Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.
Cụ thể, Hội đồng thẩm định liên ngành Dự án BOT sân bay Phan Thiết do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các thành viên của Hội đồng là lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận.
Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Nghị định ngày 29/3 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo phê duyệt điều chỉnh hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, sân bay Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4E với chức năng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (cấp I), có hoạt động bay quốc tế, với 1 đường cất hạ cánh, chiều dài là 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế hai triệu hành khách/năm.
Sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, rộng 543 ha. Dự án từng được khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó tạm dừng. Nay dự án được tái khởi động, dự kiến vào cuối 2022 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
Vào đầu tháng 4, tại tỉnh Bình Thuận đã diễn ra lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án đầu tư xây dựng Sân bay Phan Thiết.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, cả nước có 28 cảng hàng không (15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế). Trong đó, Phan Thiết là một trong 6 cảng hàng không quốc nội ở khu vực phía Nam, cùng với Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá và Cà Mau.