Đức chia sẻ, qua tìm hiểu thực tế em biết nhiều người do đặc điểm công việc mà không có thời gian dùng bữa đúng giờ và nghi ngờ về chất lượng các bữa ăn bên ngoài.
Trong khi đó, những người nội trợ là nữ lại có nhiều thời gian rảnh, muốn kinh doanh ăn uống nhưng lại không có mặt bằng ở nhà hoặc thuê quá tốn kém.
“Chính vì vậy em nghĩ tại sao lại không “gắn kết” họ lại với nhau khi đều có chung nhu cầu là muốn được thưởng thức món ăn đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và muốn kinh doanh để có tiền”, Đức chia sẻ.
Đức giành giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp với ứng dụng chia sẻ dịch vụ ăn uống Friend Dinner. Ảnh: NVCC |
Là sinh viên khối nghành Quản trị kinh doanh, không có nhiều kiến thức về để lập trình, Đức quyết định đăng ký một khóa học Java tại ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM.
Sau nhiều tháng trời mò mẫm với máy tính, Đức cũng đã chính thức cho ra lò “con đẻ” của mình là ứng dụng chia sẻ dịch vụ ăn uống Friend Dinner.
Đức giới thiệu, ứng dụng này hoạt động trên điện thoại di động với nhiều hình ảnh về món ăn cùng giá cả. Khi khách hàng chọn món rồi quyết định đặt thì người nấu sẽ chế biến sau đó giao đến tận nơi người đặt để địa chỉ. Tùy theo món ăn mà giá cả có hai mức là 35 và 40 nghìn đồng/suất.
“Để đảm bảo suất ăn của khách hàng đặt được an toàn, đối tác là những người nội trợ nấu ăn phải tham gia một khóa đào tạo về an toàn thực phẩm. Đồng thời phải ký cam kết sử dụng thực phẩm chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, nấu tại bếp đã đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ”, Đức nói.
Ngoài nhu cầu đặt suất ăn đem đến tận nơi, ứng dụng Friend Dinner còn cho phép người dùng đặt món ăn tại nhà người nội trợ để đến tận nơi thưởng thức.
Theo Đức, đó là một sự hữu ích của ứng dụng giúp kết nối những người muốn có thêm bạn bè, mối quan hệ trong cuộc sống.
Vào ngày 5/7 vừa qua, ứng dụng chia sẻ dịch vụ ăn uống Friend Dinner đã xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi sinh viên khởi nghiệp năm 2017 do Trường ĐH Văn Hiến TP HCM tổ chức với phần thưởng là 40 triệu đồng.
Sáng tạo mới giúp người khiếm thị đọc và viết dễ dàng |