So kè giữa VinFast Lux SA với Brilliance V7: Cửa nào cho xe ‘Trung Quốc’?

Tuy cùng sử dụng chung động cơ của BMW, nhưng hai mẫu xe này lại hoàn toàn khác nhau, đi cùng mức giá chênh lệch tương đối lớn.

Một doanh nghiệp tư nhân Hải Phòng mới đây đã nhập khẩu mẫu xe Brilliance V7 từ Trung Quốc về Việt Nam, với giá bán 738 triệu đồng, đã bao gồm thuế VAT. Mặc dù sử dụng cùng động cơ của BMW nhưng Brilliance V7 lại có mức giá bán bằng phân nửa giá chiếc VinFast Lux SA2.0 đang bán tại thị trường Việt Nam.

Brilliance V7 khiến cộng đồng mạng dậy sóng, bởi mức giá quá hời so với những gì nó mang lại, từ công nghệ thừa hưởng của BMW, kiểu dáng đẹp, nội thất ổn, đến trang bị tiện nghi đầy đủ. Tuy nhiên, khi so sánh với mẫu xe thương hiệu Việt, dễ dàng nhận thấy chiếc xe “ngoại nhập” vẫn đang nằm chiếu dưới. 

So kè giữa VinFast Lux SA với Brilliance V7: Cửa nào cho xe mác ‘Tàu’? - Ảnh 1.

Brilliance V7, mẫu xe có giá rất cạnh tranh với VinFast LuxSA 2.0. (Ảnh: Sina).

Brilliance V7 không cùng phân khúc với VinFast Lux SA2.0

Theo các thông số kĩ thuật được công bố, dễ thấy hai mẫu xe này không cùng chung phân khúc. Mẫu xe tới từ Trung Quốc có chiều dài cơ sở 2.770 mm, và thông số này ở Lux SA 2.0 là 2.933 mm.

Có sự khác biệt này là bởi Brilliance V7 sử dụng chung khung gầm với BMW X3, trong khi VinFast Lux SA2.0 lại dùng platform F15 – platform đang được sử dụng trên các dòng sản phẩm BMW X5 giai đoạn 2014-2018.  

BMW X3 nằm trong phân khúc xe SUV hạng sang cỡ nhỏ, trong khi người anh em X5 của nó được xếp trong phân khúc các mẫu xe SUV hạng sang cỡ lớn. Các thông số khác của VinFast Lux SA2.0 cũng cho một kết quả khác biệt rõ ràng với thương hiệu xe đến từ Trung Quốc.

Đơn cử, kích thước dài x rộng x cao của Brilliance V7 lần lượt là: 4702 x 1932 x 1753 mm và kích thuớc tương ứng trên Lux SA2.0 là 4940 x 1960 x 1773 mm. Rõ ràng chiếc xe thương hiệu VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng có thiết kế hầm hố hơn, nội thất rộng rãi hơn so với mẫu xe ngoại nhập Brilliance V7.

So kè giữa VinFast Lux SA với Brilliance V7: Cửa nào cho xe mác ‘Tàu’? - Ảnh 2.

VinFast Lux SA2.0 ở phân khúc khác so với Brilliance V7. (Ảnh: VinFast).

Về sức mạnh động cơ, Brilliance V7 cũng tỏ ra thua kém khá nhiều VinFast Lux SA2.0, mặc dù được sử dụng cùng công nghệ của BMW. 

Cụ thể, VinFast Lux SA2.0 sử dụng động cơ tăng áp 2.0L cho công suất 228 mã lực, mô men xoắn 350Nm. Hộp số ZF tự động 8 cấp, có tuỳ chọn dẫn động cầu sau hoặc 4 bánh. 

Trong khi đó trên Brilliance V7 chỉ được trang bị khối động cơ 1.6L, công suất tối đa chỉ đạt 204 mã lực, mô men xoắn cực đại 280Nm. Xe cũng chỉ có hệ dẫn động cầu trước nhằm cắt giảm chi phí, và tiết kiệm nhiên liệu. Tổng số 7 mẫu xe trong series X của BMW, hiện chỉ còn 2 mẫu xe giá rẻ X1 và X2 sử dụng hệ dẫn động cầu trước.

Với những trang bị cấu hình, thiết kế như trên, VinFast Lux SA 2.0 được các chuyên gia trong ngành ô tô đánh giá là hoàn toàn có đủ khả năng ngang hàng với BMW X5 và Mercedes GLE - những dòng xe có giá trên 3,5 tỉ đồng. Hiện Lux SA2.0 đang được bán trên thị trường chỉ với mức giá 1,58 tỉ đồng.

Còn Brilliance V7 sẽ nằm chung phân khúc của các dòng xe như BMW X3, Mercedes GLC, Audi Q5 hay Lexus NX với giá khoảng 1,9 tỉ đồng. Hiện Brilliance V7 nhập khẩu được bán tại Việt Nam với giá 738 triệu đồng.

Do đó, mức chênh lệch giá giữa hai chiếc xe là hoàn toàn hợp lí.

Hãng xe Brilliance bị quay lưng tại quê nhà Trung Quốc?

BMW Brilliance là tên gọi chính thức của hãng xe này, được thành lập vào ngày 27/3/2003 dưới cái bắt tay hợp tác của BMW và Brilliance Auto tại Thẩm Dương, Trung Quốc. Trong đó BMW nắm giữ 50% cổ phần, Brilliance Auto giữ 40,5% và chính quyền thành phố Thẩm Dương giữ 9,5% cổ phần.

Vốn đăng kí đầu tư ban đầu của liên doanh này là 483 triệu USD. Chiếc xe đầu tiên được sản xuất và bán ra thị trường là vào tháng 10/2003. 

Tháng 4/2009, BMW Brilliance quyết định sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp ô tô thứ 2 tại Trung Quốc, với chi phí 73,53 triệu đồng, công suất 100.000 xe/năm. 

Tháng 10/2018, BMW tuyên bố tăng tỉ lệ sở hữu liên doanh từ 50% lên 75% và trở thành nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên nắm quyền kiểm soát công ty liên doanh tại Trung Quốc. Cái giá mà BMW phải trả cho 25% cổ phần này theo The Star tiết lộ là 4,1 tỉ USD. 

So kè giữa VinFast Lux SA với Brilliance V7: Cửa nào cho xe mác ‘Tàu’? - Ảnh 3.

BMW Brilliance không được nhiều người đón nhận ngay tại quê nhà. (Ảnh: 3D Car Shows).

Cùng năm đó, phát biểu tại sự kiện ra mắt Brilliance V7, ông Qi Yumin - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Brilliance, bày tỏ tham vọng: "Chúng tôi luôn muốn trở thành một BMW của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, những số liệu gần đây cho thấy BMW Brilliance đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. 

Vừa qua, Brilliance Auto China đã công bố báo cáo kinh doanh năm 2019. Trong đó cho thấy doanh thu của hãng giảm 11,77% so với cùng kì, xuống còn 3.862 tỉ nhân dân tệ; lợi nhuận gộp đạt 74 triệu nhân dân tệ, giảm mạnh 74,04% so với cùng kì năm trước. 

Doanh số bán hàng các dòng xe của Brilliance Auto cũng sụt giảm rõ rệt trong năm qua. Doanh số chiếc BMW 2 Series rất ảm đạm, chỉ đạt 3.680 chiếc trong năm 2019, giảm 56,7%. 

Trong khi đó doanh số chiếc Brilliance V7 thậm chí còn tồi tệ hơn. Trong năm 2018, năm đầu tiên V7 ra mắt tại thị trường Trung Quốc, doanh số đạt 12.670 chiếc, thế nhưng trong cả năm 2019, mẫu xe được cho là có nguyên mẫu từ BMW X3 lại chỉ bán được 5.648 xe, giảm gần 50%.

Phóng viên người Trung Quốc - Wang Yan của tờ Technology.net, nhận định: “Thương hiệu Brilliance Auto China từng có quá khứ huy hoàng, nhưng giờ nó chỉ còn là những ánh sáng le lói. Hi vọng trở nên lớn mạnh khi bắt tay cùng với BMW đã bị dập tắt. Vì núp quá lâu dưới cái bóng của BMW, Brilliance Auto China đã đánh mất chính mình”.

Điều gì đến từ những mẫu ô tô giá rẻ?

Ô tô luôn là món hàng xa xỉ với người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với tham vọng "phổ cập" ô tô tới nhiều khách hàng nhất có thể, các hãng xe làm ô tô giá rẻ trên thế giới đã nhanh chóng gặp thất bại và đi đến bờ vực phá sản. 

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có hai lí do chính mà các chuyên gia trong ngành chỉ ra, đó là giá mua xe rẻ thì đi kèm với chi phí sử dụng cao và độ an toàn kém. Do đó, những chiếc xe này nhanh chóng bị người tiêu dùng quay lưng.

Đơn cử, năm 2005, Tata giới thiệu chiếc xe cỡ nhỏ đầu tiên tại Ấn Độ mang tên Tata Nano, với mức giá chỉ vỏn vẹn 2.000 USD, ngang bằng với một chiếc Honda Air Blade ở Việt Nam. Mẫu xe này được mệnh danh là "chiếc xe của người dân".

Thành công ngay lập tức đến với Tata Nano khi có hơn 50.000 đơn đặt hàng trong 5 ngày đầu tiên xe ra mắt. Nhưng rồi sức hút dần mất đi khi khách hàng nhận ra giá trị thật sản phẩm của Tata, khiến doanh số Nano liên tục giảm sút. 

Năm 2017, mức tiêu thụ của Tata Nano không đến 1.000 xe/tháng và đến nay, người ta không còn nhìn thấy một chiếc Nano nào chạy trên đường phố.

So kè giữa VinFast Lux SA với Brilliance V7: Cửa nào cho xe mác ‘Tàu’? - Ảnh 4.

Ô tô giá rẻ đi kèm với chất lượng không đảm bảo. (Ảnh: Bloomberg).

Nano gây thất vọng bởi chi phí sử dụng khá cao và không an toàn cho người lái. Để cắt giảm chi phí, Tata quyết định loại bỏ càng nhiều những tính năng bổ sung "không cần thiết" càng tốt.

Một thời gian ngắn sau khi bán ra thị trường, vào năm 2009, Tata Nano gặp sự cố lớn khi liên tục cháy nổ. Sau hàng loạt vụ cháy, Tata đổ lỗi cho "thiết bị điện nước ngoài" là nguyên nhân hỏa hoạn. 

Mặc dù sau đó, nhà sản xuất này quyết định tăng thời gian bảo hành từ 18 tháng lên 4 năm, và cung cấp thêm phương tiện chữa cháy, người tiêu dùng đã bị mất niềm tin và doanh số Nano cũng tụt dốc không phanh.

Nhìn sang Malaysia với hai thương hiệu xe ô tô quốc dân là Proton & Perodua. Proton đã được bán cho Geely - một hãng xe Trung Quốc. Trong khi đó Perodua đang phụ thuộc vào sự hợp tác với Daihatsu của Nhật. 

Daihatsu là một công ty con của Toyota, chuyên sản xuất các dòng xe đô thị với chất lượng trung bình, giá rẻ. Thị phần chủ yếu ở tại Ấn Độ và Đông Nam Á, những quốc gia có nền công nghiệp ô tô chưa phát triển.

Mới đây, dựa trên nguyên mẫu xe Ayla của Daihatsu, Perodua đã cho ra mắt chiếc Perodua Axia. Tuy nhiên mẫu xe này lại được đánh giá là tệ nhất trong phân khúc xe hạng A. Do đó, có thể thấy mặc dù được trợ giá bởi Chính phủ Malaysia, nhưng chất lượng không đảm bảo Perodua vẫn không được đánh giá cao tại quê nhà, và hoàn toàn không đủ năng lực để ra biển lớn.