Sửa luật Kinh doanh bất động sản: Ngăn các sàn câu kết ôm hàng, làm giá

Trong Tờ trình Chính phủ Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng cho biết có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch, làm nhiễu loạn thị trường.

Theo Bộ Xây dựng, mô hình sàn giao dịch kinh doanh bất động sản đã được quy định nhưng hoạt động còn bất cập, chưa đảm bảo việc quản lý các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.

Quy định về điều kiện thành lập, hoạt động sàn giao dịch bất động sản còn đơn giản, dẫn đến có nhiều bất cập trên thực tế.

Đơn cử như chưa hình thành được hệ thống giao dịch đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, đảm bảo kiểm soát tốt tính pháp lý của các giao dịch bất động sản, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. 

Nhiều Sở Xây dựng địa phương không quản lý được số lượng các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Chất lượng hay năng lực thật sự của các sàn giao dịch này cũng chưa được đánh giá và quản lý hữu hiệu bằng công cụ quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Để khắc phục các tồn tại này, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã dành mục 2, chương 7 quy định về sàn giao dịch môi giới bất động sản với các nội dung như nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn, điều kiện thành lập của sàn, đăng ký hoạt động của sàn, nội dung hoạt động của sàn, quyền của sàn, nghĩa vụ của sàn; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia sàn. 

Trong đó, đáng chú ý, Điều 61 và Điều 62 của Dự thảo quy định về mô hình hoạt động của sàn như sau: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phải đảm bảo điều kiện và đăng ký hoạt động theo pháp luật kinh doanh bất động sản.

Điều 63, 65 của Dự thảo cũng quy định rõ các nội dung hoạt động và nghĩa vụ của các sàn giao dịch môi giới bất động sản.

Theo đó, sàn giao dịch niêm yết, cung cấp công khai thông tin về bất động sản đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh cho các bên tham gia có nhu cầu giao dịch; cung cấp các thông tin giao dịch bất động sản cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Các sàn cũng thực hiện báo cáo các thông tin về hoạt động kinh doanh của sàn đến cơ quan quản lý nhà nước theo quy định hoặc khi có yêu cầu.

Sàn phải đảo đảm bất động sản được đưa lên sàn giao dịch đủ điều kiện được giao dịch; cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

Các sàn thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra; quản lý môi giới và người làm động trong việc tuân thủ pháp luật; chấp hành quy định của pháp luật về lao động; hằng năm tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức hành nghề cho môi giới; thực hiện lưu trữ hồ sơ khách hàng theo quy định...

Dự kiến Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) của Quốc hội khóa XV và được thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/ 2023).

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.