Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu'

"Phố cà phê đường tàu" Hà Nội kéo dài từ phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) tới phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) đã tồn tại từ 5 - 6 năm nay. Mọi hoạt động từ hàng rong, quán ăn uống, đến "check in" chụp ảnh lưu niệm của du khách trong ngoài nước ... đều diễn ra trong khoảng cách 1,5 m hai bên đường tàu, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đường sắt. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề nghị TP Hà Nội giải tán tuyến "phố" này, nhưng chưa biết đến bao giờ thực hiện được.

Theo Điều 9, Nghị định số 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn đường sắt, phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng đối với đường sắt khổ 1m là 5,3m; phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra được xác định đối với đường sắt đô thị là 5,4m.

Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu' - Ảnh 1.

Người dân và du khách thản nhiên du ngoạn, vui chơi, chụp ảnh trong khu vực nguy hiểm.

Đối chiếu với điều luật này, thì "Phố cà phê đường tàu" đã vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, tuyến phố sầm uất này đã tồn tại, không bị giải tỏa như thách thức dư luận và pháp luật, và càng ngày càng thu hút đông du khách trong ngoài nước đến chỉ vì hiếu kỳ.

Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu' - Ảnh 2.

Phố cà phê đường tàu tấp nập bởi sự hiếu kì của du khách.

Trong khoảng cách 1,5 m tính từ hai bên đường sắt, mọi hoạt động, hàng rong, hàng quán, xây dựng, tập kết vật liệu, xe máy đi lại, xả thải, đổ thải rác... lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường sắt... diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Thậm chí, mỗi khi tàu hỏa đến/đi, chỉ cách đầu đoàn tàu lăn bánh chưa đầy một phút, các hoạt động hàng quán và người dân mới cuống cuồng nép sát vào hai bên tường, quán trên tuyến phố để tránh tàu. Và ngay sau khi đoàn tàu đi qua, mọi thứ lại sôi động, nhộn nhịp như cũ.

Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu' - Ảnh 3.

"Check in" chụp ảnh cưới lưu niệm trên đường tàu.

Chỉ khi có loa phát thanh phát ra từ các trạm gác chắn tàu tại các nút giao trên Phố cà phê đường tàu, thì mọi hoạt động mới tạm dừng lại để tàu đi qua trong gang tấc. Bàn ghế, vật dụng... của các hàng quán thì giữ nguyên tại chỗ vi không kịp xê dịch, sát sàn sạt thành tàu chạy qua, nhìn đến "rợn tóc gáy".

Mục sở thị "Phố cà phê đường tàu" khi có đoàn tàu đi qua, mới thấy được sự "dũng cảm" tới liều lĩnh của người dân sinh sống bao năm nay trên tuyến phố, cũng như sự coi thường luật pháp, tính mạng của chính các du khách, trước những tai nạn không báo trước có thể xảy ra bất cứ phút giây nào.

Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu' - Ảnh 4.

Du khách nước ngoài "đo" thử khổ đường tàu chạy của Việt Nam.

Chị Phạm Minh Châu, nhân viên gác chắn tàu tại Trạm gác chắn nút giao phố Trần Phú - Lý Nam Đế cho biết, tuyến phố này đã tồn tại từ lâu, biển báo Khu vực nguy hiểm: Không tụ tập đông người , quay phim, chụp ảnh; không đi, đứng, ngồi trên đường sắt; không kê bàn ghế, bày bán hàng rong trong lòng và hai bên đường sắt được niêm yết to, rõ ràng tại các khu vực nút giao ra vào tuyến đường sắt, nhưng không được người dân chú ý chấp hành.

"Mặc dù được nhắc nhở nhiều lần, nhưng do không phải nhiệm vụ, chức năng của nhân viên gác chắn, nên nhiều người coi thường. Tình trạng này để lâu thành ngang nhiên. Thậm chí, hàng ngày đều có lực lượng chức năng sở tại đi tuần kiểm tra, yêu cầu các hộ dân, hàng quán, du khách chấp hành quy định và xử phạt hành chính, nhưng cứ sau khi lực lượng này rút đi, mọi chuyện đâu lại vào đấy...", chị Phạm Minh Châu cho biết.

Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu' - Ảnh 5.

Hàng rong, hàng quán... tất cả đều diễn ra hai bên đường sắt.

Trước thực tế trên, Bộ GTVT mới đây đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ra quân giải tán, xử lý dứt điểm các tụ điểm kinh doanh hàng quán trên "Phố cà phê đường tàu" này, vì tại đây thường xuyên tụ tập đông người hiếu kỳ xem tàu chạy và chụp ảnh “check-in” hàng ngày, gây mất an toàn giao thông; đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật về đường sắt đến người dân. Văn bản nêu rõ, thành phố phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương cơ sở để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm hành lang, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Tuy nhiên, trong sáng 6/10/2019, tại "Phố cà phê đường tàu", các hành vi nguy hiểm vẫn chưa có biểu hiện chấm dứt:

Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu' - Ảnh 6.

Lẵng hoa chờ du khách đến chụp ảnh lưu niệm trên đường sắt.

Tai nạn không báo trước ở 'Phố cà phê đường tàu' - Ảnh 7.

Nhà bếp của quán phở vẫn hoạt động trên Phố cà phê đường tàu.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.