Thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn nhờ loạt thương vụ M&A này?

Các thương vụ M&A được thực hiện trong thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ tiếp thêm năng lượng cho thị trường bất động sản và các bên liên quan.

M&A bất động sản rục rịch tăng tốc

Thị trường bất động sản chứng kiến nhiều hoạt động M&A thời gian gần đây. M&A bất động sản đang diễn ra ở tất cả các phân khúc nhưng đáng chú ý nhất là tại các dự án nhà ở.

Tháng 8 vừa qua, Novaland chính thức công bố các sàn F1 chính thức phân phối và giới thiệu dự án The Grand Sentosa (huyện Nhà Bè, TP HCM). Tiền thân dự án là Kenton Node, được hồi sinh sau cái bắt tay giữa Novaland và Công ty Tài Nguyên. Theo tìm hiểu của người viết, giá bán đợt một dự kiến dao động từ 4,9 - 14,3 tỷ đồng/căn chưa VAT, tùy diện tích.

Grand Sentosa được chủ đầu tư Novaland công bố khởi công từ ngày 22/2/2022. (Ảnh: Báo Long An).

Cũng trong tháng 8, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) đã công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng gần 5.800 m2 đất tại đường Võ Văn Kiệt, khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM, thuộc chủ trương Dự án Khu căn hộ cao tầng N&T Tower của CTCP Đầu tư N&T và ông Bùi Trung Quân để phát triển Dự án Khu phức hợp kinh doanh xe ô tô kết hợp văn phòng, căn hộ cao cấp. Theo Nghị quyết ngày 11/8 của HĐQT Công ty Hàng Xanh, khu đất ở đô thị có số tầng cao xây dựng tối đa là 24 tầng. Tổng số tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự kiến tối đa là 470 tỷ đồng.

Tháng 6, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Địa ốc Sài Gòn - KL, đơn vị sở hữu trực tiếp Dự án Astral City tại Bình Dương. Cùng trong khoảng thời gian đó, HĐQT công ty này thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 89% cổ phần của các cổ đông tại CTCP Địa ốc Hòa Bình - đơn vị nắm giữ dự án đầu tư phát triển và kinh doanh dự án Khu nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại và văn phòng tại số 197 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM với diện tích đất khoảng 4.233 m2.

Mới đây, thị trường bất động sản TP HCM “xôn xao” khi logo của “ông lớn” mới nổi Viva Land bất ngờ xuất hiện quanh hàng rào dự án One Central Saigon. Dự án có tên gọi ban đầu là Spirit of Saigon do Bitexco làm chủ đầu tư. Năm 2021, dự án được truyền thông giới thiệu với cái tên mới do Masterise Homes phát triển. Hiện tại, thông tin chính thức chưa được công bố, nhưng việc logo Viva Land xuất hiện quanh hàng rào One Central Saigon đã làm rộ lên thông tin tập đoàn này sẽ là đơn vị tiếp theo “tiếp quản” dự án tại vị trí vàng này.

Trước đó, Viva Land cũng đã gây chú ý khi "hồi sinh" dự án Saigon One Tower (đã đổi tên thành IFC One Saigon) hay mua lại tòa nhà hạng A Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) của CapitaLand với giá chuyển nhượng 550 triệu USD. 

Kỳ vọng thị trường sôi động trở lại

Ông David Jackson,Tổng Giám đốc, Colliers (Việt Nam) cho biết, với tiềm năng ở mức cao, các hoạt động M&A trong thời gian gần đây được kỳ vọng mang lại lợi ích cho các bên liên quan nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Theo chuyên gia, lãi suất và chi phí xây dựng tăng cao đang khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. M&A dường như là giải pháp tốt nhất có thể để đảm bảo dự án được tiếp tục phát triển. 

Sau khi Thông tư số 16 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, chỉ có một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu vào tháng 7/2022. 

Hơn nữa, việc các ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản để hạn chế nợ xấu cũng khắc sâu khó khăn tài chính của các chủ đầu tư.

Lúc này, hoạt động M&A đóng vai trò then chốt để “giải cứu” các nhà phát triển trong nước.

Bên cạnh đó, ở vị trí của các quỹ đầu tư nước ngoài, trong nước hoặc các nhà phát triển lớn, M&A là chiến lược tăng trưởng nhanh và hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư và tăng cường năng lực tài chính. 

Hiện tại, kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, với GDP dự báo tăng từ 2,6% năm 2021 lên 7,5% năm 2022 (theo Ngân hàng Thế giới), cho thấy sức chống chịu ấn tượng, bất chấp những bất ổn toàn cầu. 

Cùng với triển vọng hồi phục kinh tế, bất động sản tiếp tục là lĩnh vực thu hút đầu tư. Với việc thu hút được 3,15 tỷ USD - lĩnh vực này đứng thứ hai trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Chuyên gia đánh giá, bất động sản Việt Nam có quỹ đạo tăng trưởng bền vững, bên cạnh đó là mức giá hợp lý nhất so với các thị trường mới nổi khác ở Đông Nam Á. Trên thực tế, những điểm hấp dẫn này trên thực tế đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc. 

Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy việc hình thành các dự án đô thị và khu công nghiệp mới. Điều này cũng góp phần tạo điều kiện cho các giao dịch M&A với các quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các chủ đầu tư trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức.

“M&A được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn trong thời gian tới”, ông David Jackson nhận định.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.