Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, thị trường có nhiều khó khăn, vướng mắc trong năm 2022 và đến năm 2023 vẫn sẽ còn nhiều thách thức.
Do đó, việc cần làm là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bất động sản an toàn, an sinh xã hội. Trong đó nhấn mạnh ba chủ thể là cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp – nhà đầu tư và nhân dân.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, doanh nghiệp nên tập trung vào các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Doanh nghiệp cần chủ động, thích ứng linh hoạt, giảm chi phí đầu vào để giảm giá bán, từ đó sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng, bán được sản phẩm nhiều hơn.
Về phía cơ quan quản lý, để dự án được nhanh chóng triển khai, cần có mặt bằng sạch, hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện; thủ tục thực hiện đầu tư cần được rút ngắn.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp bất động sản, bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch Phú Hưng Property cho rằng, khó khăn cơ bản trong thị trường bất động sản là vấn đề nguồn vốn. Qua hội thảo, bà Dung mong các đơn vị, cơ quan ban ngành hỗ trợ cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các dự án, hỗ trợ các khách hàng tiếp cận nguồn vốn trong năm 2023. Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng cần tăng cường kiểm soát thông tin truyền thông, tránh tình trạng thông tin gây nhiễu loạn thị trường.
Ngoài ra, kiến nghị chính quyền các địa phương xem xét điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian, xây dựng chương trình phát triển quản lý hệ thống nhà ở thị trường bất động sản, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân.
Nhận định về thị trường, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, còn nhiều nút thắt cần được giải quyết, tháo gỡ nhanh chóng để ổn định thị trường.
Với chủ đầu tư, ông Bình nêu thực trạng nguồn cung dự án bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, do đó, khi hình thành các dự án, việc phân tích nhu cầu thị trường, cơ cấu sản phẩm rất quan trọng. Bên cạnh đó, dòng tiền chuẩn bị thực hiện dự án cũng phải được đảm bảo để không bị cắt ngang khi đang triển khai.
Với các doanh nghiệp dịch vụ môi giới bất động sản, cần có sự thích ứng linh hoạt với thị trường hiện tại để vượt qua giai đoạn khó khăn như cơ cấu, tái cấu trúc doanh nghiệp của mình; tìm kiếm nguồn hàng thích hợp.
Với vai trò của mình, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho nhà môi giới tiếp cận kiến thức hành nghề, đồng thời áp dụng quản lý hội viên và sàn giao dịch bất động sản, từng bước hỗ trợ chuyển đổi số.
“Theo tôi, thị trường sẽ bình ổn, phục hồi và phát triển khi chúng ta tháo gỡ được toàn bộ các nút thắt. Thị trường sẽ có các nguồn tiền, đồng thời có thêm các chính sách ưu đãi trong thời gian tới”, ông Bình nhận định.