Tập đoàn Đèo Cả đề xuất hướng đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang

CTCP Tập đoàn Đèo Cả vừa có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Khánh Hoà đề xuất phương án triển khai dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Thông tin từ Đèo Cả, tập đoàn này vừa có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Khánh Hoà đề xuất phương án triển khai dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2016.

Công trình có chiều dài 83 km, điểm đầu kết nối với hầm Đèo Cả tại nút giao phía nam hầm Cỗ Mã. Đây là một trong những dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được ưu tiên triển khai trong giai đoạn năm 2021 - 2025.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất hướng đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang - Ảnh 1.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài 83 km có điểm đầu từ nam hầm Cổ Mã. (Ảnh: Khải An).

Thời gian qua, Đèo Cả đã tổ chức khảo sát hướng tuyến, điểm đấu nối nút giao với quy hoạch đường bộ của địa phương, đồng thời rà soát quy hoạch mỏ vật liệu của địa phương khu vực tuyến cao tốc đi qua để kiểm soát giấy phép khai thác, trữ lượng, khoảng cách vận chuyển đến công trình,…

Theo nghiên cứu, cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng mức đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến ban đầu, cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 47,6%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động, thời gian hoàn vốn là 21 năm.

Tuy nhiên, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Bộ GTVT đề xuất sử dụng thêm nguồn vốn từ gói kích cầu kinh tế. Cụ thể, vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) tham gia vào dự án hơn 61%, thời gian hoàn vốn giảm xuống còn 15 năm.

Đèo Cả đề xuất giải pháp cơ cấu nguồn vốn tối ưu để triển khai dự án theo phương thức "3 chữ P" gồm nguồn vốn NSNN, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác thông qua các hình thức cổ phiếu, phát hành trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), tín dụng,... từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Trước đó, tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Đèo Cả đã huy động gần 2.100 tỷ đồng thông qua hợp đồng BCC với các đơn vị để tổ chức thi công.

Vào tháng 7 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất triển khai tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Vân Phong – Nha Trang.

Lãnh đạo tỉnh này kiến nghị Thủ tướng giao cho tỉnh Khánh Hòa là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện hợp phần dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Vân Phong – Nha Trang theo hình thức đối tác công tư PPP có sự tham gia phần vốn Nhà nước theo quy định.

Theo đề xuất, tổng mức đầu tư dự kiến chưa bao gồm lãi vay là 12.906 tỷ đồng.

Tỉnh xin được áp dụng cơ chế đặc thù theo Đề án "Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030" khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điểm đầu của đoạn cao tốc này tại Km285, nút giao phía nam hầm Cổ Mã, địa phận xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại vị trí giao với đường quốc lộ 27C thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, kết nối với dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Nha Trang – Cam Lâm.

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất hướng đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang - Ảnh 2.

Điểm cuối cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại nút giao quốc lộ 27C tại huyện Diên Khánh. (Ảnh: Khải An).

Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy mô của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn tới Cà Mau có quy mô 4 làn xe.

Trong đó, đoạn Vân Phong – Nha Trang có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, tốc độ thiết kế 100 – 120 km/h. Để phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực và đảm bảo hiệu quả đầu tư, Ban quản lý dự án 7 đề xuất phân kỳ đầu tư dự án.

Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m; cứ 4 – 5 km bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp, khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ bắt đầu tuyển chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2022, khởi công công trình sau khoảng 6 tháng và hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2024.

Tập đoàn Đèo Cả là chủ đầu tư của loạt dự án bao gồm dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2), dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…

Hiện nay, tập đoàn đã trúng thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn, cầu Cửa Lục, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả,... và đang xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo tại các tỉnh thành khác như Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên…

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.