo luật, Ngọc Viễn Đông - Chủ đầu tư trước đây tại Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có thể sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các nhà đầu tư có tiềm lực khác để nắm quyền triển khai "siêu dự án" có vị trí đắc địa hiếm hoi còn sót lại bên sông Sài Gòn.

Cập nhật Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2021, Cảng Sài Gòn đạt 78 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 290% so với cùng kỳ, đạt 29% kế hoạch năm.

Siêu dự án tại Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có thể phải đấu giá đất  - Ảnh 1.

Khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội có vị trí tiếp giáp trung tâm Quận 1 được quy hoạch thành siêu dự án khu đô thị, thương mạiven sông Sài Gòn. (Ảnh: Nguoiduatin).

Thông tin đáng chú ý nhất được KBSV đề cập sau Đại hội là thông tin về dự án có tổng diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 31,5 ha tại khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.

Tường thuật sự kiện, KBSV cho biết, SGP đang xin ý kiến Chính phủ về thời gian di dời, ban lãnh đạo kỳ vọng 2022- 2023 sẽ tiến hành di dời để giải phóng mặt bằng cho dự án.

Trước đó, vào ngày 15/03, Thường trực Chính phủ đã họp về việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn (bao gồm cảng cảng Nhà Rồng-Khánh Hội của SGP) theo Quyết định 46/2010/QĐTTg và giao các bộ ngành liên quan khảo sát, lên phương án và phương án này cần được thẩm định chặt chẽ, đúng pháp luật để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Thông tin thêm về dự án, lãnh đạo Cảng Sài Gòn cho biết khu đất tại cảng Nhà Rồng-Khánh Hội có khả năng cao sẽ phải đấu giá theo luật mới thay vì theo kế hoạch đền bù như trước đây. Như vậy, chủ đầu tư dự án trước đây có thể sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các nhà đầu tư có tiềm lực khác để nắm quyền triển khai dự án.

Được biết, chủ đầu tư dự án trước đây là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông). Đây là đơn vị được thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ 1.154 tỷ đồng; trong đó, Cảng Sài Gòn góp 300 tỷ đồng (chiếm 26%) bằng giá trị tài sản và giá trị lợi thế vị trí địa lý kinh doanh của cầu tàu từ K6-K10 Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Tập đoàn Vingroup góp 513 tỷ đồng, chiếm 45% và Công ty TNHH Phát triển Hạ Tầng Bến Nghé (Bến Nghé IDC) góp 334,6 tỷ đồng, chiếm 29% vốn điều lệ. 

Năm 2016, Ngọc Viễn Đông có chủ trương điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên 5.400 tỷ đồng theo hướng phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, hai cổ đông  Cảng Sài Gòn và Vingroup đã không góp thêm vốn. Bến Nghé IDC với phần vốn góp  4.581 tỷ đồng đã trở thành cổ đông kiểm soát tại Ngọc Viễn Đông với tỷ lệ sở hữu 84,82%.

Theo đó, phần vốn góp của Cảng Sài Gòn lúc này chỉ còn chiếm 5,56% vốn tại "siêu dự án" Nhà Rồng - Khánh Hội. Thậm chí, hồi tháng 5/2017, Cảng Sài Gòn còn bất ngờ có công văn gửi Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thoái hết vốn khỏi dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội. 

Lý do được đưa ra để xin thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông là với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cảng biển, việc quản lý bất động sản không phải thế mạnh của Cảng Sài Gòn. Việc thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông sẽ giúp Cảng Sài Gòn có thêm ít nhất 300 tỷ đồng cho các dự án di dời, phát triển cảng biển.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 1/2019, Cảng Sài Gòn đã bất ngờ thay đổi ý định, đề xuất xin dừng việc thoái vốn tại công ty Ngọc Viễn Đông. Cũng từ đó đến nay, dự án vẫn chưa có tiến triển. 

Trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, Cảng Sài Gòn ghi nhận hai khoản phải trả dài hạn từ Ngọc Viễn Đông bao gồm khoản 79 tỷ đồng tiền ứng vốn để thực hiện di dời, trả người lao động và 850 tỷ đồng tiền ứng vốn để thực hiện Dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. 

Với khoản tiền 850 tỷ đồng, Cảng Sài Gòn cho biết, theo thoả thuận bàn giao ngày 31/8/2017, Ngọc Viễn Đông đã bàn giao lại nguyên trạng cho Cảng Sài Gòn tiếp tục quản lý, khai thác, kinh doanh tại khu dự án Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội. Công ty có trách nhiệm hoàn tất việc di dời, xử lý tài sản trong điều kiện Ngọc Viễn Đông phải hoàn tất thủ tục pháp lý về đất đai dự án. 

Sau khi việc di dời hoàn tất, việc thực hiện quyết toán khoản tạm ứng này sẽ được thực hiện với sự tham gia của Bộ Tài chính, Cảng Sài Gòn và Ngọc Viễn Đông.

Dự án khu phức hợp Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội sở hữu vị trí trải dài ven sông Sài Gòn và mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4. Quy mô dự án theo dự kiến bao đầu gồm: khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp gồm trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ (3.116 căn), biệt thự (32 căn), trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo như phê duyệt tại Quyết định số 6331/QĐ-UBND ngày 30/11/2015 của UBND TP HCM về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Tiểu khu Cảng quận 4, Phường 12, 13 và 18, Quận 4.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội nằm sát nách trung tâm Quận 1 được thị trường kỳ vọng sẽ tạo nên chuỗi siêu dự án ven sông Sài Gòn bên cạnh các dự án Ba Son đang triển khai. Giá căn hộ tại khu vực này ước tính có thể lên đến hàng chục nghìn USD/m2/căn hộ. 

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.