Nếu tăng giá phí, giá vé máy bay chắc chắn chịu sức ép tăng giá - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Hành khách mất thêm phí
Trước đó, ACV đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh, cơ cấu lại một số giá dịch vụ hàng không, như tăng giá phục vụ hành khách quốc nội thêm 30.000 đồng/khách với cảng hàng không (CHK) nhóm A, tăng 10.000 đồng/khách với CHK nhóm B, điều chỉnh tăng 15% giá hạ - cất cánh quốc nội, giá đảm bảo an ninh hàng không tăng 5.000 đồng/khách với quốc nội, tăng 0,5 USD/khách với quốc tế. Doanh nghiệp này cũng đề xuất điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc tế tại một số sân bay mới gồm Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng... phù hợp với chi phí đầu tư và chất lượng dịch vụ theo lộ trình 2 năm/lần. Mục đích điều chỉnh giá dịch vụ hàng không quốc nội không quá chênh lệch với quốc tế để bù đắp chi phí đầu vào cho ACV.
Đại diện ACV cho rằng, sự chênh lệch lớn giữa giá quốc tế và quốc nội dẫn đến tình trạng chỉ có 4 sân bay khai thác quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh và Đà Nẵng có lãi. Trong khi đó, mức giá thu dịch vụ tại cảng quốc nội quá thấp khiến các nhà đầu tư xã hội hóa chỉ tập trung vào đầu tư các nhà ga hành khách quốc tế do tỷ suất sinh lời cao. ACV cũng cho rằng, doanh nghiệp này chỉ đạt lợi nhuận 1.100 tỉ đồng từ dịch vụ hàng không trong năm 2016, trong khi những ưu đãi về giá dịch vụ thấp khiến các hãng hàng không nội đạt doanh thu và lợi nhuận rất cao. ACV đề xuất tăng các loại dịch vụ trên từ đầu năm 2017, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các CHK 5.561 tỉ đồng/năm trong thời gian tới.
Theo tính toán của chính ACV, nếu đề xuất được phê duyệt, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỉ đồng/năm, tương đương 5.188 đồng/hành khách (khoảng 0,11% giá vé máy bay). Về phía hành khách, chi phí tăng thêm là 40.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm A (chiếm tỷ lệ 0,8% giá vé máy bay) và tăng 20.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm B (chiếm 0,5% giá vé máy bay).
Tăng phí là không hợp lý
Được biết, mới đây ACV, các hãng hàng không và đại diện Bộ GTVT cũng đang họp bàn về việc tăng giá phí này. Theo đại diện một hãng hàng không, trên thực tế nhiều dịch vụ hàng không do ACV cung cấp đã liên tục tăng giá trong những năm qua.
Một nguồn tin cho hay, tới thời điểm này, Bộ GTVT vẫn chưa đồng ý với đề xuất tăng giá phí dịch vụ trên của ACV. Tuy nhiên, nếu có được cái gật đầu từ phía Bộ GTVT, việc điều chỉnh giá phí sân bay nhiều khả năng sẽ tác động lên giá vé máy bay.
Không đồng tình với đề xuất tăng các loại giá vé dịch vụ sân bay của ACV, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng việc tăng phí có thể giúp ACV tăng doanh thu và tăng thu cho ngân sách. Nhưng ngược lại, sẽ gây thiệt hại cho các hãng hàng không và đặc biệt là người tiêu dùng phải gánh chịu cuối cùng. “Nhà nước cần phải tính toán để cân đối lợi ích giữa các bên, ACV hiện vẫn là đơn vị kinh doanh độc quyền trong lĩnh vực CHK nên đương nhiên muốn tăng, và nếu tăng thì các hãng hàng không cũng phải chịu, nhưng chi phí cuối cùng thì hành khách là người phải chi trả”, ông Sanh nói.
Ông Sanh phân tích, “ACV đưa lý do phí dịch vụ các chặng bay nội địa đang thấp hơn nhiều lần chặng bay quốc tế để đề xuất tăng phí bay nội địa, thực ra là chiêu bài thôi. Bởi trước đây cũng chính đơn vị này cho rằng dịch vụ bay quốc tế phải mắc hơn dịch vụ các chặng bay quốc nội, lý luận thật kỳ quặc”. Cũng theo chuyên gia này, các chặng bay quốc nội chủ yếu người trong nước đi nên phải phù hợp với thu nhập bình quân của người VN. Còn khách quốc tế thường là những người có thu nhập cao hơn, theo lệ thường phải ưu tiên cho người trong nước.
TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận xét: Xã hội hóa đầu tư sân bay thời gian qua diễn ra quá chậm. Về lâu dài, cần phải cho nhiều doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư sân bay, tạo sự cạnh tranh giữa các công ty cung cấp dịch vụ sân bay, từ đó mới có giá phí hợp lý thay vì một ông quản lý như hiện nay.