Tây Ninh dự kiến quy hoạch ba vùng đô thị

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh sẽ có ba vùng đô thị, 4 trục hỗ trợ phát triển đô thị và ba cụm đô thị trọng điểm.

Một góc TX Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh hiện nay. (Ảnh: Tổng cục Du lịch).

Theo dự thảo về việc quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh sẽ có ba vùng đô thị, 4 trục hỗ trợ phát triển đô thị và ba cụm đô thị trọng điểm.

Theo đó, dựa vào cấu trúc kinh tế và động lực phát triển vùng, tỉnh Tây Ninh được chia làm ba vùng đô thị: Vùng đô thị công nghiệp gồm TX Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ công nghiệp, và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tâm phát triển của vùng 1 là tam giác Trảng Bàng – Phước Đông – Gò Dầu.

Vùng đô thị văn hóa, dịch vụ và du lịch gồm TP Tây Ninh, TX Hòa Thành, vùng phía tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía đông huyện Châu Thành. Vùng 2 là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, phát triển đô thị có tính lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng.

Vùng đô thị sinh thái và cảnh quan gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía tây Châu Thành và phía bắc Bến Cầu. Đây là vùng phát triển Nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ.

4 trục hỗ trợ phát triển đô thị gồm Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và QL 22; 22B, là hành lang phát triển Bắc Nam chính của tỉnh Tây Ninh. Trục số 2 gắn với tuyến đường N2 và QL 22, hàng lang kết nối liên vùng với Bình Dương và Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với QL 13, QL 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3 gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa KCN Bến Củi, Thạnh Đức, KKT cửa khẩu Mộc Bài đi 532 Campuchia, kết nối với TP HCM thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31, CT32 và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4 gắn với ĐT 781, đây là hành lang kết nối liên vùng theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Ba cụm đô thị trong điểm gồm: Trọng điểm 01 là cụm đô thị TP Tây Ninh - TX Hòa Thành lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng, đây là cụm đô thị trung tâm của tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, văn hóa, tôn giáo và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh; là trung tâm cấp vùng về thương mại - dịch vụ, du lịch văn hóa, lịch sử.

Cụm đô thị này phát triển đô thị theo hướng tạo dựng các khu vực dịch vụ, hình thành các cụm thương mại dịch vụ hỗn hợp đa chức năng kết hợp không gian ở, có sự kết hợp đa dạng, hỗn hợp chức năng công trình gắn với hình thành đầu mối giao thông công cộng; khuyến khích hoạt động thương mại dọc theo các tuyến phố.

Chú trọng thiết kế đô thị và quản lý xây dựng nhằm đảm bảo hình ảnh đô thị đồng bộ, dấp dẫn, hiện đại; chú trọng không gian dành cho người đi bộ; không gian công cộng, không gian xanh đô thị được đầu tư về thiết kế cảnh quan và đảm bảo tiện nghi.

Định hướng phát triển đô thị mới tại một số khu vực có tiềm năng như khu vực rạch Tây Ninh, khu vực lân cận Núi Bà Đen lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng

Trọng điểm 02 là cụm đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu - Mộc Bài, đây là cụm đô thị động lực của vùng phía nam của tỉnh, là đầu mối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang Xuyên Á, là khu vực cửa ngõ kết nối với TP HCM của tỉnh, kết nối với vùng Đông Nam Á thông qua KKTCK Mộc Bài; là trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ - logistics, giáo dục - đào tạo cấp vùng.

Phát triển chuỗi đô thị dọc theo hành lang kinh tế Xuyên Á, trong đó đô thị Mộc Bài trở thành động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Hình thành các khu vực thương mại dịch vụ sôi động gắn với phát triển nhà ở tại các khu vực có giao thông thuận lợi; xác định các trọng điểm và các trục không gian chính nhằm tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Trọng điểm 03 là phát triển dọc sông Sài Gòn, khu vực này sẽ phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng môi trường sống, hình thành sức hấp dẫn dân cư, thu hút chuyên gia, người lao động tới làm việc tại Tây Ninh.

Cùng với đó, phát triển hình thái nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng chất lượng cao, hình thành các khu vực thương mại dịch vụ tại các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi dọc sông Sài Gòn, kết nối các không gian xanh tạo tuyến sinh thái liên tục từ khu vực ven sông giao thoa đô thị công nghiệp - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.