Thi lớp 10 căng hơn thi đại học

Học sinh khối 9 trên địa bàn TP HCM đang tăng tốc ôn luyện, giải thử đề thi để chuẩn bị bước vào cuộc đua tuyển sinh lớp 10 sắp tới.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM sẽ diễn ra vào ngày 2 và 3/6. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP HCM, năm nay tổng số thí sinh dự thi là 80.327. TP HCM có 135 điểm thi, trong đó 126 điểm thi lớp 10 thường và chín điểm thi lớp 10 chuyên.

Căng thẳng ôn thi trước giờ G

Là phụ huynh có con học tại Trường THCS Kiến Thiết (quận 3), chị Đức Hạnh cho biết thời điểm này dù đã cận ngày thi nhưng con chị vẫn phải đi học suốt ngày.

 “Ban ngày con học ôn tại trường với ba môn Văn, Toán, Anh. Tan học, con lại chạy qua lớp học thêm Toán và Văn ở ngoài. Thấy con học cả ngày tôi cũng xót nên chỉ biết động viên con” - chị Đức Hạnh nói.

Em TA, học sinh (HS) một trường THCS tại quận 2, than thở: “Trong ba môn, em chỉ học tốt duy nhất một môn nhưng ba mẹ vẫn bắt buộc em tham dự kỳ thi sắp tới. Em biết rất rõ năng lực của mình, em cũng nói rõ với gia đình về sức học nhưng ba mẹ bắt em phải học làm sao để đậu vào một trường công lập, còn trường nghề hay trường tư là không thể.

Dù không muốn, dù học không vào chữ nào nhưng em vẫn phải đi học suốt. Em phải học trên trường, đến ôn luyện thi tại trung tâm, cho đến mời gia sư về nhà dạy. Giờ nhìn thấy chữ là em nhức đầu. Em rất căng thẳng và áp lực”.

Vừa kết thúc lớp học thêm với cô giáo ở quận 3 lúc 9 giờ sáng, TQ (HS lớp 9 Trường THCS Hai Bà Trưng, quận 1) đã chạy sang Gò Vấp để học tiếp môn tiếng Anh. Chiều lại có gia sư đến tận nhà luyện thi.

 “Giờ mỗi ngày đối với em giống như một cuộc đua. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ thi rồi nên em phải ôn luyện thật kĩ. Kì thi này đối với em rất căng thẳng. Em phải cố gắng hết sức để có một suất vào công lập, Trường THPT Hoàng Hoa Thám”, Q. nói.

Thi lớp 10 căng hơn thi đại học - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Collete, quận 3, TP HCM. (Ảnh: THẠCH ĐÀO).

Bật mí cách làm bài

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đây là giai đoạn “nước rút”, ngoài việc ôn tập kĩ, cần phải có phương pháp làm bài thích hợp mới có thể đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.

Chia sẻ về cách làm bài thi môn ngữ văn, một giáo viên dạy văn ở quận 3 cho biết bình tĩnh là điều quan trọng nhất. 

“Các em cần phải đọc bao quát toàn đề, gạch dưới yêu cầu của đề và dẫn chứng ngữ liệu đề cho. Đối với phần nghị luận xã hội, mở bài nên từ chủ đề có sẵn trong bài dẫn dắt vào; thân bài chú trọng phần liên hệ (vấn đề này có tác động như thế nào với mình; khi tìm hiểu xong có định hướng gì cho lối sống, suy nghĩ, hành động), đặc biệt không quên phần kết bài. 

Đối với phần nghị luận văn học cần đọc kĩ hai đề, lập dàn ý. Các em phân phối ý cân đối, tránh sa đà vào một luận điểm quá nhiều, nếu còn ít thời gian nên chuyển qua phần đánh giá và liên hệ ngay”, giáo viên này chia sẻ.

Thầy Trần Đăng Khoa (giáo viên Toán, Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh) cho hay để có một bài làm thật tốt, HS cần chú ý đến cách vận dụng kiến thức vào các câu và cẩn thận khi áp dụng.

Cụ thể, câu 1 ở mức độ vận dụng như vẽ đồ thị (P), (D) và tìm tọa độ giao điểm hay tìm m để (P) và (D) có điểm chung. Để làm tốt, các em cần cẩn thận bảng giá trị và kiến thức phương trình bậc hai.

Câu 2 ở mức thông hiểu - vận dụng, khi đó HS cần ôn kĩ các hằng đẳng thức để áp dụng tốt cho bài toán về định lí Vi-et. Khi các em biến đổi và đưa được phương trình bậc hai dạng chính tắc với tham số m thì các em có thể vận dụng máy tính cầm tay tìm ra đáp số.

Từ câu 3 đến câu 7 ở mức vận dụng, lúc này các em áp dụng kiến thức đã học được vào các bài toán thực tiễn như lãi suất, phần trăm, tỉ lệ; các dạng toán đưa về căn thức; hệ thức lượng trong tam giác; các bài toán đưa về chuyển động đều… Đối với các bài này, các em sẽ tập đưa về bài toán phương trình bậc nhất hoặc hệ phương trình bậc nhất hai ẩn…

Cuối cùng, câu 8 thuộc dạng thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao, các em cần ôn lại những kiến thức cơ bản như hệ thức lượng trong tam giác vuông, tam giác đồng dạng, các tam giác đặc biệt, các đường đồng quy để giải quyết các câu hỏi từ dễ đến khó.

Còn đối với môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Bích Chi (Trường THCS Vân Đồn, quận 4) cho biết cấu trúc đề thi năm nay tương tự năm ngoái. 

“Khó nhất là phần tự luận viết câu không thay đổi ý nghĩa và cách sử dụng từ loại trong câu. Ngoài ra, lỗi lớn hay nhỏ đều bị trừ điểm nên muốn làm tốt, các em cần phân bố thời gian hợp lí, suy nghĩ từ dễ đến khó, ôn luyện kĩ các phần thi mà giáo viên đã giảng”, cô Chi nói.

Đến chậm sau 15 phút làm bài, không được thi

Buổi thi đầu tiên, thí sinh có mặt tại điểm thi trước giờ phát đề thi 60 phút. Các buổi thi sau, thí sinh có mặt trước 30 phút. Cán bộ làm công tác coi thi có mặt trước thí sinh 30 phút.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.

Trường hợp thí sinh đến phòng thi muộn nhưng chưa có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì cán bộ coi thi lập biên bản và cho thí sinh dự thi. Các trường hợp đến chậm quá 15 phút sau (thí sinh có mặt tại cổng điểm thi) khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Các mốc thời gian để phụ huynh, HS theo dõi kết quả điểm thi và điểm chuẩn của kì thi. Cụ thể, dự kiến ngày 13/6 sẽ công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ngày 14/6, công bố điểm chuẩn trường chuyên. Ngày 10/7, công bố điểm chuẩn lớp 10 thường và danh sách thí sinh trúng tuyển.

Sở GD&ĐT TP HCM

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.